Lâu đài Vajdahunyad
1. Khoảng hơn chục người đàn ông mặc bộ con ong liền quần có mũ và ngồi quây quanh một cái bàn dài có bánh xe và mái che. Dưới chân mỗi người đều có bàn đạp, và phía đầu bàn, một "con ong" khác cầm lái. Đó là một chiếc xe, đích thị, một loại xe có bàn và ghế như quầy bar mà tôi chưa từng nhìn thấy, từ chiếc xe kỳ lạ phát ra những tiếng nhạc vui nhộn. Nhưng họ chế tạo ra loại xe hài hước đó để làm gì?
Và tại sao phải mặc bộ con ong? Những người đàn ông ngồi trên xe nhằm mục đích gì? Họ đi đâu khi mà chiếc xe chạy chậm như người đi bộ thế? Chúng tôi cuống quýt tranh nhau hỏi. Trung thản nhiên và vô cảm giống như một ông Tây lần đầu đến Hà Nội hỏi những người đàn bà gánh toòng teng hai cái rổ trên một cây gậy để làm gì thế.
- Họ uống bia.
- Uống bia? - Chúng tôi ồ lên kinh ngạc.
- Đúng vậy, thuê một cái xe có kèm quần áo và thùng bia. Họ vừa đạp xe vừa uống bia. Lúc nào họ say là đạp máu lắm đấy, xe chạy nhanh vun vút.
Lần đầu tiên tôi nhìn thấy Beer Bike (xe đạp bia - tiếng Đức gọi là Bierbike), mặc dù nó cũng thịnh hành ở một số thành phố châu Âu khác như Berlin và London, những nơi tôi chưa từng đến. Xe đạp bia còn có thể gọi là Party Bike (xe đạp tiệc), Cycle Pub (quán rượu bánh xe) hay Pedal Crawler và Pedibus. Xe đạp bia là một dịch vụ du lịch đặc sản của Budapest, một đất nước nổi tiếng về truyền thống làm rượu bia ngon. Một nhóm khách du lịch từ 8 - 12 người có thể thuê trọn gói một xe đạp bao gồm 30 lít bia với giá 180 Euro từ ngày chủ nhật đến thứ năm, nhưng 200 Euro cho thứ sáu và thứ bảy.
Sao mà họ sướng thế, họ nghĩ ra đủ mọi thứ để hưởng thụ, dù chẳng cần quá nhiều tiền. Vừa thưởng thức bia ngon, vừa đạp xe qua những phong cảnh đẹp nhất thế giới, vừa "chém gió" vừa tận hưởng gió trời mát lịm từ những vườn cỏ bên bờ Buda lùa qua sông Danube.
Người Hungary cũng là một dân tộc vui nhộn. Tối hôm trước trời mưa to, nước mưa ướt nhẹp từng kẽ lá và đại lộ Andrássy ủ ê không một bóng người. Nhưng tôi tình cờ nhìn thấy một người đàn ông chạy qua đường trong chiếc áo mưa kỳ quái có hình dáng của một chú búp bê với cổ tay phồng to như quận công và quần bồng giống một chú lính chì. Một chiếc áo mưa hài hước. Nhìn thấy nó chúng tôi phá lên cười. Một chiếc áo mưa thôi mà cũng cần phải làm cho nó mắc cười đến thế kia ư? Cơn mưa trong phút chốc đã hết buồn. Và ở một nhà hàng ấm cúng, bỏ lại bên ngoài những giá lạnh ướt át cuối xuân, một nhóm các gia đình đang tụ tập ăn uống.
Cha mẹ và những đứa con cùng nắm tay nhau nhảy múa, hát vang một bài dân ca tưng bừng khiến những thực khách không quen biết cũng cổ vũ và hát theo. Tất cả các thành viên trong gia đình ấy đều mập tròn một cách đáng kinh ngạc, nhưng họ tự tin hát múa như thể mình đang trên sân khấu lớn. Chính sự yêu đời làm con người ta tự tin vậy. Tôi thích người Budapest, thích cái cách thành phố này khiến tôi cảm thấy chặng dừng chân ngoài dự định trở thành một sự gắn bó muốn quay trở lại.
Hang động dưới lòng Budapest
2. Sáng hôm ấy chúng tôi quay lại City Park, công viên thành phố. Đây là một quần thể nằm cuối đại lộ Andrássy. Khu công viên này có những vườn dạo xanh mướt, một cái hồ nhỏ dập dềnh vài thuyền đạp vịt, lâu đài Vajdahunyad, quảng trường Anh hùng và khu bể bơi nước nóng Széchenyi mà tối qua đã khiến tôi một phen đứng tim. Đại lộ Andrássy là một con đường quyến rũ, bởi nó chạy dài những dinh thự cổ kính mang dáng vẻ đặc trưng của Đông Âu xưa cũ.
Đó là một vẻ lịch lãm mà người ta chỉ có thể thực sự cảm nhận khi đứng trên vỉa hè của chính đại lộ, bởi nó chẳng hề là Rome, là Paris hay thậm chí Warszawa. Tận cuối con đường là quảng trường Anh hùng, biểu tượng của thành phố, nơi mà mọi khách du lịch đều đến đó để chụp ảnh kỷ niệm. Các bức tượng đồng đã ngả xanh vì những phản ứng hóa học gây ra bởi thời tiết và thời gian, nhưng vẫn lộng lẫy bóng anh hùng ngàn năm đấu tranh vì Tổ quốc. Có quốc gia nào mà không mang trên mình số phận bi thương của chiến tranh, cũng như kiếp người nào mà không ít nhiều một lần đau khổ.
Hungary bị tàn phá nặng nề vào thế kỷ 13 bởi đế chế Mông Cổ và trong suốt thế kỷ 16,17 đã mất lãnh thổ vào tay đế chế Ottoman. Những vó ngựa thảo nguyên, những chiến binh Hồi giáo đã đem cung tên và kiếm sắc chinh phạt ngang dọc xứ sở xinh đẹp này, cướp đi các món đồ tinh xảo mang về cố quốc, để bây giờ chúng được bày biện trong viện bảo tàng của các Sultan cho khách đến tham quan. Tôi thoáng nghĩ đến căn phòng của hoàng đế Ottoman mà hơn một tuần trước đã mua vé vào xem để trầm trồ chiêm ngưỡng. Những viên ngọc nào trong số ấy đã được lấy đi từ cung điện Buda để cống nạp cho vương triều bá chủ Ottoman?
Quảng trường Anh hùng lúc này đã giảm đi vẻ hùng tráng vì những bức tượng đồng đang ảm đạm chần mình dưới mưa lâm thâm. Lát sau mưa có ngớt nhưng trời vẫn ủ ê. Chúng tôi đi bộ qua cây cầu bắc trên hồ để sang bên lâu đài Vajdahunyad. Lâu đài được xây dựng cuối thế kỷ 19, là một sự pha trộn ngoạn mục giữa kiến trúc Phục hưng, Ba rốc, Gô tích và Roman. Nó nằm bên hồ, giữa những vườn cây âm u, sẫm tối, và đầy hoa ở sân trước.
Nó có sắc màu mỹ lệ của cổ tích, nhưng mà buồn lặng. Cậu Trung bảo chúng tôi đi dạo giữa vườn cây khổng lồ ấy nhưng tôi từ chối. Tôi sợ cái màu xanh mướt đang biến thành lục đậm giữa tiết trời u ám. Cậu ấy hỏi chúng tôi muốn đi đâu, vì loanh quanh trong thành phố thế là hết rồi. Chúng tôi đã chụp hình với nhà Quốc hội, đã ăn bánh nướng, mua đồ lưu niệm trong khu phố cổ và đã dọc ngang hết City Park. Tóm lại là đi hết rồi đấy, giờ thì xuống tham quan hang động nhé. Ấy không, sang đến đây phải "cưỡi ngựa xem hoa" chứ ai lại chui xuống lòng đất làm gì. Tôi có nghe nói đến những động đá vôi khổng lồ chạy nhì nhằng dưới lòng Budapest.
3. Thực không thể tin được một thành phố nên thơ, xinh đẹp lại nằm trên một hệ thống hang động chằng chịt. Nhìn trên hình quảng cáo, du khách thám hiểm thò cổ ra khỏi những cái kén đá một cách thích thú. Tổng chiều dài của hang động lên tới hơn 100km, trong đó phần dài nhất ăn vào lòng Budapest là 19 cây số. Những núi đá và động đá vôi này nuôi trong lòng những dòng suối khoáng quanh năm ùng ục sôi, từ đó cung cấp nước cho các spa toàn thành Budapest.
Nhiều hãng du lịch trong thành phố bán tour thám hiểm hang động với giá phải chăng cho 3 tiếng phiêu lưu. Tôi bảo thôi, dù thế nào cũng làm sao bằng Sơn Đoòng, Phong Nha của mình, giờ cho chúng tôi đi chơi lâu đài. Lâu đài thì Việt Nam đích thị chưa bao giờ có. Thành Vár chứ gì? Chỗ đó để chiều đi, bây giờ còn sớm chán.
Trung phàn nàn rằng chúng tôi lưu lại Budapest ít quá, nếu không thì cậu sẽ dẫn sang Vienna, chỉ vài tiếng đồng hồ là tới nơi, nó nằm về phía Tây biên giới. Vienna mới là nơi đáng để du lịch, cậu bảo thế. Chúng tôi tiếc đứt ruột vì vài tiếng đồng hồ ở nhà thì quá thừa thãi, nhưng sang đây lại không có để mà chạy sang Vienna. Chẳng tên nào dám nói rằng, chúng tôi ghé Budapest chỉ vì bay từ châu Âu về Việt Nam qua đường Warszawa thì vé của Qatar bán rẻ hơn, vì thế trên đường đến Warszawa tiện chân chúng tôi qua luôn Budapest chứ Hungary và Ba Lan không hề nằm trong kế hoạch.
Cậu bạn tôi lần đầu tiên đi châu Âu kêu lên: "Này tôi bảo, sao từ đầu đến giờ tôi không thấy chỗ nào có con đường ô tô đi qua như trong phim nhỉ?".
Cậu ta nói tối nghĩa khiến Trung ngớ người ra. Nhưng tôi đế vào: "Ý cậu ta là một con đường có 2 hàng cây và những cánh đồng thơ ngây vàng ruộm nắng. Ở giữa có chiếc mui trần chạy qua, trên xe là một cô gái xinh đẹp thắt chiếc khăn hoa cho tóc khỏi rối tung trong gió. Cậu đừng có tin phim ảnh". Nhưng khao khát của bạn thân khiến Trung đâm ra suy nghĩ. Lát sau cậu ta thốt lên: "Thế giờ mình sang Slovakia nhé?".
Chúng tôi ồ lên: "Sang thế nào?". "Có 60km từ đây ra biên giới phía Bắc. Chạy 2 tiếng thôi".
Cái ý nghĩ chỉ 2 tiếng đã ngẫu hứng sang hẳn một nước khác rồi quay về ăn trưa khiến chúng tôi phấn khích. Ừ, sang Slovakia.
Nguồn: Nhà văn Di Li/ anninhthudo.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC