Ấn Độ phóng tàu thăm dò Mặt trời

Hôm nay 2/9 Ấn Độ đã khởi động sứ mệnh không gian đầu tiên để nghiên cứu Mặt trời, chưa đầy hai tuần sau khi hạ cánh thành công gần vùng cực nam của Mặt trăng.

Ấn Độ đã phóng tàu vũ trụ Aditya-L1 từ trung tâm vũ trụ Sriharikota ở miền nam Ấn Độ với nhiệm vụ nghiên cứu Mặt trời từ một điểm cách Trái đất khoảng 1,5 triệu km, được gọi là L-1.

Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) cho biết tàu vũ trụ được trang bị 7 vệ tinh để nghiên cứu quầng sáng, sắc quyển, quang quyển và gió Mặt trời. Vụ phóng đã thành công hoàn toàn.

“Tàu vũ trụ đã đưa vệ tinh vào quỹ đạo dự định một cách chính xác. Đài quan sát mặt trời đầu tiên của Ấn Độ đã bắt đầu hành trình đến đích là điểm L1”, ISRO đăng trên nền tảng X, trước đây gọi là Twitter.

1 An Do Phong Tau Tham Do Mat Troi

Tàu vũ trụ Aditya-L1 được phóng từ trung tâm vũ trụ Sriharikota của Ấn Độ. Ảnh: RT.

Vệ tinh dự kiến mất 125 ngày để đến điểm L1, tức điểm Lagrrangian, đặt theo tên của nhà thiên văn học người Ý Joseph Louis Lagrange. Điểm L1 mang lại tầm nhìn không bị gián đoạn về Mặt trời. “Điều này sẽ mang lại lợi thế lớn hơn cho việc quan sát các hoạt động của Mặt trời và ảnh hưởng của chúng đến thời tiết không gian trong thời gian thực”.

Sau khi phóng, tàu Aditya-L1 sẽ ở trong quỹ đạo Trái đất 16 ngày khi nó thực hiện 5 lần điều khiển để đạt vận tốc cần thiết cho hành trình của mình. Vệ tinh và thiết bị của nó sẽ được đặt trên quỹ đạo cố định của hệ Mặt trời-Trái đất và sẽ tiếp tục di chuyển quanh Mặt trời để thu thập dữ liệu. Theo ISRO, Aditya-L1 sẽ vẫn cách Trái đất khoảng 1,5 triệu km, tức là khoảng 1% khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trời.

Vệ tinh Aditya L1 dự kiến sẽ cung cấp thông tin quan trọng để hiểu các hiện tượng mặt trời, chẳng hạn như sự nóng lên của lớp ngoài cùng của bầu khí quyển Mặt trời, quầng nhật hoa, cũng như sự phóng ra từ trường và plasma từ quầng nhật hoa, các tia sáng mặt trời và các tia phóng xạ…

Dữ liệu thu thập được từ tàu thăm dò Mặt trời sẽ giúp Ấn Độ đào tạo các phi hành gia cho sứ mệnh Gaganyaan - chương trình đưa người vào vũ trụ đầu tiên của nước này, các thử nghiệm sẽ bắt đầu vào tháng 10.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Ấn Độ Jitendra Singh đã ca ngợi các quan chức ISRO về vụ phóng.

“Xin chúc mừng Ấn Độ. Xin chúc mừng ISRO” - ông nói khi có mặt tại phòng điều khiển ISRO. “Đó là khoảnh khắc đầy ánh nắng cho Ấn Độ”,

Cách đây 2 tuần, Ấn Độ đã trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh tàu vũ trụ gần cực nam của Mặt trăng vào ngày 23/8 — một hành trình lịch sử tới vùng lãnh thổ chưa được khám phá mà các nhà khoa học tin rằng có thể chứa trữ lượng nước đóng băng quan trọng. Sau nỗ lực đổ bộ lên Mặt trăng thất bại vào năm 2019, Ấn Độ đã cùng với Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 4 đạt được cột mốc này.

Manish Purohit, cựu nhà khoa học của tổ chức nghiên cứu, cho biết nghiên cứu về Mặt trời, kết hợp với việc Ấn Độ hạ cánh thành công lên Mặt trăng, sẽ thay đổi hoàn toàn hình ảnh của ISRO trong cộng đồng thế giới.


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày