Công Phượng đã có màn ra mắt không thực sự ấn tượng với STVV
Trong trận giao hữu cuối cùng trước thềm mùa giải Jupiler Pro League 2019-2020, giải bóng hạng cao nhất của Bỉ, CLB Sint Truiden (STVV) đã có trận thua muối mặt 4 bàn không gỡ trước đội bóng PAOK của Hy Lạp.
Đáng chú ý, tiền đạo Việt Nam bị xếp trên băng ghế dự bị và không được vào sân phút nào.
Chứng kiến thần tượng không được thi đấu, các cổ động viên Việt Nam đã xuất hiện rất "đông và hung hãn" trên trang chủ facebook của Sint Truiden.
Đầu tiên là các CĐV Việt Nam vào comment bằng tiếng Việt với lời bình luận chê trách chiến thuật của HLV như "STVV đá quá kém, nếu không muốn nói là một đội bóng vô danh và CP15 (Công Phượng) đang lãng phí tài năng ở đây". Hoặc "Số 7 đá quá kém chất lượng và HLV thì không biết gì về chiến thuật, trận giao hữu mà thay đúng 2 cầu thủ".
Tiếp đến là những bình luận theo kiểu rất khiếm nhã với những từ ngữ không thể chấp nhận được bằng tiếng Việt. Và tất nhiên facebook có tính năng dịch ngôn ngữ chỉ với một cái nhấn tay hay click chuột.
Một số comment của CĐV Việt Nam trên facebook STVV
Sau đó là các anh hùng bàn phím bắt đầu comment chửi bới bằng cả tiếng Anh. Một cộng đồng người hâm mộ đến từ Việt Nam đi theo Công Phượng, người Việt đã trình làng một văn hóa cổ động khiến người Bỉ "sốc nặng".
Một CĐV của STVV người Bỉ đã phải lên tiếng: "Chúng tôi đã thua 0-4 và điều này khiến đội bóng nhận ra những điểm yếu cho mùa giải tới. Thay vì gửi những lời nói tốt đẹp hay thể hiện sự hâm mộ thần tượng bằng cách đến Bỉ và lấp đầy các chỗ trống trên sân thì các bạn đang thể hiện sự thiếu văn hóa.
Tôi không thể chấp nhận những bình luận khiếm nhã của CĐV Việt Nam, khi cho rằng HLV nên tung Công Phượng vào sân. Công Phượng thực sự chưa đạt tới trình độ của Messi để có thể giải quyết một trận đấu. HLV Brys phải có lý do để cất anh ấy trên ghế dự bị.
Các CĐV Bỉ sẽ không dám bình luận trên trang của STVV, bởi nó đã bị lấp đầy bởi những kẻ cuồng tín Công Phượng. Tôi chưa bao giờ nghe nói về những người trẻ ở Việt Nam. Nhưng bây giờ có thể biết và đánh giá được họ, dù chưa từng gặp gỡ".
Văn hóa huấn luyện viên online, anh hùng bàn phím, chuyên gia cư dân mạng của Việt Nam đã tạo cho người Bỉ một ác cảm. Công Phượng ra đi không chỉ với nhiệm vụ theo đuổi giấc mơ hoàn thiện mình, nâng tầm bóng đá Việt mà còn giúp quảng bá bóng đá thế giới. Trong khi đó, người Việt đã tự quảng bá mình bằng cách không thể xấu hơn trong mắt bạn bè quốc tế.
Câu chuyện này không chỉ thể hiện ở Bỉ, mà nó từng diễn ra ở Hàn Quốc, ở Thái Lan... nơi có những cầu thủ Việt Nam thi đấu.
Bản thân HLV Jorn Andersen của Incheon United từng phải nhắc khéo: "Các CĐV Việt Nam mang lại làn gió mới cho CLB, họ tăng tương tác cho kênh youtube, facebook của đội bóng, họ giúp đội bóng quảng bá hình ảnh đến VN, nhưng họ cũng mang đến những rắc rối không đáng có với cách thể hiện sự cổ vũ của họ cho Công Phượng".
Còn HLV tạm quyền Lim Joong Yong của Incheon đã phải nói thẳng: "Công Phượng là một cầu thủ cần thiết của đội bóng, nhưng cậu ấy còn nhiều yếu điểm. Các bình luận khiến nhã của CĐV Việt Nam đang xuất hiện dày đặc và họ gây ra sức ép với ban huấn luyện cũng như quan hệ của Công Phượng với đối bóng".
Còn ngay trong nước, đội ngũ CĐV hùng hậu này cũng không ít lần thay HLV đưa ra các quyết định "nên thế này, không nên thế kia". Mà rõ ràng nhất, trước khi giải King's Cup diễn ra, ông Park Hang Seo đưa ra đội hình được triệu tập với những gương mặt thân quen, bất chấp có những cá nhân đang không đạt phong độ cao.
Làn sóng chỉ trích đã nhằm thẳng vào thầy Park, các cầu thủ của ông và gây ra một sức ép rất lớn. Chấp nhận rằng bóng đá càng tiệm cận với sự chuyên nghiệp thì các cầu thủ sẽ càng phải làm quen với rất nhiều luông tư tưởng, quan điểm từ phía người hâm mộ.
Nhưng bóng đá của Việt Nam đã chuyên nghiệp hơn, cầu thủ của Việt Nam đã bắt đầu tiếp xúc với các nền văn minh bóng đá thế giới. Vì thế, những người hâm mộ cũng cần nhìn nhận thẳng thắn rằng họ cũng phải thay đổi cách cư xử của mình, đặc biệt trên thế giới mạng xã hội.
Nguồn: Hồng Hải/ Baodatviet.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC