Đọc bài báo thấy có dòng "bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ đạo cần thực hiện quyết liệt việc đổi tên bia mộ."
“Tất cả các bia mộ liệt sĩ còn ghi là "vô danh" đều phải khắc lại tên mới là "liệt sĩ chưa xác định được tên". Năm 2023 phải xong việc điều chỉnh thông tin trên bia mộ liệt sĩ”, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung nói.
Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại cuộc gặp mặt - Ảnh: GIÁP TỐNG
‘Vô danh’ không chỉ là chưa biết tên. ‘Vô danh’ khác với ‘khuyết danh’. ‘Vô danh’ hoàn toàn không phải là “chưa xác định được thông tin”.
Lấy cái hiểu biết của mình để đo cái hiểu biết của thiên hạ là lỗi lầm lớn.
Ở vị trí lãnh đạo của một ngành, một đất nước mà lấy cái hiểu biết của mình để sửa cái hiểu biết của thiên hạ thì đó là tai hoạ.
Trong tâm linh người Việt, với những người đã khuất, phải làm sao để “mồ yên mả đẹp”.
Nhất là phải tránh làm động đến mồ mả.
1. ‘CÓ DANH’ NHỜ ‘VÔ DANH’
Khi đại diện Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà đi thăm các nước Châu Phi sau chiến thắng Điện Biên Phủ, thì được nhiều nơi chào đón vang lên khẩu hiệu: Hồ Chí Minh Giáp Giáp!
Hồ Chí Minh Giáp Giáp là có danh. Vô danh là hàng vạn chiến sĩ đã ngã xuống, biết tên và không biết tên. Hàng triệu người nông dân làm nên lúa gạo, hàng vạn dân công thồ lương thực ra mặt trận, hàng vạn chiến sĩ và sĩ quan xung trận, tất cả những người đã góp sức làm nên chến thắng Điện Biên Phủ, họ còn sống, có tên, nhưng vô danh.
Tại các lễ kỷ niệm ngày thống nhất đất nước, những người được xướng tên trên lễ đài là có danh. Vô danh là những người không được xướng tên, chết và sống.
Trước mộ liệt sĩ, ‘vô danh’ là sự thiêng liêng, ‘vô danh’ là sự hy sinh thầm lặng, ‘vô danh là công lao không được xướng lên. Từ ngàn, vạn, triệu ‘vô danh’ mà làm nên ‘có danh’. Bởi thế trước đài tưởng niệm liệt sĩ vô danh luôn có những cảm xúc khác biệt so với đứng trước mộ liệt sĩ có tên.
‘Vô danh’ không chỉ là chưa biết tên. ‘Vô danh’ khác với ‘khuyết danh’. ‘Vô danh’ hoàn toàn không phải là “chưa xác định được thông tin”.
Lấy cái hiểu biết của mình để đo cái hiểu biết của thiên hạ là lỗi lầm lớn. Ở vị trí lãnh đạo của một ngành, một đất nước mà lấy cái hiểu biết của mình để sửa cái hiểu biết của thiên hạ thì đó là tai hoạ.
Trong tâm linh người Việt, với những người đã khuất, phải làm sao để “mồ yên mả đẹp”. Nhất là phải tránh làm động đến mồ mả.
Trên cả nước có cả trăm ngàn mộ liệt sĩ vô danh. Hãy để cho các liệt sĩ yên nghỉ.
Đừng thức họ dậy vì mấy từ tối nghĩa.
Hãy dùng hàng trăm tỷ đồng đó để tặng cho gia đình các liệt sĩ vô danh, thì linh hồn của người khuất chẳng những được an ủi mà người sống cũng được vui lòng.
2. TỪ ‘VÔ DANH’ ĐẾN ‘CÓ DANH’
Trong thể thao có thể thức ‘Mở rộng’. ‘Mở rộng’ không phải chỉ là cho người nước ngoài tham gia thi đấu. Mục đích chính của ‘Mở rộng’ là dành cho ‘vô danh’.
Tất cả những vận động viên ‘có danh’, theo các phạm trù đã được quy định, chẳng hạn như : các cựu vô địch, quán quân các giải đấu lớn, top 50 của bảng xếp hạng thế giới…thì được quyền tự động tham dự.
Còn đối với ‘vô danh’ thì được dành cho các suất qua cửa ‘trường đấu loại’.
Những người ‘vô danh’ vượt qua ‘trường đấu loại’ thì giành được quyền thi đấu sòng phẳng với các vận động viên đã ‘có danh’.
Nhờ cửa “Mở rộng” mà tài năng không bị bỏ sót. Kẻ ‘vô danh’ thắng kẻ ‘có danh’ mà thành danh.
Bầu cử ở nhiều nước chịu ảnh hưởng của thể thức ‘Mở rộng’.
Thí dụ như để trở thành ứng cử viên tổng thổng chỉ cần thu đủ một lượng x% chữ ký của cử tri là được tham dự, không cần quan tâm đến chức vụ đã đảm nhiệm, hay phải nhờ đến giới thiệu của các tổ chức đoàn thể.
Thể thức ‘Mở rộng’loại bỏ khả năng kẻ đương chức cản trở các đối thủ giỏi tham gia tranh giành quyền lãnh đạo. Thể thức ‘Mở rộng’ không bỏ sót người tài.
Nếu bầu cử ở nước ta tuân theo thể thức ‘Mở rộng’ thì hàng vạn ‘vô danh’ sẽ trở thành ‘có danh’.
Khi đó sẽ không bao giờ còn trường hợp thay ‘vô danh’ bằng ‘chưa xác định được thông tin’.
Khi đó đất nước chắc chắn sẽ phát triển kỳ diệu.
Ts. Nguyễn Ngọc Chu
© 2024 | Thời báo ĐỨC