Theo quy định tại Điểm 3.2, Mục II của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự trong Điều 194 thì “Vận chuyển trái phép chất ma túy” là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp chất ma túy từ nơi này đến nơi khác dưới bất kỳ hình thức nào (có thể bằng các phương tiện khác nhau như ôtô, tàu bay, tàu thủy…
Trên các tuyến đường khác nhau như đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy, đường bưu điện…;
có thể để trong người như cho vào túi áo, túi quần, nuốt vào trong bụng, để trong hành lý như vali, túi xách v.v…) mà không nhằm mục đích mua bán, tàng trữ hay sản xuất trái phép chất ma túy khác.
Người giữ hộ hoặc vận chuyển trái phép chất ma túy cho người khác, mà biết rõ mục đích mua bán trái phép chất ma túy của người đó thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy với vai trò đồng phạm.
Để truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi “tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy”, người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý (là trường hợp người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra; hoặc người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra).
“Như vậy, nếu như xách hộ đồ mà không biết trong đó có ma túy sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì không thỏa mãn dấu hiệu về mặt chủ quan của tội vận chuyển trái phép chất ma túy là lỗi cố ý. Ngay việc nhận xách đồ mà nhận tiền công nhưng không biết trong đó có ma túy cũng không có tội.
Trừ khi mình biết người đó buôn ma túy và cố ý làm.
Pháp luật cũng quy định, đã là tội phạm thì phải có thời gian chuẩn bị, thực hiện hành vi phạm tội và có hậu quả pháp lý xảy ra.
Trường hợp vô tình thành nạn nhân mà bị cơ quan điều tra bắt, người cầm hộ chỉ có nghĩa vụ khai báo, cung cấp những thông tin mình biết chứ không có nghĩa vụ phải chứng minh”, Luật sư Trương Quốc Hòe cho hay.
Bảo vệ hành lý bằng cách nào?
Theo báo cáo của Cảng vụ Hàng không, năm 2013 và 2014, tại sân bay Nội Bài xảy ra 12 vụ mất hàng hóa trong hành lý. Nhiều hành khách phản ánh không chỉ mất đồ ở sân bay mà hành lý còn bị phá hoại, vali bị rạch nát cho dù đã quấn nhiều lớp nilon hoặc băng dính bên ngoài.
Để tránh tình trạng vali bị nhét đồ cấm hay bị moi móc vật dụng bên trong, chị Thu Thanh – Việt kiều Đức truyền đạt kinh nghiệm nên chọn loại vali cứng với khóa ngầm ở mép thay vì khóa kéo bình thường.
Nếu muốn lấy đồ bên trong kẻ gian sẽ phải phá khóa, khi đó vali sẽ không thể đóng lại được.
Vali thông thường nên sử dụng màng bọc và dán băng kín vali. Ở sân bay luôn có dịch vụ bọc màng nylon cho hành lý của bạn.
Bạn cũng có thể dùng loại dây đai hành lý có khóa để “đai” vali lại cho chắc chắn, không sợ bị kẻ xấu nhét đồ cấm vào hoặc lấy mất đồ của mình. Màu của các dây đai này thường là màu nổi, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy vali của mình trên băng chuyền hành lý từ xa.
Với thùng hàng ký gửi cũng sử dụng cách thức bọc kín và quấn băng dính phủ kín toàn bộ thùng hàng, kèm theo mác tên, địa chỉ và số điện thoại cụ thể.
Với giỏ xách có thể áp dụng biện pháp “túi trong túi”, có nghĩa là một cái giỏ xách bên ngoài, bên trong giỏ sẽ có một cái túi nhỏ hơn để đựng những vật dụng quan trọng, đắt tiền. Cái túi nhỏ sẽ được nhét sâu bên dưới để kẻ xấu khó lục ra.
Tội phạm thường ngụy trang ma túy và đồ cấm vào những vật dụng rất thông thường như: Khuy quần áo, thắt lưng hoặc đóng thành vỉ như thuốc tân dược… rồi tìm một hành khách đi cùng chuyến bay, vờ như mang đồ quá cân, năn nỉ nhờ cầm hộ một vài bộ quần áo.
Ngoài ra, cũng có thể bị tội phạm lén thả ma túy, đồ cấm vào túi mà không hề hay biết. Đến khi bị phát hiện, do không có người làm chứng sẽ khó tránh những rắc rối.
Nguồn: Vietnamnet
© 2024 | Thời báo ĐỨC