Theo CNBC, Meta Platforms, công ty mẹ của Facebook, lần đầu tiên tiết lộ tình hình tài chính của bộ phận phòng thí nghiệm thực tế ảo Reality Labs trong báo cáo thu nhập quý 4/2021 hôm 2.2.
Reality Labs là phân khúc được giao nhiệm vụ xây dựng tầm nhìn của Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg về siêu vũ trụ ảo “metaverse”. Nó cũng bao gồm hoạt động doanh thu từ phần cứng, chẳng hạn như kính thực tế ảo Meta Quest của công ty.
Reality Labs đã báo cáo khoản lỗ lớn, hơn 10 tỉ USD chỉ riêng trong năm 2021 chụp màn hình |
Tuy nhiên, đúng theo dự đoán của các chuyên gia đối với hoạt động metaverse cho đến nay, Reality Labs đã báo cáo khoản lỗ lớn, hơn 10 tỉ USD chỉ riêng trong năm 2021, và con số này có khả năng ngày càng tăng. Cụ thể, khoản lỗ ròng của Reality Labs trong năm 2019 là 4,5 tỉ USD trên doanh thu 501 triệu USD. Năm 2020, con số này tăng lên 6,62 tỉ USD trên doanh thu 1,14 tỉ USD. Và năm 2021 là 10,19 tỉ USD trên doanh thu 2,27 tỉ USD.
Khoản lỗ cho năm 2021 phù hợp với những gì CEO Zuckerberg đã từng nói vào năm ngoái. Trong cuộc họp báo thu nhập của công ty hôm 2.2, Giám đốc tài chính của Meta dự đoán các khoản lỗ sẽ “tăng lên một cách có ý nghĩa” vào năm 2022. Khoản lỗ trong kinh doanh thực tế ảo cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận tổng thể của Meta. Đáng lẽ, công ty sẽ có lợi nhuận hơn 56 tỉ USD cho cả năm 2021 nếu không gặp trường hợp thua lỗ trong hoạt động của Reality Labs.
Tính riêng trong quý 4/2021, Reality Labs đã lỗ 3,3 tỉ USD. Trong khi đó, phân khúc Other Bets của Alphabet, bao gồm tất cả các dự án như ô tô tự lái và công nghệ chăm sóc sức khỏe, chỉ mất khoảng một nửa so với Reality Labs, là 1,45 tỉ USD trong cùng kỳ.
Các câu hỏi bây giờ mà Meta phải đối diện là công ty đã chi tiêu tất cả số tiền đó vào việc gì? Và khi nào thì ngừng chi tiêu? Giám đốc tài chính của Meta đã quy khoản lỗ 4,2 tỉ USD cho chi phí nhân viên, nghiên cứu và phát triển, cũng như chi phí của các mặt hàng đã bán.
Tuy nhiên, tài chính của Reality Labs cũng cho thấy lợi thế của Meta trong việc xây dựng metaverse. Hãng công nghệ Mỹ thực sự có số tiền không giới hạn để chi tiêu cho các dự án thực tế ảo, không giống như những đối thủ metaverse khác nhỏ hơn như Roblox hoặc Epic Games. Chưa kể, Meta có thể có một thập niên hoặc hơn để phát triển metaverse trước khi các nhà đầu tư mất kiên nhẫn. Các giám đốc điều hành của Meta nói rằng có thể mất tới 15 năm để thực hiện đầy đủ tầm nhìn của họ. Khoảng thời gian đó là quá đủ để Meta chuyển sang một chiến lược mới khi công ty đang tìm kiếm các nguồn tăng trưởng mới.
Nguồn: Báo Thanh Niên điện tử
© 2024 | Thời báo ĐỨC