Vì sao biện pháp phong tỏa ở phương Tây bị phớt lờ?

Các biện pháp hạn chế nhằm ngăn Covid-19 được đưa dưới dạng khuyến cáo, khiến người dân phương Tây thấy chúng chưa thực sự quan trọng.

132 1 Vi Sao Bien Phap Phong Toa O Phuong Tay Bi Phot Lo

Ở vào thời điểm hỗn loạn bất thường trên toàn cầu như hiện nay, cuối tuần là dịp được nhiều người mong đợi, là quãng thời gian giúp họ giải tỏa lo âu, căng thẳng.

Nhưng khi nhìn vào đám đông người đạp xe và chạy bộ chật kín các công viên ở New York, người leo núi nối đuôi nhau tại các thắng cảnh của Anh hay những nhóm người chuyện trò vui vẻ trên bãi biển nhộn nhịp của California, dường như không ai có thể nghĩ rằng họ đang phải đối diện với một đại dịch nguy hiểm.

132 2 Vi Sao Bien Phap Phong Toa O Phuong Tay Bi Phot Lo

Bãi biển Fort Myers ở Florida ngày 16/3. Ảnh: USA Today.

Khi dịch bệnh bùng phát ở Italy, chính quyền đã phản ứng bằng cách phong tỏa những “vùng đỏ” bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở phía bắc. Khi số ca nhiễm và tử vong tiếp tục tăng nhanh, Italy ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc vào ngày 9/3. Những ai vi phạm lệnh phong tỏa có thể bị phạt 232 USD và ngồi tù 6 tháng.

Nhưng từ đó đến nay, hàng trăm nghìn người dân Italy đã bị cảnh sát cảnh cáo vì vi phạm lệnh c.ấ.m ra khỏi nhà. Một quan chức Hội Chữ thập Đỏ Trung Quốc tuần trước cho rằng các biện pháp Italy đang áp dụng, dù quyết liệt nhất trong số các nước châu Âu, vẫn chưa đủ.

Hôm 20/3, quân đội đã được điều động nhằm giúp thực thi các quy định mới giữa lúc hệ thống y tế Italy đang đứng bên bờ vực quá tải. Cuối tuần trước, khi Italy thông báo ghi nhận hơn 1.400 ca tử vong chỉ trong vòng hai ngày, nhà chức trách buộc phải ban hành những hạn chế nghiêm ngặt hơn đối với cả người dân lẫn doanh nghiệp.

Dù châu Âu đã thay thế Trung Quốc trở thành tâm dịch Covid-19 toàn cầu, nhiều quốc gia phương Tây vẫn chưa thực sự rút ra được bài học từ Italy, giới chuyên gia nhận định. Tại thủ đô London, Anh, nơi người dân vẫn đổ xô đến các công viên để đắm mình trong một ngày cuối tuần đầy nắng bất chấp lời khuyên không ra khỏi nhà từ chính quyền. Thủ tướng Boris Johnson mãi tới đêm 23/3 mới phát lệnh phong tỏa toàn quốc.

“Người dân chỉ được phép rời khỏi nhà với những mục đích rất hạn chế như sau”, ông nói và liệt kê 4 lý do người dân có thể ra ngoài, gồm: Mua nhu yếu phẩm, tập thể dục một lần mỗi ngày, cung cấp dịch vụ y tế hoặc đi làm nếu công việc thực sự quan trọng.

“Đó là tất cả. Đó là những lý do bạn nên rời khỏi nhà. Mọi người không nên đi gặp bạn bè. Nếu bạn của các bạn muốn gặp, hãy nói ‘Không’. Bạn cũng không nên đi gặp gỡ những thành viên gia đình không ở cùng nhà với mình”, ông nhấn mạnh, đồng thời thêm rằng cảnh sát sẽ giải tán những cuộc tụ họp công cộng và ghi vé phạt bất kỳ ai vi phạm các quy định mới.

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock nói những công dân không tuân thủ các biện pháp cách biệt cộng đồng mà chính phủ khuyến cáo đều “vô cùng ích kỷ”. Thống đốc New York Andrew Cuomo trong khi đó mô tả những người vẫn tụ tập tại công viên là “cứng đầu” và “vô cảm”.

Nhưng theo Nick Chater, giáo sư về khoa học hành vi tại Trường Kinh doanh Đại học Warwick, Anh, các thông điệp mà giới lãnh đạo phương Tây đưa ra “đi không đủ xa” và thực tế họ đang truyền đi “những thông điệp nhiễu loạn” khi ra lệnh đóng cửa dần dần nhà hàng, quán bar, rạp hát, rạp chiếu phim, trường học trong một tuần qua và kêu gọi công chúng nghe theo lời khuyên từ giới chức nhằm ngăn nCoV lây lan.

“Khi mọi người được khuyên làm điều gì đó một cách khá nhẹ nhàng, tôi không nghĩ họ sẽ cảm thấy cần thiết phải thực hiện theo chúng bằng mọi giá”, ông cho hay.

“Bởi vì thông điệp họ nhận được khiến họ cảm thấy mọi thứ không quá quan trọng… Nếu quan trọng, chúng ta sẽ không nói những thứ kiểu như ‘chúng tôi khuyên bạn nên dừng đèn đỏ, chúng tôi khuyên bạn nên lái xe ở bên này đường’. Chúng ta chỉ nói rằng bạn phải làm như thế, nếu không, bạn đang phạm luật”.

132 3 Vi Sao Bien Phap Phong Toa O Phuong Tay Bi Phot Lo

Đường phố vịnh English Bay, Vancouver, Canada, ngày 20/3. Ảnh: CBC.

Các chính phủ phương Tây ban đầu lưỡng lự thực hiện những biện pháp phong tỏa cứng rắn vốn được Trung Quốc áp dụng rất nhanh chóng sau khi Covid-19 bắt đầu bùng phát.

Thay vào đó, người dân ở những nước như Anh, Đức, Australia chỉ được khuyên thực hành cách biệt cộng đồng và doanh nghiệp được khuyến cáo đảm bảo nhân viên làm việc tại nhà nếu có thể.

Đức đã ban hành lệnh “c.ấ.m tiếp xúc” thay vì phong tỏa toàn quốc. Thủ tướng Angela Merkel hôm 22/3 cho biết trong một cuộc họp báo rằng Đức sẽ c.ấ.m tất cả các cuộc tụ tập có trên hai người, trừ những người sống chung, nhằm “giảm tiếp xúc” và kiềm chế virus lây lan.

Cuối tuần qua, các đám đông vẫn lấp đầy bãi biển California, đi bộ leo núi và dạo quanh công viên dù bang đã yêu cầu người dân tránh tiếp xúc gần.

Bãi biển nổi tiếng Bondi của Australia vẫn thu hút hàng nghìn người tới chơi cho tới khi chính quyền bang đóng cửa địa điểm này hôm 21/3.

Thứ hai đầu tuần ở Anh vẫn bắt đầu bằng hình ảnh người đi làm chen chúc trên tàu điện ngầm dù theo khuyến cáo từ Thủ tướng Johnson, chỉ những ai có công việc thực sự quan trọng mới nên tới công sở.

Neil Coyle, nghị sĩ quận Bermondsey, London, đăng bức ảnh một toa tàu đông đúc lên Twitter và cho biết ông đã yêu cầu chính phủ “cân nhắc truy tố những chủ sử dụng lao động vô tránh nhiệm, chấp nhận để người khác chịu rủi ro và đe dọa tới hệ thống y tế Anh”.

Nhiều người lo âu đã chia sẻ trên mạng xã hội hình ảnh về các con đường nhộn nhịp và những điểm du lịch sầm uất. Những người đi nghỉ đổ tới những cộng đồng dân cư hẻo lánh, xa xôi, làm dấy lên lo ngại các bệnh viện nhỏ ở địa phương không thể phản ứng kịp thời và sẽ nhanh chóng bị quá tải.

Công viên quốc gia Snowdonia ở Wales cho biết họ đã trải qua “một ngày bận rộn đón khách nhất trong lịch sử” và kêu gọi chính phủ ban hành những biện pháp và hướng dẫn rõ ràng hơn.

132 4 Vi Sao Bien Phap Phong Toa O Phuong Tay Bi Phot Lo

Vậy tại sao người dân phương Tây không chịu ở nhà?

Hôm qua, Thống đốc California Gavin Newsom kêu gọi những người trẻ tuổi vẫn đi chơi biển “đừng ích kỷ”. Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon thúc giục người dân “hãy làm điều đúng đắn ngay bây giờ”. Thủ tướng Australia Scott Morrison chỉ trích hành vi “bất tuân” các quy định cách biệt cộng đồng.

Nhưng giáo sư Chater cho rằng những bình luận như vậy là chưa đủ. “Đó là một thất bại lớn về mặt tuyên truyền”, ông nói. “Hãy nhìn vào Trung Quốc, Hàn Quốc, chúng ta có thể thấy những chiến lược này thực sự phát huy tác dụng, chúng không chỉ là lý thuyết”.

“Ở Trung Quốc, mấu chốt thành công nằm ở biện pháp phong tỏa cực kỳ quyết liệt, thậm chí quyết liệt hơn cần thiết”, ông nhận xét. “Nhưng chúng ta biết một biện pháp phong tỏa nghiêm khắc sẽ phát huy tác dụng. Và ở Hàn Quốc, người dân vẫn được tự do di chuyển tương đối nhưng họ đã tiến hành xét nghiệm vô cùng gắt gao trên quy mô lớn. Có lẽ, chúng ta cần kết hợp cả hai chiến lược kể trên”.

Trung Quốc tuần qua chứng kiến số ca nhiễm mới nCoV nội địa thường xuyên ở mức thấp, dưới 10 ca. Đây dường như là kết quả của biện pháp phong tỏa sớm và nghiêm ngặt, dù chúng khiến người dân không thể rời căn hộ trong hơn một tháng qua và kinh tế sụt giảm nghiêm trọng.

Cách biệt cộng đồng được đánh giá là biện pháp hiệu quả nhất giúp Hong Kong giữ tỷ lệ nhiễm nCoV thấp, dù số ca nhiễm đang tăng trở lại. Những người mới đến sẽ được phát một thiết bị điện tử đeo cổ tay giúp theo dõi liệu họ có vi phạm lệnh cách ly hay không.

Hemingway’s, một quán bar ở Hong Kong, thường đón tiếp một lượng lớn khách nước ngoài. Tuần trước, quán đăng một “cảnh báo tới tất cả những người từ châu Âu trở về” rằng video giám sát ghi hình người vi phạm các quy định chống Covid-19 sẽ được nộp cho chính quyền đặc khu.

132 5 Vi Sao Bien Phap Phong Toa O Phuong Tay Bi Phot Lo

Người dân tụ tập trên bãi biển Florida Mỹ, bất chấp lệnh cấm tụ tập đông người. (Ảnh: AP)

Một số quốc gia châu Âu đang hành động mạnh mẽ hơn nhằm kiềm chế dịch bệnh. Tại Pháp, hàng nghìn người đã bị phạt vì vi phạm lệnh ở yên trong nhà. Nhiều công viên và bãi biển bắt đầu đóng cửa.

Nhưng nếu các lãnh đạo muốn làm nhiều hơn, họ cần biến hành động thành “bắt buộc” trước khi quá muộn, giáo sư Chater nhấn mạnh.

 Vũ Hoàng (Theo CNN)


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày