Nhắc tới thế giới tiền mã hóa, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới Bitcoin. Mặc dù Bitcoin vẫn là đồng tiền mã hóa quan trọng nhất, nó lại chưa tiến đến gần mục tiêu thay thế hệ thống thanh toán trên toàn cầu.
Loại tiền mã hóa bị nhắm đến gần đây tại nhiều quốc gia là stablecoin, các đồng tiền ổn định trên thị trường như USDT hay USDC.
Đe dọa hệ thống tiền tệ quốc gia
Tờ Bloomberg ngày 17/9 đưa tin Bộ Tài chính Mỹ đang lên kế hoạch cho phép Hội đồng Giám sát Ổn định Tài chính (FSOC) tiến hành một cuộc điều tra vào phân khúc stablecoin. FSOC là cơ quan đánh giá một hoạt động kinh doanh, tài chính nào đó có “đe dọa hệ thống tiền tệ” của Mỹ hay không. Nếu có, giới chức Mỹ sẽ đưa ra những dự luật gắt gao hơn.
Tuy nhiên, đây được xem là một động thái không quá mới của chính phủ. Trước đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ là bà Janet Yellen nhiều lần bày tỏ “mối quan ngại” dành cho stablecoin.
Tether, còn có mã hiệu USDT thường được dùng để thay thế cho USD trên các sàn giao dịch. Ảnh: Coingeek.
Ngày 19/7, bà Janet Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Jay Powell và Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) Gary Gensler, đã cùng nhau triệu tập một cuộc họp kín để thảo luận liên quan đến chủ đề stablecoin. Theo bản ghi chú của cuộc họp, bà Yellen nhấn mạnh sự cần thiết phải “hành động nhanh chóng” để đưa ra một khuôn khổ pháp lý phù hợp với các đồng tiền ổn định.
Trước đó một ngày, Giáo sư Đại học Yale Gary B. Gorton và Jeffery Zhang đồng xuất bản báo cáo dài 49 trang có tên là “Taming Wildcat Stablecoins” (Tạm dịch: Thuần hóa thị trường Stablecoin hoang dã). Theo đó, hai tác giả cho rằng đồng tiền do tư nhân sản xuất như stablecoin không phải là phương tiện trao đổi hiệu quả. Nguyên nhân là vì stablecoin không phải lúc nào cũng có giá cố định và do đó có “rủi ro hệ thống do stablecoin tạo ra”.
Cuối cùng, nghiên cứu đưa ra hai giải pháp. Một là nâng cao vai trò của stablecoin tương đương với đồng tiền pháp định của quốc gia. Giải pháp thứ hai là ra mắt CBDC (đồng tiền ổn định quốc gia) và có khuôn khổ pháp lý nghiêm ngặt để hạn chế sự tồn tại của stablecoin.
Với giải pháp đầu tiên, chính phủ có thể sẽ yêu cầu stablecoin phải được phát hành thông qua sự bảo trợ của những ngân hàng được phê duyệt. Mỹ cũng có thể quy định tất cả stablecoin phải được thế chấp hoàn toàn với Kho bạc của FED. Phương án này có vẻ ít khả thi hơn.
CBDC có phải là giải pháp cho mọi vấn đề?
Dễ thấy, chính phủ các nước trên thế giới đang hướng đến giải pháp là ra mắt CBDC, đồng tiền ổn định do các ngân hàng trung ương phát hành. Đi đầu trong nỗ lực này chính là Trung Quốc.
CNBC ngày 8/7 đưa tin Phạm Nhất Phi, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) bày tỏ lo ngại về “mối đe dọa nghiêm trọng” mà stablecoin có thể gây ra cho hệ thống tài chính và thanh toán toàn cầu.
Sự phát triển của tiền mã hóa khiến các ngân hàng trung ương phải tính đến việc phát hành tiền điện tử. Ảnh: DC Forecasts.
“Cái gọi là stablecoin của một số tổ chức thương mại, đặc biệt là stablecoin toàn cầu, có thể dẫn đến rủi ro và thách thức đối với hệ thống tiền tệ quốc tế”, ông Phạm Nhất Phi nhấn mạnh.
Quan điểm này dường như là quan điểm chung của giới cầm quyền Trung Quốc, không chỉ với stablecoin nói riêng mà còn đối với toàn thị trường tiền mã hóa nói chung. Không chỉ tăng cường đàn áp thị trường tiền mã hóa trong nước, Trung Quốc cũng đẩy mạnh nghiên cứu và thử nghiệm CBDC trong những năm gần đây.
Ngày 16/7, PBoC công bố bản cáo bạch (whitepaper) của đồng e-CNY, cùng với đó là nhiều kết quả tốt trong quá trình thử nghiệm đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số này.
Theo cáo bạch, PBoC đã bắt tay nghiên cứu sáng kiến e-CNY từ năm 2014. Một trong những động lực thúc đẩy Trung Quốc phát triển e-CNY chính là sự xuất hiện của tiền mã hóa và stablecoin.
Nỗ lực quảng bá đồng e-CNY của Trung Quốc vẫn chưa mấy thành công, do người dân đã quá quen với các loại ví trên điện thoại. Ảnh: Reuters.
“Để giải quyết vấn đề biến động giá của tiền mã hóa, một số tổ chức thương mại đã tung ra một loại tiền khác gọi là 'stablecoin'. Stablecoin được neo giá với các đồng tiền hợp pháp hoặc các tài sản trên thị trường tài chính để giữ giá cố định. Một số tổ chức thậm chí còn có kế hoạch tung ra các stablecoin toàn cầu. Điều này sẽ mang lại rủi ro và thách thức đối với hệ thống tiền tệ quốc tế, hệ thống thanh toán bù trừ, hệ thống chuyển tiền xuyên biên giới”, bản cáo bạch của e-CNY nhận định.
Không chỉ giới chức quản lý nhiều nước, mà người đứng đầu của các cơ quan thương mại toàn cầu cũng có cái nhìn không thiện cảm đối với stablecoin. Ngày 22/9, CEO Tập đoàn HSBC là Noel Quinn cho biết ngân hàng này ủng hộ sự phát triển của CBDC, xem đây là công cụ đối trọng với các đồng tiền ổn định.
Ông Quinn còn cho biết HSBC đang tích cực làm việc với ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia như Anh, Pháp, Canada, Singapore, Thái Lan, UAE… để hỗ trợ và đóng góp vào các dự án CBDC của họ.
Giang Lưu
Nguồn: zingnews.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC