Khác với nhiều doanh nhân, Gautam Adani không được kế thừa sản nghiệp từ cha. Thay vào đó, ông phải tự mình làm việc để thay đổi số phận.
Vì hiếm khi xuất hiện trước truyền thông, vị tỷ phú giàu thứ hai Ấn Độ không được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, đối với người dân bang Gujarat - nơi Gautam Adani sinh ra và lớn lên - ông chính là một "vị thánh sống" trong lòng họ.
Biến giấc mơ thuở nhỏ thành hiện thực chỉ với 100 rupee trong túi
Gautam Adani sinh ngày 24/6/1962 trong một gia đình bình thường ở Gujarat. Vị tỷ phú này có tất cả 7 anh chị em. Cha của ông làm nghề buôn vải, là lao động chính trong nhà. Vì thế, Adani có một tuổi thơ tương đối nghèo khó.
Ngay từ bé, Adani đã bộc lộ thiên hướng kinh doanh của mình. Trong một chuyến đi thực tế ở trường học, ông được nhìn ngắm cảng biển Kandla vô cùng nhộn nhịp. Điều này đã thôi thúc Adani theo đuổi một ước mơ - khá lớn với một đứa trẻ lúc bấy giờ: ông muốn xây dựng điều gì đó tương tự.
Tuy nhiên, giấc mơ của Adani không biến thành hiện thực một cách dễ dàng. Sau khi tốt nghiệp trường Seth CN Vidyalaya ở Ahmedabad, ông trúng tuyển vào khoa Thương mại của Đại học Gujarat. Lúc này, ông vẫn nuôi mộng làm kinh doanh.
Nhiều người thành công đều có một điểm chung: họ từ bỏ con đường đại học. Mark Zuckerberg, Bill Gates, Steve Jobs,... là những ví dụ điển hình.
Năm 18 tuổi, khi mới học năm thứ hai, Adani quyết định bỏ học để tới Mumbai - thành phố của những giấc mơ - làm việc. Ông muốn tận dụng thời gian của mình để làm những điều lớn lao hơn. Khi ấy, trong túi Adani chỉ có vỏn vẹn một tờ 100 rupee (khoảng 32.000 VNĐ).
Tại đây, Adani được nhận vào làm trong công ty Mahindra Brothers, trở thành một nhân viên phân loại kim cương. Trong suốt 2-3 năm làm việc, ông đã lĩnh hội không ít kiến thức về kinh doanh và sự thay đổi của thị trường. Chẳng mấy chốc, Adani thành lập được công ty môi giới kim cương của riêng mình - Zaveri Bazaar, tọa lạc ngay giữa trung tâm mua bán trang sức sầm uất của Mumbai.
Khoảng 1 năm sau đó, cuộc đời Adani chính thức bước sang trang mới. Khi ấy, Mahasukh Adani - anh trai ông - mới mua lại một nhà máy nhựa ở Ahmedabad và muốn em trai về điều hành cùng. Ông đồng ý và nhanh chóng quyết định nhập khẩu nhựa PVC về Ấn Độ. Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên ông bước chân vào lĩnh vực thương mại toàn cầu.
Khả năng nhìn xa trông rộng và nắm bắt cơ hội là những phẩm chất làm nên sự khác biệt giữa người thành công và số đông. Adani chính là một bằng chứng sống.
Ông thành lập Adani Group vào năm 1988, nhưng ban đầu chỉ buôn bán các sản phẩm nông nghiệp và năng lượng. Tuy nhiên, khi Ấn Độ chuyển sang nền kinh tế tự do vào năm 1991, vị tỷ phú này đã nhận ra thời cơ vàng của mình. Adani nhanh chóng mở rộng kinh doanh, biến Adani Group trở thành một đế chế hùng mạnh trên nhiều lĩnh vực như năng lượng, khai thác than, phân phối gas và dầu, cảng biển và các đặc khu kinh tế.
Năm 1995, Adani đàm phán thành công và giành quyền xây dựng cảng biển Mundra ở Gujarat. Rốt cuộc, vị tỷ phú này cũng đã hoàn thành được mơ ước thuở bé của mình, biến nơi này thành cảng biển tư nhân lớn nhất tại Ấn Độ.
Nhân tố vàng trong làng đàm phán
Tương tự nhiều tỷ phú tự thân khác, con đường đi đến thành công của Gautam Adani không hề dễ dàng. Tuy nhiên, ông may mắn sở hữu những phẩm chất cần thiết để giúp bản thân tiến xa hơn.
Vị tỷ phú này khá nổi tiếng trong giới doanh nhân nhờ khả năng đàm phán và thuyết phục xuất sắc của mình. Vào đầu thập niên 80, khi Adani mới chuyển về làm việc trong nhà máy của anh trai, ông có cơ hội làm việc với một vị khách hàng lớn. Người đó là Dhirubhai Ambani - ông chủ của tập đoàn Reliance Industries đình đám sau này, cha của tỷ phú giàu nhất châu Á Mukesh Ambani.
"Adani quen một nhân viên thu mua làm việc cho Reliance. Sáng nào ông ấy cũng đứng chờ trước cửa nhà người này, khi anh ta chuẩn bị đi làm, để thuyết phục Reliance chọn nhà máy của mình", Pankaj Mudholkar - một nhân viên từng làm việc dưới trướng Adani - nhớ lại. "Nhờ sự kiên trì, Adani đã đánh bại các đối thủ khác để giành được hợp đồng với Reliance".
Kỹ năng đàm phán thượng thừa này cũng giúp ông mua được Nhà máy Nhiệt điện Udupi trị giá 800 triệu USD (khoảng 19.000 tỷ VNĐ). Toàn bộ quá trình đàm phán chỉ diễn ra trong chưa đầy 100 tiếng đồng hồ.
Adani cũng từng trổ tài thuyết phục Bộ trưởng Đường sắt Ấn Độ Nitish Kumar về tầm quan trọng của việc tích hợp giữa đường thủy và đường sắt. Nhờ vậy, chính sách kết nối giữa cảng biển và đường sắt đã được thông qua, cho phép các chủ cảng được tự chạy tàu đến ga đầu mối gần nhất.
Vị tỷ phú này có nguyên tắc kinh doanh khá khác người: không bảng tính, không Powerpoint, chỉ cần bản năng. Ông gọi đây là "tư duy của một thương nhân Gujarat". Ông nhớ hết tên của 500 quản lý cấp cao dưới trướng mình và kiểm soát cực kỳ chặt chẽ các hoạt động của tập đoàn.
Khi giao dịch, Adani luôn là người quyết định cuối cùng. Một lần nọ, khi đang đàm phán hợp đồng với Abbot Point, người quản lý đã trích dẫn sai một số liệu mà ông nhận ra là thấp hơn tới 20%. Vị tỷ phú này ngay lập tức can thiệp, tự mình đàm phán, giúp Adani Group tránh được một thất bại đau đớn.
"Tôi có bản năng của một con buôn", ông kết luận.
Không được đào tạo bài bản về kinh doanh tại các trường top đầu, nhưng Adani đã học được vô số kiến thức và mánh khóe thông qua việc quan sát và thử nghiệm. Ông rất coi trọng việc rút kinh nghiệm từ sau mỗi thất bại.
Thời Adani mới có 13 triệu USD trong tay, một nhà môi giới của ông đã đặt đặt nhầm lệnh cổ phiếu, khiến ông mất trắng 800.000 USD. Anh nhân viên này đến gặp Adani và xin từ chức. Tuy nhiên, vị tỷ phú chỉ lẳng lặng xé đơn xin nghỉ việc và giáo huấn anh.
"Cậu mắc sai lầm, còn tôi thì mất tiền", Adani nói. "Cậu đã hiểu một bài học lớn. Vậy tại sao tôi lại phải tặng lợi thế này cho ông chủ tiếp theo của cậu? Hãy tiếp tục làm việc cho tôi và áp dụng những gì cậu học được".
Adani cũng nổi tiếng là người rất kiệm lời. Ông thường trả lời ngắn gọn, chỉ dùng vài ba từ. Vợ ông cho biết, bà phải làm mọi cách mới khiến ông mở lời được, từ thời cả hai chưa lấy nhau. "Ông ấy giỏi lắng nghe hơn", bà nhận xét.
Khối tài sản kếch xù và 2 lần ngoạn mục thoát khỏi thần chết
Ở tuổi 58, Gautam Adani đang sở hữu khối tài sản ròng trị giá 50,9 tỷ USD. Ông cũng là tỷ phú giàu thứ hai Ấn Độ, ngay sau đối thủ Mukesh Ambani.
Tập đoàn Adani Group đang hoạt động mạnh mẽ trên vô vàn lĩnh vực khác nhau như năng lượng tái tạo, cảng biển và sân bay, truyền dẫn năng lượng, phân phối khí gas,... Vốn hóa thị trường của tập đoàn này là 80 tỷ USD ở thời điểm hiện tại, bao gồm 6 công ty đã được niêm yết.
Vị tỷ phú này cũng trích ra 3% lợi nhuận từ việc kinh doanh để đóng góp cho Quỹ Adani. Đây là tổ chức từ thiện do ông sáng lập nhằm hỗ trợ người dân Ấn Độ về giáo dục, sức khỏe cộng đồng, cuộc sống bền vững và hạ tầng nông thôn. Người quản lý quỹ này là bà Priti Adani - một cựu nha sĩ.
Từ trái sang phải: Priti Adani (vợ), Karan Adani (con trai cả), Gautam Adani (ngồi chính giữa), Rajesh Adani và Pranav Adani
Ngoài ra, Adani còn có 2 người con trai là Karan Adani và Jeet Adani. Giống như cha mẹ, họ cũng ít khi xuất hiện trước công chúng. Con trai cả Karan hiện đang là CEO của Adani Ports & SEZ. Anh đã kết hôn với Cyril Shroff - con gái của người đứng đầu công ty danh tiếng bậc nhất Ấn Độ.
Giống như nhiều tỷ phú khác, Adani cũng sở hữu một loạt siêu xe và chuyên cơ giá trị. Bộ sưu tập của ông gồm qua một đội xe BMW, một chiếc Ferrari màu đỏ rực rỡ mua tặng con trai Karan và xe limousine để di chuyển thường ngày, 2 chiếc máy bay phản lực, 3 chiếc trực thăng và 1 chiếc máy bay sử dụng động cơ tuốc-bin cánh quạt. Ngoài ra, vị tỷ phú này còn có 1 biệt thự sang trọng tại quê nhà Gujarat.
Chiếc Ferrari đỏ trong bộ sưu tầm nhà Adani
Tỷ phú Adani sở hữu 1 chiếc Embraer Legacy 650, 1 chiếc Bombardier Challenger 605, 1 chiếc Hawker 850XP
Bên cạnh khối tài sản kếch xù, Gautam còn khiến nhiều người kinh ngạc bởi vận may thần kỳ của mình. Ông đã 2 lần gặp nguy hiểm về tính mạng, nhưng đó cũng là hai lần tử thần để vuột mất ông.
Ngày 1/1/1998, khi đang trên đường tới một câu lạc bộ ở Ahmedabad, Adani và bạn mình đã bị bọn xã hội đen dùng súng khống chế và bắt cóc. Chúng đòi khoản tiền chuộc lên đến 2 triệu USD. Bọn bắt cóc nhanh chóng bị cảnh sát bắt giữ ngay sau đó và nhận mức án 20 năm tù giam.
Adani khá rụt rè khi nhớ lại về sự cố này. "Cuộc đời tôi từng xảy ra 2-3 chuyện không may, và đây là một trong số đó", ông nói.
10 năm sau, Adani lại tiếp tục đứng ở ranh giới giữa sự sống và cái chết. Ngày 26/11/2008, khi đang ăn tối cùng đối tác trong nhà hàng thuộc khách sạn Taj ở Mumbai, ông nhìn thấy nhóm khủng bố xông vào tòa nhà. Chúng xả súng điên loạn tại khu vực hồ bơi và trong thang máy, khiến hơn 160 người thiệt mạng.
Sau đó, vị tỷ phú này nhanh chóng cùng nhiều người khác trốn dưới tầng hầm. Phải mất vài tiếng họ mới được ra ngoài, khi lực lượng cảnh sát kiểm soát được tình hình.
"Chúng tôi có hơn 100 người; ai nấy đều cầu nguyện cho mạng sống của mình. Một số người trốn dưới ghế sofa, trong khi những người khác trốn ở những nơi kín đáo. Ngồi trên ghế sofa, tôi bảo họ hãy tin tưởng vào Chúa. Đồng thời, tôi gọi điện cho gia đình mình ở Ahmedabad và người tài xế đang chờ trong xe bên ngoài khách sạn", ông cho biết.
"Tôi đã đứng cách cái chết chỉ 4,5m", vị tỷ phú này vẫn không khỏi rùng mình khi nhớ lại chuyện xưa.
Ngọc Hà (Tổng hợp)
Nguồn: nhipsongkinhte.toquoc.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC