Về những lần can thiệp quân sự của Nga và Liên Xô

Từ thời cổ xưa tiền nhân cũng đã dạy: Chinh phục bằng vũ lực mà không có chính danh, không được lòng dân thì sẽ sớm thất bại.

“Càng khoe cơ bắp quân sự, càng dùng vũ khí, sức mạnh đất nước sẽ càng kiệt quệ, càng bị cô lập và cửa suy thoái, suy sụp là cánh cửa tất yếu. Cả thế giới đã và sẽ ghê tởm Nga, và chắc chắn sẽ kiềm chế, trừng phạt được cơn điên loạn của nước Nga đang giãy chết” - tác giả Kim Văn Chính từ Hà Nội điểm lại những vụ can thiệp quân sự và xâm lược của Nga - Xô trong quá khứ.

1 Ve Nhung Lan Can Thiep Quan Su Cua Nga Va Lien Xo

Những tay súng Phần Lan đã kìm chân hiệu quả sự xâm lăng của Liên Xô (1939-1940) - Ảnh tư liệu

1. Phát biểu mới nhất của Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Nga đều viện dẫn đến Hiến chương Liên Hiệp Quốc để biện minh cho hành động bắn phá rộng khắp và đưa quân đội vào lãnh thổ Ukraina.

Họ sợ sẽ bị trừng phạt.

Trong cơn điên loạn, họ vẫn cố níu kéo đến tính chính danh. Dấu hiệu của lo sợ và yếu thế. 

Giống tên cướp, vừa giết người, miệng luôn hô to: “Ta có chính nghĩa cướp của người giàu để chia cho người nghèo…”.

2. Tôi không bàn rộng về các cuộc can thiệp quân sự, gây chiến của loài người trên khắp thế giới trong suốt thế kỷ 20. Nó quá rộng, phức tạp, rắc rối để có thể rút ra điều gì có ích trong lúc này.

Tôi chỉ bàn về các cuộc can thiệp của Liên Xô từ khi hình thành (1922) và Nga là quốc gia kế thừa Liên Xô.

Ngoài các tranh chấp quân sự như tranh chấp đánh nhau lớn với Trung Quốc (1969), Liên Xô (xưa) có rất nhiều cuộc can thiệp bằng quân đội, thậm chí đưa quân đánh chiếm các vùng lãnh thổ của các quốc gia lân bang. Cần chia các can thiệp và chiếm đất này thành 2 giai đoạn:

a/ Giai đoạn trước và đến Thế chiến thứ Hai:

Trong giai đoạn này, Liên Xô là nước XHCN duy nhất trên thế giới đã phát triển kinh tế và tiềm lực quân sự rất ngoạn mục trong một thế giới đang có những mâu thuẫn lớn giữa các đế quốc TBCN mà kết cục là Thế chiến thứ Hai với kẻ đầu têu gây ra là nước Đức với Hitler mà ai cũng biết.

2 Ve Nhung Lan Can Thiep Quan Su Cua Nga Va Lien Xo

Lãnh thổ tại vùng Karélia của Phần Lan bị​ cắt cho Liên Xô

Nhân lúc Thế giới rối ren (1938-1940), Liên Xô đã mở một loạt cuộc tấn công vào Phần Lan, Estonia, Latvi, Litva, Ba Lan, Slovakia (lúc đó là một phần của Czechoslovakia - Tiệp Khắc), Romania. Kết quả của cuộc tấn công này là Liên Xô đã chiếm được các vùng đất sau:

  • Vùng Karelia của Phần Lan giáp với Nga.
  • Chiếm trọn 3 nước pri-Baltic, thành lập nên 3 nước cộng hòa XHCN thành viên Liên Xô.
  • Chiếm cả một vùng rộng lớn phía Tây Ucraine và Belarus ngày nay do Ba Lan quản lý, sáp nhập vào Liên Xô (Ukraina và Belarus).
  • Chiếm vùng Moldavia của Romania, thành lập nên nước Cộng hòa XHCN Moldavia thuộc Liên Xô.

Kết thúc Thế chiế thứ Hai, Liên Xô là nước thuộc phe thắng trận. Lợi dụng lợi thế này, Liên Xô đã áp đặt để chiếm luôn Kalinigrad, sáp nhập vào Nga.

3 Ve Nhung Lan Can Thiep Quan Su Cua Nga Va Lien Xo

Vùng đất Kaliningrad cũng về tay Liên bang Xô-viết

Trên vùng biển phía Đông giáp Nhật Bản, nhân cơ hội Nhật Bản sắp đầu hàng, Liên Xô đánh chiếm 4 hòn đảo thuộc Quần đảo Kuril của Nhật, chiếm giữ cho đến ngày nay.

Như vậy, ta thấy, Liên Xô hồi trước Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai cũng rất hiếu chiến và có tinh thần bành trướng rất rõ.

Hồi đó còn chưa có Liên Hiệp Quốc, tức là chưa có hệ thống công pháp quốc tế bảo đảm về chủ quyền quốc gia và các nguyên tắc chung sống. “Cá lớn nuốt cá bé”, mạnh đánh yếu là thường tình và chân lý thường được giải quyết bằng kết quả trên chiến trường.

b/ Giai đoạn sau Thế chiến thứ Hai:

Chủ nghĩa phát-xít đứng đầu là nước Đức của Hitler với sự vào hùa của nhiều nước tiểu bá, trung bá đã cho loài người thấy hiểm họa diệt vong và đi ngược lịch sử phát triển của tư duy nước lớn nước mạnh ăn hiếp nước bé, nước yếu.

Trong cuộc chiến đấu chống lại chủ nghĩa phát-xít, rất may là phe đồng minh đã thắng.

Liên Xô ban đầu đã ký hòa ước với Đức để tranh thủ chiếm đất như nêu trên. Sau bị chính Đức xé hòa ước tấn công trực diện chiếm đất của Liên Xô, và Liên Xô đã rất quật cường đánh trả, góp phần chiến thắng phát-xít Đức, đồng thời khích lệ các nước Đông Âu hàng loạt trở thành nước XHCN làm đồng minh, anh em với liên Xô. 

Liên Hiệp Quốc ra đời với bản Hiến chương mà Liên Xô cũng ký kết.

Với sự mở rộng tầm ảnh hưởng sang Đông Âu rộng lớn, Liên Xô trở thành hạt nhân, thành trung tâm, thành anh cả không những trên địa giới CCCP bao la gồm 15 nước cộng hòa, mà còn ảnh hưởng bao trùm Đông Âu, sang cả Mông Cổ, Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba. Liên Xô sau Thế chiến thứ Hai là một nửa thế giới, dám đương đầu với Mỹ và Tây Âu không khoan nhượng (Chiến tranh Lạnh).

Nhưng Liên Xô lúc đó có sự chính nghĩa nhất định, có hậu thuẫn lớn trên thế giới, và luôn bám vào Hiến chương Liên Hiệp Quốc để ra các đòn chính trị, ngoại giao và cả đe dọa quân sự với Mỹ.

4 Ve Nhung Lan Can Thiep Quan Su Cua Nga Va Lien Xo

Chiến xa Hồng quân trên đường phố Budapest, 1956 - Ảnh tư liệu

Các cuộc can thiệp:

  • Can thiệp quân sự bằng cách đưa quân đội vào Hungaria đàn áp phong trào nổi dậy của người dân Hung năm 1956.
  • Can thiệp tương tự vào Tiệp Khắc năm 1968.
  • Can thiệp đưa quân đội quy mô lớn vào Afghanistan năm 1979.
  • Cùng với Cu Ba (quân đội Cu Ba, tiền và vũ khí Liên Xô): đưa quân đội can thiệp vào Angola 1988. 

Các cuộc can thiệp này đều phải được “chính danh hóa” bằng các lời mời mọc, kêu gọi can thiệp, ký Hiệp định của các Chính phủ hoặc phong trào thân Nga ở nước sở tại.

Kết quả can thiệp cũng đã phần nào giúp Nga giữ được ảnh hưởng và hiện diện quân sự của mình ở những vùng đệm (Hungary, Tiệp Khắc). Nhưng nhiều cuộc can thiệp đã thất bại thảm hại (Afghanistan, Angola).

Tổng thể và dài hạn: Liên Xô thất bại trong chiến lược bành trướng bằng sức mạnh quân sự, can thiệp vũ trang.

- Ở những nước Đông Âu, dù có giữ được chính quyền thân Nga nhưng chỉ là tạm thời, Liên Xô đã bị mất lòng tin của nhân dân Đông Âu nói chung, nuôi lòng hận thù và quyết tâm thoát khỏi ách nô dịch của Nga - Xô.

- Afghanistan và Angola thất bại cay đắng và rõ rệt.

- Thất bại chìm, nhưng càng ngày càng là tử huyệt: kinh tế Liên Xô kiệt quệ vì chi tiêu quân sự quá lớn, lạc hậu về khoa học – kỹ thuật do bị cấm vận, thiệt hại về binh lính gây phản ứng xã hội, cộng với khủng hoảng mô hình tổ chức xã hội theo kiểu XHCN không có động lực làm việc, năng suất thấp…

Kết quả cuối cùng là Liên Xô sụp đổ.

Đông Đức và hàng loạt nước Đông Âu thay đổi thể chế chính trị, quay lưng lại với Liên Xô - Nga.

Buộc phải rút quân khỏi Afghanistan và Angola.

Đau đớn nhất là các nước Cộng hòa thành viên Liên Xô cũ đều tách ra thành các quốc gia độc lập và đại đa số đều muốn thoát vòng ảnh hưởng của Nga (kế thừa Liên Xô), kể cả chấp nhận giao chiến huynh đệ tương tàn…

 

c/ Thời hậu cộng sản

Trước nguy cơ tan rã lần hai của chính nước Nga như một thực thể đa dân tộc, Vladimir Putin đã lừng lững xuất hiện. Putin đã phần nào lấy lại cân bằng của quá trình tan rã và suy thoái của nước Nga.

Ông đã khôi phục sức mạnh quân đội, phục hồi chủ nghĩa quốc gia đế quốc, tập trung lại được nguồn lực vào tay Chính phủ, trừng phạt các mưu đồ và hành vi phá hoại tan rã từ been trong (đàn áp đối kháng, trừng trị Chechnia và quân khủng bổ).

 

Ông được rất nhiều người Nga tôn thành Thánh. Đúng là Thánh đối với nước Nga thật. Nếu không có ông, nước Nga có thể đã tan rã lần nữa (sau Liên Xô).

5 Ve Nhung Lan Can Thiep Quan Su Cua Nga Va Lien Xo

Tổng tấn công trên khắp nước Ukraine, ngày 24/2/2022 - Ảnh: “Daily Mail”

Nhưng Putin và giới cầm quyền hiện nay đã đi quá đà.

  • Nga đã đánh thắng, đè bẹp Chechnia bằng vũ lực, dân tộc Chechnia gần như đã tự sát. Thế giới không can thiệp vì Nga có chính danh. Chechnia chỉ là một lãnh thổ thuộc nước Nga có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Hơn nữa, phiến quân Checnia bản chất là quân khủng bố dân tộc cực đoan.
  • Nga cảm thấy vẫn bị cô lập, bị coi thường trên trường quốc tế, cả về chính trị, ngoại giao, kinh tế và quân sự.
  • Điều này càng thúc đẩy Putin cùng chủ nghĩa đại Nga trỗi dậy, họ dựa chủ yếu vào sức mạnh quân sự với thời cơ giá bán dầu, vàng và tài nguyên tăng.
  • Nga không ngần ngại can thiệp mạnh tay vào Moldovia khi nước này muốn thoát khỏi ảnh hưởng của Nga, lập nên thực thể Tranistria thuộc Nga ngay trong lòng đất nước.

Tấn công Georgia khi nước này bài Nga, gia nhập NATO, lập 2 thực thể Nam Osetia và Avkhadia trong lòng Georgia (2008); can thiệp sáp nhập Crimea và lập 2 cộng hòa tự xưng thuộc lãnh thổ Ukraine (2014).

Các can thiệp này, Nga vẫn phải bám vào tính chính danh là dựa vào lá phiếu của dân cư các vùng chiếm đóng.

  • Lần này, vẫn tư duy đó, nhưng ở tầm cấp và quy mô đối chọi xung khắc hơn (với các nước Phương Tây).
  • Điểm khác là Nga hiện nguyên hình là một nước đi xâm lược, không còn chút chính danh nào nữa.

3. Chút lời bình

Tôi cho là Putin và Chính quyền Nga đã không chịu học kỹ các bài học của Liên Xô và chính Nga trong quá khứ.

Càng khoe cơ bắp quân sự, càng dùng vũ khí, sức mạnh đất nước sẽ càng kiệt quệ, càng bị cô lập và cửa suy thoái, suy sụp là cánh cửa tất yếu.

Cả thế giới đã và sẽ ghê tởm Nga, và chắc chắn sẽ kiềm chế, trừng phạt được cơn điên loạn của nước Nga đang giãy chết.

Kim Văn Chính, từ Hà Nội

Nguồn: Tạp chí Nhịp cầu Thế Giới


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày