Đôi nét về Waldorf
Giáo dục Waldorf chỉ cho người lớn cách chú ý đến nhu cầu của từng đứa trẻ và thôi mong đợi trẻ trở thành người mà chúng không muốn.
Hệ thống giáo dục Waldorf được thành lập vào năm 1919 khi ngôi trường đầu tiên được mở cửa tại Đức để phục vụ cho con em của nhân viên nhà máy thuốc lá Waldorf Astoria.
Hệ thống giáo dục này lấy cảm hứng từ triết lý của triết gia người Áo Rudolf Steiner. Trường Waldorf thường kết hợp nội dung nghệ thuật, thực hành và luyện trí thông minh trong chương trình giảng dạy của họ và tập trung vào các kỹ năng xã hội cũng như các giá trị tinh thần.
Ông Steiner tin rằng, trẻ em học tốt nhất khi chúng được khuyến khích vận dụng trí tưởng tượng của chúng. Ông lập luận rằng, giáo dục phải tính đến các khía cạnh thể chất, cách cư xử, cảm xúc, nhận thức, yếu tố xã hội và tinh thần của mỗi đứa trẻ.
Nghiên cứu về những hiệu quả thực sự của trường Steiner vẫn chưa được kết luận vì các nghiên cứu đó dưới quy mô nhỏ và dữ liệu không đủ để tổng hợp.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã cho thấy trẻ em theo học tại Trường Waldorf háo hức học những điều mới hơn, vui vẻ hơn ở trường và lạc quan hơn về tương lai so với các em đang theo học tại các trường học khác. Một nghiên cứu khác khi so sánh các bài vẽ của học sinh Trường Waldorf, Trường Montessori và các trường học truyền thống đã thấy rằng trẻ em theo học ở Waldorf có đầu óc tổ chức hơn vì chúng có nhiều bài vẽ chi tiết và giàu trí tưởng tượng hơn. Dưới đây là những nguyên tắc của giáo dục Waldorf.
Mỗi đứa trẻ là một cuốn sách
Rudolf Steiner đã từng nói: “Cuốn sách nào mà giáo viên có thể học về việc dạy? Bản thân những đứa trẻ chính là cuốn sách đó. Chúng ta không nên dạy dỗ các em theo bất cứ cuốn sách nào khác ngoài cuốn sách đang ở trước mặt chúng ta, chính là các em”. Không phải trẻ em nào cũng phát triển theo cùng một cách và cũng không phát triển cùng một tốc độ. Giáo dục Waldorf dạy cho người lớn cách chú ý đến nhu cầu của từng đứa trẻ và thôi mong đợi con trở thành người mà con không muốn.
Mỗi câu chuyện là một món quà
Nhà khoa học Albert Einstein đã từng nói “Nếu bạn muốn con mình thông minh, hãy đọc truyện cổ tích cho con nghe. Nếu bạn muốn con thông minh hơn nữa, hãy đọc thêm nhiều những câu chuyện cổ tích hơn nữa”. Hệ thống giáo dục Waldorf chia sẻ quan điểm này.
Rudolf Steiner tin rằng, kể chuyện cũng giống như một món quà. Kể chuyện là một đặc điểm trọng tâm của giáo dục Waldorf. Những câu chuyện giúp trẻ kết nối, dạy trẻ những từ mới và đưa trẻ đến những nơi mà chúng chưa bao giờ được đến. Giáo dục Waldorf nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kể chuyện chứ không phải là đọc truyện. Câu chuyện khi được kể sẽ xây dựng trí tưởng tượng của một đứa trẻ hơn.
Nghĩ ra một câu chuyện để kể sẽ rất khó nhưng nếu quen dần thì sẽ dễ dàng hơn. Bạn cũng có thể kể những câu chuyện đơn giản mà bạn nhớ từ thuở bé. Nếu kể một câu chuyện mà bạn đã trải qua thì sẽ khiến cho bé cảm thấy thích thú hơn rất nhiều. Trẻ nhỏ cũng thích nghe đi nghe lại một câu chuyện nhiều lần vì vậy mẹ lặp lại cũng không sao hết.
Hòa vào thiên nhiên mỗi ngày
Trẻ em phát triển mạnh với các hoạt động thể chất. Việc chơi ngoài trời cũng giúp thúc đẩy sự sáng tạo của các bé. Kết nối với thiên nhiên có nghĩa là dạy cho trẻ em biết chú tâm đến thế giới xung quanh. Nghĩa là tập cho con dành thời gian ngửi những bông hoa trong vườn, quan sát những sự vật và con người trong môi trường.
Và thiên nhiên cũng tác động êm dịu lên trẻ. Cơ hội để hòa mình với thiên nhiên rất nhiều: Nào là ngửi hoa, hái hoa, gom đá cuội, chụp hình côn trùng, nhặt lá, sơn hoặc vẽ đồ vật sống, xây lâu đài bằng cát, truy tìm kho báu…
Dạy con trẻ cách chơi
Học sinh Steiner (Úc) trong giờ thực hành điêu khắc gỗ. Các em có thể thực hiện công việc sáng tác không thua gì nghệ sĩ
Giáo dục Waldorf dựa trên nguyên tắc là những đồ chơi đơn giản nhất sẽ thúc đẩy tốt nhất sự sáng tạo. Họ nhấn mạnh tầm quan trọng của đồ chơi tự nhiên, đồ chơi là phải cung cấp cho trẻ em những trải nghiệm về cảm giác. Khi đồ chơi đơn giản và không có một kiểu chơi chung, đồ chơi đó sẽ kích thích tính sáng tạo bởi vì trẻ có thể sử dụng trí tưởng tượng để tạo ra các đồ vật khác. Giáo dục Waldorf khuyến khích các loại đồ chơi đơn giản và thân thiện với môi trường mà mọi người đều có thể dễ dàng tìm thấy: Trái thông khô, vỏ sò, cuộn len, mảnh vải, khăn tay, cành cây khô, các khối gỗ, đá cuội.
Tập cho trẻ thói quen
Trong giáo dục Waldorf, mỗi buổi sáng sẽ bắt đầu bằng “thời gian vòng tròn”. Thời gian vòng tròn là một thời điểm đặc biệt trong đó các bé ngồi lại với nhau thành vòng tròn để hát, đọc thơ, tập các bài tập vận động… Tập thói quen có rất nhiều lợi ích. Thói quen tạo cho trẻ biết cảm giác của sự an toàn và chắc chắn. Thiết lập các thói quen cho bé giúp đơn giản hóa và làm cho việc nuôi dạy con cái trở thành một trải nghiệm thoải mái hơn.
Hãy dành chỗ cho nghệ thuật
Nghệ thuật là một khía cạnh quan trọng trong giáo dục Waldorf. Dành chỗ cho nghệ thuật có nghĩa là cho trẻ khoảng thời gian không gò bó mà ở đó chúng có thể “chơi sáng tạo”. Steiner tin rằng, đồ chơi ít hơn và đơn giản hơn giúp trẻ phát triển khả năng sáng tạo nhiều hơn.
Câu nói này của Rudolf Steiner sẽ tóm gọn lại triết lý giáo dục của chính ông: “Nỗ lực cao nhất của chúng ta phải nhằm vào phát triển những con người tự do, những người có khả năng tự truyền đạt mục đích và định hướng tới cuộc sống của mình. Cần phải có trí tưởng tượng, thành thật và cảm giác trách nhiệm – 3 mục tiêu này rất quan trọng trong giáo dục”.
Theo Việt Sơn Parents
Nguồn: giaoducthoidai.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC