Sự việc "bắt vợ" tại Mèo Vạc, Hà Giang đang thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận. Ngày 7/2, một bé gái đi chơi xuân đã bị một nam thanh niên còn khá trẻ khống chế, giằng co ở giữa đường trước sự chứng kiến của nhiều người.
Mặc cho bé gái kêu la, phản đối, nam thanh niên vẫn không dừng lại và những người đứng xem cũng không có ý can thiệp vì cho rằng thanh niên này đang bắt cô gái về làm vợ theo tục của người Mông.
Vụ "bắt vợ" ở Hà Giang gây xôn xao dư luận và công an phải tới giải cứu. (Ảnh chụp màn hình).
Ít phút sau, bé gái may mắn được một công an tới giải cứu kịp thời, còn nam thanh niên sau đó đã bị Công an huyện Mèo Vạc triệu tập để làm rõ vụ việc.
Vụ việc tại Hà Giang chưa kịp lắng xuống thì mới đây trên mạng xã hội lại lan truyền một đoạn clip chia sẻ về một cô gái trẻ ở Sa Pa, Lào Cai được cho là một nạn nhân của tục "bắt vợ".
Trong clip, cô gái bị nhóm thanh niên khoảng 5 - 7 người túm chặt tay chân "bắt về làm vợ". Cô gái ra sức chống cự, bám chặt lấy chân cô gái đi cùng, tuy nhiên vẫn bị nhóm người tách ra và khiêng đi dưới trời mưa lạnh. Có lúc cô gái ngồi thụp xuống, thậm chí nằm ra giữa đường bật khóc nhưng các thanh niên vẫn không dừng lại.
Cảnh "bắt vợ" được cho là quay ở Sa Pa vào sáng mùng 6 Tết. (Ảnh cắt từ clip).
Có lẽ cứ đến mỗi dịp đầu xuân, đây đó ở các tỉnh miền núi phía Bắc lại xuất hiện những vụ "bắt vợ" gây xôn xao dư luận như vậy.
Tục "bắt vợ" đã có từ xa xưa. Chính quyền các địa phương ở miền núi phía Bắc nhiều năm qua rất tích cực tuyên truyền, nhắc nhở người dân không thực hiện hủ tục này. Song đáng tiếc nó vẫn tồn tại và đang dần bị biến tướng ở nhiều nơi, đẩy nhiều bé gái vào các cuộc hôn nhân không tình yêu và đầy bi kịch.
Trao đổi với PV Dân trí, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian TS Nguyễn Hùng Vĩ, nguyên giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, tục "bắt vợ" là một hình thái đặc biệt của hôn nhân cổ xưa.
Để thoát khỏi tình trạng hôn nhân cận huyết và duy trì nòi giống, thì người ta phải đi tìm các thị tộc khác để tìm vợ, "bắt vợ". Người ta "bắt vợ" về để thêm sức lao động, sinh con đẻ cái. Dấu ấn cổ xưa ấy đã lưu lại ở một số tộc người trở thành tập tục, văn hóa mang dấu ấn của tộc người đó.
Theo TS Nguyễn Hùng Vĩ, người Việt trước đây cũng "bắt vợ" nhưng tục đó mất đi, còn một số dân tộc ít người vẫn giữ lại, hiện nay tồn tại chủ yếu ở cộng đồng người H'Mông.
Thông thường trước đây khi chàng trai đi "bắt vợ" thì cả hai đã yêu nhau rồi. Chàng trai làm một động tác "bắt vợ" như diễn kịch, mang tính biểu trưng. Còn bây giờ, tập tục này đang bị biến tướng đi rất nhiều, đẩy nhiều bé gái vào các cuộc hôn nhân buồn. Thậm chí, nhiều thiếu nữ còn bị bắt bán sang biên giới.
"Xã hội tiến lên thì tối thượng vẫn là pháp luật. Những gì vi phạm pháp luật như tục bắt vợ biến tướng hiện nay phải sửa chữa dần dần và ngăn cấm. Các cơ quan chức năng cần tuyên truyền và xử lý các trường hợp vi phạm", vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Trước đó, trả lời báo chí, lãnh đạo UBND xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang cho hay, chính quyền địa phương đã nắm được sự việc. Qua xác minh, vụ việc xảy ra tại thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, cô gái và chàng trai đều không phải người địa phương, chỉ đi chơi qua địa bàn.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Thời báo ĐỨC