Khảo sát Pulse của Facebook, mới được Business Insider thu thập, cho thấy các nhân viên đang mất niềm tin vào khả năng lãnh đạo của công ty và tỷ lệ những người muốn gắn bó không còn cao như trước. Pulse được tiến hành hai lần mỗi năm, lần mới nhất vào giữa tháng 11, khi công ty đã đổi tên thành Meta, nhưng các khảo sát vẫn ghi là Facebook.
Có 47% nhân viên trả lời đồng ý về "ý định ở lại" Facebook, giảm 2 điểm phần trăm so với khảo sát hồi đầu năm. Về sự lạc quan tại công ty, 51% đồng tình, giảm 11 điểm phần trăm. Trong khi đó, dù đang là nhân viên Faceboook, chỉ 55% xem Facebook là "niềm tự hào", giảm 7 điểm phần trăm so với trước.
Tuy vậy, đa số đánh giá cao về người quản lý trực tiếp, sự thuận lợi trong cộng tác, làm việc nhóm, cân bằng giữa công việc và cuộc sống...
Mark Zuckerberg điều trần trước Thượng viện Mỹ năm 2018. Ảnh: Abaca Press
Trong thông cáo sau đó, phát ngôn viên của Facebook cho biết khảo sát Pulse là một phần trong văn hóa công ty: "Khảo sát nội bộ là cơ hội để các nhân viên có thể biết mình đang làm tốt ở đâu hoặc cần cải thiện ở đâu. Ở những mảng có sự suy giảm, chúng tôi sẽ cố gắng lắng nghe và xem xét một cách nghiêm túc phản hồi, sau đó đưa ra hành động".
Khảo sát nội bộ của Facebook bị rò rỉ diễn ra trong bối cảnh cựu quản lý Frances Haugen sao chép hàng loạt tài liệu Facebook, sau đó tiết lộ cho truyền thông, đồng thời điều trần trước Quốc hội Mỹ và Anh. Sau bê bối, công ty của Mark Zuckerberg cũng đã điều chỉnh về văn hóa để ngăn chặn những "Frances Haugen tiếp theo".
Business Insider cũng dẫn lời các công ty tuyển dụng nhân sự và nguồn tin trong ngành cho biết ngày càng nhiều nhân viên Facebook bỏ việc hoặc tìm cách rời công ty. Họ chuyển sang tìm kiếm cơ hội mới trong thị trường việc làm cạnh tranh của ngành công nghệ. Các đối thủ và công ty khởi nghiệp sẵn sàng đưa ra mức đãi ngộ tốt hơn với những công việc ít tranh cãi hơn ở Facebook.
Còn trên Workplace - hệ thống nội bộ dành cho nhân viên Facebook, số lượng bài viết về tình trạng kiệt sức xuất hiện ngày một nhiều. Đặc biệt, trong năm 2020, công ty thiết lập một số đợt "làm việc tăng cường". Một nhân viên đã viết rằng: "Văn hóa tăng ca là một thất bại. Những khoảng thời gian bận rộn quá mức này có thể khiến nhân viên suy kiệt".
Bảo Lâm (theo Business Insider)
Nguồn: vnexpress.net
© 2024 | Thời báo ĐỨC