Theo Business Insider, các nhà tâm lý học đang ngày càng nhận ra sự nguy hiểm của điện thoại thông minh đối với trí não của trẻ. Một nghiên cứu mới đây cho thấy nguy cơ trầm cảm của một học sinh lớp tám tăng 27% khi thường xuyên sử dụng thiết bị di động để vào mạng xã hội. Trẻ em sử dụng điện thoại ít nhất ba tiếng mỗi ngày xu hướng tự tử cao hơn. Các số liệu khác gần đây cũng cho thấy tỷ lệ tự tử ở Mỹ đáng báo động hơn cả tỷ lệ giết người, và điện thoại thông minh là một trong các yếu tố thúc đẩy.
Giáo sư Joe Clement và Matt Miles, đồng tác giả của cuốn sách có nội dung cảnh báo về tình trạng nguy hiểm khi sử dụng thiết bị công nghệ ở trẻ em cũng đưa ra các cảnh báo tương tự. Theo tác giả, cả hai nhân vật nổi tiếng nhất trong lịch sử công nghệ gần đây là Bill Gates và Steve Jobs rất hiếm khi để con cái họ chơi với những sản phẩm do chính công ty mình tạo ra.
“Có điều gì các nhà quản lý công nghệ giàu có này biết về sản phẩm của họ mà người tiêu dùng không biết?”, tác giả đặt câu hỏi. Câu trả lời được đưa ra ngay sau đó, cùng những bằng chứng đã chỉ ra khá rõ ràng, đó là khả năng gây nghiện của công nghệ số.
Bill Gates cấm con cái sử dụng điện thoại di động trước 14 tuổi.
Năm 2007, Bill Gates, cựu CEO của Microsoft bắt đầu thực hiện việc giới hạn con cái tiếp cận với thiết bị công nghệ khi phát hiện một nội dung không lành mạnh đính kèm trong một trò chơi điện tử. “Chúng tôi không để điện thoại di động xuất hiện trên bàn ăn. Tôi cũng không phép bọn trẻ dùng điện thoại cho tới khi 14 tuổi, bất chấp việc chúng phàn nàn rằng những đứa trẻ khác được bố mẹ mua điện thoại cho từ rất sớm”, Gates từng chia sẻ.
Còn Steve Jobs, cố CEO của Apple, tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn năm 2011 với tờ New York Times rằng ông cấm con cái mình không được sử dụng những chiếc iPad mới được hãng phát hành. Jobs nói: “Chúng tôi giới hạn công nghệ mà con cái của mình được sử dụng ở nhà”.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, “cha đẻ” của thiết bị iPod, Tony Fadell, cho rằng nếu Steve Jobs vẫn còn sống, ông sẽ muốn giải quyết những vấn đề mà xã hội đang quan tâm như xu hướng nghiện đồ công nghệ. “Ông ấy (Steve Jobs) sẽ nói: ‘Này, chúng ta cần phải làm gì đó'”, Fadell chia sẻ.
Steve Jobs cũng rất khắt khe trong việc cho con cái tiếp cận đồ công nghệ.
Clement và Miles đưa ra giả thuyết rằng các bậc cha mẹ giàu có ở thung lũng Silicon dường như nắm bắt được tác hại nguy hiểm và khả năng gây nghiện của điện thoại thông minh, máy tính bảng và các thiết bị công nghệ hiện đại nhiều hơn công chúng thông thường.
Việc này trái ngược với thực tế rằng họ kiếm sống bằng cách tạo ra và đầu tư vào những công nghệ đó.
“Thật thú vị khi nghĩ trong một trường công lập hiện đại, nơi trẻ em đang được yêu cầu sử dụng các thiết bị điện tử như iPad thì những đứa trẻ như con của Steve Jobs lại là một trong những thành phần duy nhất lựa chọn không tham gia”, các tác giả viết trong cuốn sách của mình.
Thực tế, tại một số ngôi trường đặc biệt ở thung lũng Silicon, sự hiện diện của thiết bị số rất hạn chế. Ví dụ trường Waldorf, học sinh hầu hết là con em nhân viên các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Apple và Yahoo thì phấn và bút chì lại là những thứ được ưu tiên sử dụng.
Tại trường Brightworks, trẻ em học cách sáng tạo bằng việc tham gia các lớp học trong nhà gỗ và thoải mái chế ra các đồ vật theo ý thích.
Bill Gates hiện trong vai trò một nhà từ thiện và rất ủng hộ các chính sách giáo dục, vẫn luôn cân nhắc một cách cẩn thận trong việc cho các học sinh tiếp cận và sử dụng thiết bị điện tử hiện đại.
Công nghệ được áp dụng sẽ thuộc kiểu “càng cụ thể càng tốt” và theo những cách mà Gates nhận thấy chúng có ích cho sự phát triển của học sinh chứ không phải là để giải trí.
Mai Anh
© 2024 | Thời báo ĐỨC