Cuộc trò chuyện của nhà văn Trang Hạ và tác giả Siêu Nguyễn trong không gian ấm cúng của quán cà phê bàn về những khía cạnh thú vị trong các mối quan hệ đa chủng tộc.
Cuộc trò chuyện được đặt tên ‘Tôi không nói về tình yêu. Tôi nói về kỳ thị văn hoá’ nằm trong khuôn khổ buổi ra mắt và ký tặng cuốn sách ‘Cô đơn để trưởng thành’ của Siêu Nguyễn – một bạn trẻ sinh năm 1995 được nhiều người biết đến trong cộng đồng du học sinh qua những quan điểm về một số vấn đề văn hoá, xã hội, giáo dục.
Tốt nghiệp loại xuất sắc ĐH Vassar, Mỹ, Siêu Nguyễn cũng là một trong số ít người trẻ dám công khai mình là người đồng tính nam. Hiện tại, cậu đang làm việc trong lĩnh vực truyền thông cho một công ty ở Mỹ.
Cuốn sách ‘Cô đơn để trưởng thành’ của Siêu Nguyễn cũng là nơi mà cậu chia sẻ những câu chuyện cá nhân trong quãng thời gian sống và yêu ở thành phố New York – thủ phủ của sự đa dạng màu da cũng như lối suy nghĩ mở về các vấn đề chủng tộc, giới tính.
Đó cũng là chủ đề của cuộc trò chuyện tối ngày 23/8 giữa Siêu Nguyễn và nhà văn Trang Hạ.
‘Thực ra chúng ta vẫn nói về tình yêu thôi, nhưng là tình yêu trong thời đại của Tinder, trai Tây lấy vợ Việt, trai Tây yêu trai Việt, những mối quan hệ mở cũng như những thể dạng yêu đương không định nghĩa’ – Siêu Nguyễn giới thiệu về chủ đề buổi trò chuyện.
Chàng trai này chia sẻ, nếu như ở Việt Nam, chúng ta sống giữa những người cùng màu da, sắc tộc thì đương nhiên chúng ta sẽ nhận diện nhau bằng hình dáng, khuôn mặt, tính cách; nhưng ở Mỹ – nơi mà bạn tiếp xúc với những người có màu da, sắc tộc khác nhau hằng ngày thì vấn đề chủng tộc hiện lên rất rõ nét trong cuộc sống và các mối quan hệ.
Siêu Nguyễn – tác giả cuốn sách ‘Cô đơn để trưởng thành’, hiện đang làm việc tại Mỹ. Ảnh: Nguyễn Thảo
‘Có một lần, mình được hỏi rằng ‘mẫu người bạn thích hẹn hò là gì?’. Nhưng chưa kịp trả lời là ‘mẫu người tình cảm hay thông minh’ thì người hỏi đã gợi ý luôn là ‘bạn thích người da trắng, da đen, châu Á hay Latin’’.
‘Mình cực kỳ bất ngờ về việc người ta định nghĩa nhau bằng màu da, sắc tộc như vậy. Sau đó thì mình nhận ra rằng ở Mỹ, có rất nhiều người chỉ thích hẹn hò với một chủng tộc người nhất định’.
Siêu Nguyễn đưa ví dụ: có một thuật ngữ gọi là ‘cơn sốt da vàng’, ngụ ý chỉ những người da trắng chỉ thích phụ nữ hoặc đàn ông châu Á, và họ không thể hẹn hò được với những người ở chủng tộc khác.
‘Nếu bạn là người châu Á, bạn có thể nghĩ rằng đó là một lời khen ngợi cho sự hấp dẫn của mình, nhưng thực ra đó là sự phân biệt chủng tộc. Bạn thử tưởng tượng bạn yêu một anh chàng da trắng và khi nhìn thấy những bức ảnh anh ta chụp với các cô bạn gái cũ đều là gái da vàng, tự nhiên bạn tự hỏi bản thân rằng anh ta yêu mình vì tính cách, vì chiều sâu nội tâm của mình hay yêu mình vì màu da?’.
Siêu Nguyễn cũng chia sẻ, cậu từng giật mình khi phát hiện có người mà mình quen biết đã từng ngủ với tất cả tất cả những người bạn châu Á của mình.
Cậu cũng từng hỏi một số người rằng, tại sao bạn lại thích đàn ông/ phụ nữ châu Á, thì họ nói rằng người châu Á dễ bảo, nghe lời, rất dễ khiến cho người ta có cảm giác được yêu chiều, được ở vị trí bên trên trong mối quan hệ.
‘Mình cảm thấy hơi rợn tóc gáy khi nghe điều đó. Những trải nghiệm ấy khiến mình suy nghĩ rất nhiều’.
Chàng trai sinh năm 1995 cũng chia sẻ một trải nghiệm mà mình là nhân vật chính trong một mối quan hệ dạng này: ‘Năm ngoái, mình hẹn hò với một bạn da trắng. Một buổi tối đến nhà, bạn ấy bảo hôm nay chỉ được nói ‘có’, chứ không được nói ‘không’. Bạn ấy còn nói thằng rằng những thằng con trai châu Á thì rất dễ bảo, nghe lời’.
‘Mặc dù có thể thoát ra khỏi buổi tối ấy, nhưng mình cũng muốn thử xem đêm nay sẽ đi đến đâu nên mình tiếp tục làm theo những yêu cầu của bạn ấy. Ban đầu bạn ấy sai bảo mình rất nhiều thứ, sau đó bắt mình mặc một bộ quần áo mà bạn ấy muốn tất cả đám con trai mà bạn ấy hẹn hò phải mặc. Khi đồ ăn mang đến, bạn ấy yêu cầu mình ra ngoài lấy đồ ăn, ăn xong bạn ấy nằm dài xem phim và bắt mình mát-xa từ đầu đến chân, mỗi chỗ 2 lần. Mình tưởng đó là đỉnh điểm của đêm hôm ấy rồi thì bạn ấy bắt mình mặc bộ đồ Pikachu từ đầu đến chân đi ra giữa Quảng trường Thời đại để khoe đây là con Pikachu của tôi’.
‘Lúc ấy mình có một cảm giác mình đang trở thành một thứ không phải là người nữa, mà là một con thú cưng, một thứ đồ vật’.
Cậu nói, đây cũng là một trong rất nhiều trải nghiệm mà nhiều người châu Á ở Mỹ từng gặp phải.
‘Ở Việt Nam, tình yêu có thể chỉ là sự hấp dẫn giữa 2 người, nhưng ở Mỹ thì khác’.
Nhà văn Trang Hạ: ‘Làn sóng dìm hàng trai Tây bắt nguồn từ những phụ nữ cuồng trai Tây’. Ảnh: Nguyễn Thảo
Trong buổi trò chuyện, các diễn giả đồng ý với một thực tế là ‘người Việt rất cuồng trai Tây’.
Nhà văn Trang Hạ chia sẻ:
Đồng tình với ý kiến này, Siêu Nguyễn cho biết: “Có những chàng trai Tây rất bình thường ở đất nước họ, nhưng khi sang châu Á, họ lập tức được thần tượng hoá, được tôn vinh như một ngôi sao. Có lẽ đó là sự khao khát khác biệt khi chúng ta sống trong một xã hội có cùng màu da, văn hoá, chủng tộc’.
Nhà văn Trang Hạ cho rằng, thực tế nhiều phụ nữ Việt ‘cuồng’ trai Tây đã dẫn đến một làn sóng phản lại xu hướng này.
‘Trong 2 năm qua, có vô số bài viết nói rằng những anh Tây sang Việt Nam là những anh Tây balo, là những người thất bại ở nước họ, sang đây dạy tiếng Anh kiếm sống. Còn những anh Tây thành đạt thì giờ này không ở đây để nấu cho bạn bữa sáng, dắt bạn và dắt chó đi dạo ngoài công viên. Rằng những người phụ nữ có bạn trai Tây đừng vội tự hào, mà hãy ‘xem lại bản thân đi’’.
‘Tôi phát hiện ra rằng sự tấn công luôn nhằm vào phụ nữ, trong khi cả nam giới lẫn phụ nữ Việt Nam đều đang có những mối quan hệ với người ngoại quốc. Và làn sóng ‘dìm hàng’ trai Tây này thậm chí còn nhắm trực tiếp vào những người nước ngoài đang sống ở Việt Nam’.
‘Hễ cứ có một bài báo nói về một anh chàng Tây ghét giao thông Việt Nam, ghét mắm tôm, ghét nước mắm nhưng vì thích tà áo dài mà ở lại đây là bên dưới hàng trăm ‘comment’ chê bai anh ta. Mặc dù mình không lấy chồng Tây nhưng mình cũng cảm thấy sự tổn thương trong đó’.
‘Đôi khi chúng ta bị nhầm lẫn giữa giá trị của mối quan hệ và giá trị của chính chúng ta ở trong mối quan hệ đó’ – nhà văn Trang Hạ khẳng định.
Trong khi đó, Siêu Nguyễn đặt ra vấn đề: thời đại của các ứng dụng hẹn hò làm tăng lên hay giảm đi sự kỳ thị chủng tộc?
‘Có nhiều ứng dụng hẹn hò cho bạn quyền được lựa chọn chủng tộc. Thậm chí, có những người đàn ông da trắng công khai chia sẻ bí quyết để có thể ‘lên giường’ với những người phụ nữ châu Á và dùng những từ ngữ coi thường giá trị của người phụ nữ châu Á. Bên dưới là rất nhiều bình luận hào hứng, thích thú’.
‘Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Chúng ta đang sống trong một nền văn hoá mà da trắng, mũi cao, dáng thon thả đang trở thành tiêu chuẩn của vẻ đẹp, đến mức mà nhiều khi chúng ta thấy tự ti về vẻ đẹp của chính dân tộc mình, tự kỳ thị chính bản thân mình’.
‘Và làm thế nào để vị thế xã hội của mình được nâng cao hơn? Đó là hẹn hò với một anh chàng da trắng. Nhiều người nghĩ rằng những người phụ nữ Việt Nam tìm được những anh chàng da trắng là những người may mắn, giống như những người đó đã kiếm được ‘vàng’, tức là mình tự coi mình là ‘đá’. Đó chính là sự tự kỳ thị. Nó cũng góp phần khiến cho sự phân biệt chủng tộc ngầm trong việc hẹn hò tăng lên’.
Theo vietnamnet
© 2024 | Thời báo ĐỨC