Bài học về không quân cho Việt Nam từ cuộc chiến Ukraine

Việt Nam không nên tốn tiền đầu tư vào các loại máy bay cao cấp với số lượng ít ỏi vì đắt tiền, mà nên xây dựng một không lực với những phương tiện chiến đấu công nghệ cao, di động hơn, nhỏ gọn hơn, và giá rẻ hơn. 

Nhân một năm chiến tranh Ukraine bùng nổ, RFA phỏng vấn TS. Kelly A. Grieco, chuyên gia cao cấp của Chương trình Đại Chiến lược Tái thiết của Hoa Kỳ, tại Stimson Center, một think tank ở Washington DC, về các bài học về mặt quân sự của cuộc chiến Ukraine cho các nước Đông Á, Đông Nam Á và Việt Nam, trong bối cảnh nền quân sự thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

Theo TS. Kelly A Grieco,

1 Bai Hoc Ve Khong Quan Cho Viet Nam Tu Cuoc Chien Ukraine

CEO hãng sản xuất Drone chiến đấu Baykar của Thổ Nhĩ Kỳ nói với Reuters là sẽ hoàn thành nhà máy ở Ukraine trong hai năm

Ưu thế trên không trong chiến tranh 

RFA. Hôm 15/2/2023, Trung tâm Stimson tổ chức hội thảo "Bài học từ Ukraine cho Vùng biển Đông Á". Bà là một trong những diễn giả chính tại hội thảo. Xin bà cho biết, theo các học giả, những bài học quan trọng sau một năm chiến tranh ở Ukraine là gì?

Kelly A. Grieco: Tôi nghĩ rằng có một số bài học từ cuộc chiến Ukraine. Và tất nhiên, khi chúng ta thử áp dụng những bài học này vào Đông Á hay Đông Nam Á, chúng ta phải cẩn thận khi làm điều đó. Chúng ta phải hiểu là đặc điểm địa lý của mỗi vùng là rất khác nhau và do đó các kịch bản chiến lược và hành động cũng phải khác nhau. Nhưng dẫu sao tôi nghĩ rằng cuộc chiến cho chúng ta thấy một số thay đổi thực sự quan trọng trong nghệ thuật quân sự ngày nay. 

Đối với tôi, một trong những bài học chính của cuộc chiến là ngày nay, thực sự thì mức độ phòng thủ mạnh mẽ hơn tấn công trong nghệ thuật quân sự. Điều này có hai nghĩa.

Một là, đó là tin xấu, theo cái nghĩa là việc giành ưu thế trên không sẽ khó khăn hơn nhiều trong các cuộc chiến tranh trong tương lai. Chẳng hạn Hoa Kỳ thường thích chiếm ưu thế trên không, họ thích sử dụng bầu trời mà không bị đối phương can thiệp đáng kể vào các hoạt động tác chiến của mình. Nhưng rồi đây Hoa Kỳ sẽ khó giành được ưu thế trên không và các lực lượng không quân khác trong các tình huống tương lai. Và do đó, tôi nghĩ rằng điều đó sẽ đòi hỏi một sự điều chỉnh đối với nghệ thuật tác chiến trên không của Mỹ.

Tuy nhiên, tin tốt là khi chúng ta xem xét tình hình ở Đông Á, ta thấy Hoa Kỳ, các đồng minh và đối tác của họ đang ở thế phòng thủ chiến lược. Họ đang cố gắng duy trì hiện trạng. Điều đó giảm áp lực cho các vùng khác, nghĩa là nhu cầu về xây dựng một ưu thế trên không của các quốc gia ở phía Đông Nam Á mà Hoa Kỳ đang cố gắng ủng hộ thực sự ít quan trọng hơn. 

Ưu thế trên không trở nên quan trọng đối với Trung Quốc. Gần như bất kỳ loại hoạt động quân sự nào mà họ muốn thực hiện, cho dù đó là một cuộc phong tỏa hay một cuộc tấn công đổ bộ nào đó, hoàn toàn cần đến ưu thế trên không. Vì vậy, ở đây có một cơ hội thực sự để các quốc gia tận dụng sức mạnh phòng thủ đó và gây khó khăn cho Trung Quốc trong việc giành ưu thế trên không. 

Nếu Trung Quốc chưa có ưu thế trên không trong tất cả các chiến địa, các hoạt động quân sự của họ về cơ bản sẽ trở nên tan rã, bạn biết đấy, cực kỳ khó có cơ hội chiến thắng.

Vai trò của phòng không di động trên mặt đất

RFA. Vâng. Bà nói về tầm quan trọng của ưu thế trên không khi nhìn lại cuộc chiến Ukraine. Chúng ta thấy rằng trong chiến tranh Ukraine, lực lượng không quân Nga bị vô hiệu hóa, dù không tuyệt đối nhưng về cơ bản là vậy. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến kết quả của cuộc chiến như chúng ta đã thấy? Nó ảnh hưởng như thế nào đến nghệ thuật quân sự đương đại và cách chúng ta áp dụng nó vào khu vực Châu Á?

Kelly A. Grieco: Chắc chắn rồi, vâng. Chà, tôi nghĩ những gì chúng ta đã thấy là, bạn biết đấy, điều quan trọng là phải nhấn mạnh rằng Nga có lợi thế rất lớn trên giấy tờ về lực lượng không quân. Ý tôi là, đó là lực lượng không quân lớn hơn gấp 10 lần so với Ukraine về máy bay. Chúng ta biết là Nga cũng đã dành hàng thập kỷ để hiện đại hóa những máy bay chiến đấu đó. 

Nhưng, những gì chúng ta đã thấy lại là những sai sót của lực lượng không quân Nga. Vì vậy, điều đó chắc chắn là một nguyên nhân khiến họ thất bại. Tất nhiên tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải cẩn thận để không cảm thấy thoải mái trước sự yếu kém của không quân Nga và nghĩ một cách đơn giản rằng việc không lực Nga yếu kém đã chứng tỏ mô hình không lực của Mỹ có ưu thế hơn. Bởi vì tôi nghĩ, vấn đề nằm ở chỗ, Ukraine là một đội quân phòng thủ thực sự thông minh. Người Ukraine đang sử dụng các công nghệ sẵn có để khiến việc giành ưu thế trên không của Nga trở nên cực kỳ khó khăn. Họ đã sử dụng khả năng cơ động và phân tán hệ thống phòng không trên mặt đất, để về cơ bản làm cho nó thực sự trở thành mối đe dọa dai dẳng đối với máy bay chiến đấu của Nga. 

Nói về chiến tranh trên không là nói về một cuộc thi trốn tìm giữa các máy bay trên không phận. Máy bay Nga và hệ thống phòng không của Nga đều hoạt động trên mặt đất. Họ đang cố gắng tìm những chiếc máy bay đó và lôi kéo chúng vào kịch bản đó. 

Lực lượng phòng không trên mặt đất có lợi thế hơn, một phần vì khó phát hiện những lực lượng phòng không trên mặt đất, vừa di động vừa có thể bắn tên lửa, sau đó di chuyển rất nhanh và ẩn nấp trong những địa hình phức tạp. 

Nhưng nếu bạn là một chiếc máy bay thì khó để trốn trên bầu trời hơn. Vì vậy, Ukraine đã khai thác điều đó và nhận ra rằng tuy họ không thể giành được ưu thế trên không nhưng họ có thể tạo ra mối đe dọa tích cực dai dẳng đối với máy bay Nga. Và chừng nào người Nga không thể loại bỏ các hệ thống phòng không nhiều lớp trên mặt đất của Ukraine thì việc họ hoạt động trong không phận đó thực sự nguy hiểm. 

Bạn biết đấy, nhìn vào cách họ đối xử với lực lượng bộ binh của mình, ta thấy người Nga có thể thậm chí không quan tâm quá nhiều đến tính mạng của các phi công Nga của họ, như một vấn đề đạo đức hoặc luân lý. Nhưng họ có một vấn đề thực tế là máy bay rất đắt. Khi bạn bắt đầu bị mất dù chỉ là nửa tá loại máy bay chiến đấu này, điều đó bắt đầu giáng cấp khả năng của bạn, làm suy giảm năng lực chiến đấu tổng thể của bạn rất nhanh. Bản thân các phi công cũng phải mất nhiều năm để đào tạo. Việc đào tạo phi công rất tốn kém, và rất khó để thay thế họ. 

Do đó, người Nga về cơ bản buộc phải hoạt động phần lớn bên ngoài không phận Ukraine khi họ sử dụng sức mạnh không quân của mình. Họ không thể chịu đựng được. 

Và, bạn biết đấy, tôi chỉ lưu ý rằng, Nga không phải là lực lượng duy nhất gặp vấn đề khó khăn khi tìm kiếm các hệ thống phòng không trên mặt đất có khả năng di động. Hoa Kỳ cũng gặp vấn đề với nó. Chúng tôi gặp khó khăn trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 khi tìm tên lửa Scud di động của Iraq trên xe tải.

Theo đánh giá riêng của quân đội, chúng tôi đã không thể tìm thấy bất kỳ bệ phóng tên lửa Scud nào trên mặt đất của Iraq. Và một lần nữa, ở Kosovo, người Serb đã sử dụng hệ thống phòng không di động một cách thông minh. Mối đe dọa nghiêm trọng đến mức NATO quyết định hoạt động trên độ cao 15.000 feet (hơn 4.500 mét) để cố gắng tránh mối đe dọa càng nhiều càng tốt. 

Hoa Kỳ chưa bao giờ có một chiến pháp ngang hàng để đấu lại với hệ thống phòng không luôn di động trên mặt đất. 

Những điều chỉnh chiến lược của Trung Quốc và cách ứng phó cho Việt Nam 

RFA. Trung Quốc học bài học từ thất bại quân sự của Nga, đặc biệt là thất bại của không quân, ở Ukraine như thế nào? Họ có động thái gì để thích nghi với những bài học mới này không? Và các nước khác ở Đông Á và Đông Nam Á như Việt Nam thì sao? Bởi vì họphải nhìn vào động thái của Trung Quốc, những chuyển động của Trung Quốc, để điều chỉnh chiến lược của chính mình.

Kelly A. Grieco: Chắc chắn rồi. Chà, thật khó để biết chính xác người Trung Quốc có thể học được gì từ cuộc chiến, bạn biết đấy. Nhưng điều tôi muốn nói là, nếu chúng ta nhìn vào những gì người Trung Quốc quan sát các hoạt động trên không của Hoa Kỳ rất chặt chẽ trong nhiều thập kỷ nay, nhìn vào thực tế là bản thân họ đã học được những bài học liên quan đến hệ thống phòng không di động trên mặt đất, ta thấy đó là một vấn đề khó giải quyết đối với Lực lượng Không quân Hoa Kỳ. 

Về cơ bản, chúng tôi đã thấy rằng họ đã tạo ra thứ mà chúng tôi ở phương Tây muốn gọi là "Chiến lược Chống Tiếp cận, Chống Xâm nhập Khu vực" (Anti-Access/Area Denial - A2/AD). Trung Quốc đã triển khai rất nhiều tên lửa mặt đất và hệ thống phòng không để ngăn chặn ưu thế trên không của Hoa Kỳ. Họ đã xây dựng một loạt năng lực được thiết kế theo nhiều lớp để thực hiện điều đó. Đó là điều tôi nghĩ là quan trọng. Người Trung Quốc chắc chắn nhận ra điều này. 

Hoa Kỳ chúng tôi muốn tập trung vào không phận chủ yếu nằm trong khoảng từ 15.000 feet (hơn 4.500 mét) đến 60.000 feet (hơn 18 ngàn mét). Đó là nơi các máy bay chiến đấu và máy bay ném bom công nghệ cao của chúng tôi thường hoạt động. Và một trong những điều chúng ta đã thấy trong thời gian qua, tôi không biết chính xác, khoảng 10 đến 15 năm qua, là có nhiều đối thủ đang hoạt động ở độ cao dưới 15.000 feet (hơn 4.500 mét). Bạn biết đấy, ngay cả tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) cũng sử dụng máy bay không người lái và tên lửa vác vai mà chúng ta đã thấy ở Libya. Họ kiểm soát không phận gần mặt đất để thực sự thách thức khả năng làm chủ không phận của Hoa Kỳ. Vì vậy, mặc dù họ không thể cạnh tranh với máy bay chiến đấu và máy bay ném bom, họ vẫn có thể tạo ra một lớp không phận thực sự có tranh chấp giữa họ với lực lượng mặt đất của Hoa Kỳ và đồng minh cũng như máy bay của Hoa Kỳ. Người Trung Quốc chắc chắn hiểu điều này.

Trung Quốc rất quan tâm đến máy bay không người lái và tên lửa vác vai. Tôi cũng nghĩ rằng sở thích của họ đối với khinh khí cầu do thám cũng bộc lộ rất rõ về vấn đề này, bởi vì những gì chúng ta đang thấy về cơ bản là họ muốn bay cao hơn 60.000 feet (hơn 18 ngàn mét), làm cho vùng trời đó trở thành một phần của cuộc đấu kiểm soát không phận. 

Tôi thấy một số cuộc thảo luận nội bộ của Trung Quốc, một số nghiên cứu của phía Trung Quốc, dù có thể không thực sự đại diện cho quan điểm của chính phủ, đã tập trung chính xác vào khả năng đó, về cách họ có thể sử dụng không phận ở độ cao lớn như vậy, như một cách khác để thách thức sự kiểm soát trên không của Hoa Kỳ. Vì vậy, tôi nghĩ rằng người Trung Quốc đang thực sự học những bài học này.

Điều tôi nghĩ đối với Hoa Kỳ và các đồng minh và đối tác của họ trong khu vực là vào vào thời điểm này, chúng tôi thực sự cần phải lặp lại chiến lược mà Trung Quốc đã thực thi. Ukraine cung cấp rất nhiều bằng chứng cho điều đó. Hãy xây dựng hệ thống A2/AD của riêng chúng ta (tức là hệ thống "Chống Tiếp cận, Chống Xâm nhập Khu vực", Anti-Access/Area Denial - A2/AD). Sắp xếp lực lượng và bố trí ngay sau lưng Trung Quốc trên cùng một địa bàn.

Ở đây, đối với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, việc làm chủ được tất cả các công nghệ đó là một điều khó khăn. Nhưng chúng ta cần đi con đường khác, là ứng dụng một số lượng lớn những công nghệ nhỏ hơn và rẻ hơn, những vũ khí tính năng di động và có thể điều phối được. 

Vì vậy, hãy xây dựng một lực lượng không quân với những phương tiện chiến đấu di động, nhỏ hơn, và giá rẻ, thay vì đầu tư vào các loại máy bay đắt tiền, cao cấp, nhưng số lượng ít hơn. Những phương tiện chiến tranh nhỏ, giá rẻ, có tính năng di động cao và có thể liên hợp với nhau bằng công nghệ cao, đó thực sự là hình thái mới của chiến tranh, là hình thái chiến tranh tương lai đang hướng tới. Bạn biết đấy, sẽ có nhiều các loại tên lửa và hệ thống phòng không di động cỡ nhỏ, có tính chất robot hơn, sử dụng công nghệ cảm biến.

RFA. Xin quay lại với chiến lược biển của Trung Quốc. Họ thực hiện đồng thời hai hướng phát triển kép: Biển Hoa Đông (Đài Loan, Senkaku…) và Biển Đông (Hoàng Sa, Trường Sa, đường lưỡi bò…). Tất cả các đảo trên hai vùng biển này đều thuộc “chuỗi đảo thứ nhất” trong mạng lưới phòng thủ và bành trướng trên biển của họ. Trung Quốc đã triển khai sức mạnh không quân của mình trên hai mặt trận này như thế nào? Họ thực hành một số chiến thuật ở Biển Đông và sau đó áp dụng chúng cho Biển Hoa Đông và ngược lại?

Kelly A. Grieco: Điều đó thực sự thú vị. Cá bạn biết đấy, một trong những điều mà tôi thấy đang xảy ra ở cả Hoa Đông và Biển Đông là, chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng các vụ máy bay xâm phạm không phận thuộc chủ quyền của các quốc gia láng giềng. Và điều này thực sự có vấn đề, vì một số lý do, tất nhiên trước hết vì đó là hành vi xâm phạm chủ quyền, nhưng từ góc độ chiến lược, đó cũng là một cách khá hiệu quả để Trung Quốc làm suy yếu các lực lượng không quân của các quốc gia nhỏ hơn. Các nước này phải đối phó với những cuộc xâm nhập thường xuyên đó bằng cách phải cho máy bay cất cánh ngay lập tức để đối mặt với họ. 

Tôi nghĩ rằng ở đây mối lo đáng kể là họ đang gây căng thẳng cho một số lực lượng không quân nhỏ hơn trong khu vực. Nhưng tất nhiên duy trì nhịp độ hoạt động như vậy cũng làm họ xao nhãng những việc cần thiết khác như đào tạo thường xuyên hoặc nghỉ ngơi định kỳ. 

Tôi nghĩ rằng các quốc gia láng giềng Trung Quốc sẽ ngày càng phải thực hiện những lựa chọn khó khăn, để quyết định mình sẽ làm gì với những kiểu xâm nhập này. Bạn biết, phải không? Bạn biết đấy, một là họ có thể cố gắng hết sức có thể để tiếp tục đi trên con đường mà họ đang đi, nhưng có những rủi ro. Như tôi vừa trình bày, cách thức các nước đó đang làm thực sự không bền vững. 

Hai là họ có thể quyết định rằng họ sẽ không phản ứng với từng vụ xâm nhập như vậy, mà chỉ cho máy bay cất cánh ngăn chặn các cuộc xâm nhập của Trung Quốc ở một loại cấp độ nào đó. Điều đó sẽ làm người Trung Quốc khó đoán phản ứng của mình và giảm số lần phải cất cánh. 

Tất nhiên, vấn đề là với cách làm này, bạn đang cho phép người Trung Quốc dần dần di chuyển kim chỉ nam theo kiểu tạo ra chuẩn mực. Phải. Đó là tạo vùng xám. Họ đang thay đổi chuẩn mực quốc tế. 

Khả năng thứ ba, và một khả năng mà tôi muốn thấy, là tiềm năng các nước này sử dụng nhiều hơn các thiết bị không người lái, để thực hiện một số hoạt động tuần tra như vậy. Điều này sẽ làm giảm rủi ro leo thang tiềm ẩn và cũng giúp họ không cần dùng đến các phi hành đoàn, có thể giải phóng phi hành đoàn cho các nhiệm vụ khác. 

Trung Quốc đang sử dụng lợi thế về số lượng của mình trong cả hai vùng biển, Biển Đông và Biển Hoa Đông. Thậm chí theo cách này, họ có thể điều phối máy bay và phi công một cách phù hợp với nhịp độ hoạt động của những cuộc xâm nhập nà. Và đó là một vấn đề mà tôi nghĩ sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng, cần được giải quyết, cần các quốc gia hợp tác theo một cách nào đó, và chia sẻ trách nhiệm cùng nhau để đối phó với Trung Quốc. 

Ở phần tiếp theo, TS. Kelly A Grieco trao đổi với RFA về bài học sáng tạo trong chiến lược đa dạng hóa vũ khí của Ukraine để thích ứng với chiến tranh thế kỷ 21.

Nguồn: RFA


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày