Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Trường hợp do nhu cầu phải đến/về địa phương, yêu cầu bắt buộc phải khai báo y tế, thông báo với chính quyền địa phương trước khi trở về địa phương, gia đình và làm xét nghiệm Realtime- PCR hoặc Test nhanh kháng nguyên, có kết quả âm tính SARS- CoV-2 còn hiệu lực trong 72 giờ trước khi vào địa bàn. Nếu không có giấy xét nghiệm trước, người dân sẽ phải test nhanh ngay tại điểm chốt vào thành phố.
Ngày 30/12/2021, UBND xã Chiềng Yên (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) ra văn bản yêu cầu người lao động địa phương này đi làm ở xa muốn ăn Tết với gia đình, phải về trước ngày 10/1 (tức mồng 8 tháng Chạp) - tức trước Tết 22 ngày - để đảm bảo cách ly y tế. Trong khi đó, tỉnh Quảng Nam cũng vận động dân vùng dịch không về quê ăn Tết.
Điều này khiến cộng đồng mạng, đặc biệt những người đang học tập, sinh sống và làm việc xa quê tỏ ra… bất ngờ, hụt hẫng.
Chị Thái Anh (TP Thái Nguyên) sinh sống và làm việc ở Hà Nội cho biết vậy là mấy tháng nay, chị không được về quê thăm bố, mẹ. Một phần do dịch ở Hà Nội phức tạp, phần do các quy định của địa phương, phần nữa cũng là để giữ cho bố mẹ, người thân nhỡ… không may trên đường di chuyển chị lây bệnh.
“Vì lâu quá không về rồi nên tôi định để Tết âm về nghỉ ngơi luôn mấy ngày. Nhưng với quy định mới mà Thành phố vừa ban hành như thế này thì Tết xa nhà đang đến rất gần”, chị Thái Anh trầm giọng.
Tương tự một người con xa quê Thanh Hoá cũng cho biết đã nhận được thư ngỏ của địa phương vận động bà con không về quê ăn Tết nhưng anh có nhà, có mẹ già ở quê.
“Cả năm đã đi xa, nên Tết tôi sẽ về”, người đàn ông này quả quyết.
Trước các quy định về chống dịch ở một số địa phương như hiện nay, trao đổi với phóng viên, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng “Khi chúng ta đã chấp nhận "không Zero Covid", đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 thì chúng ta phải chấp nhận thực tế số ca mắc Covid-19 có thể tăng cao.
“Chính phủ đã ra Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, hiệu quả với dịch Covid-19 trong đó nới lỏng tất cả các hoạt động kể cả đi lại, kiểm soát rủi ro. Chúng ta không “ngăn sông cấm chợ” vì tỷ lệ bao phủ vắc xin đã cao”, PGS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Theo chuyên gia, các tỉnh cần thực hiện nghiêm quy định này, tránh mỗi nơi làm một kiểu gây ảnh hưởng tới làm kinh tế cũng như an sinh xã hội. Ngoài ra, việc địa phương vận động hay ra quy định “làm khó” người dân về quê dịp Tết sẽ tạo ra một số tiền lệ không hay và gây dư luận không tốt.
Vừa qua Chính phủ, Bộ Y tế đã “thổi còi” một số địa phương đưa ra quy định không hợp lý về cách ly, xét nghiệm đối với người từ địa phương khác về.
Theo TS Phu việc cách ly, xét nghiệm như thế Bộ Y tế đã có quy định cụ thể. Cụ thể, không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân, chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ như sốt, ho, khó thở… hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.
“Việc yêu cầu toàn bộ người vào địa bàn phải xét nghiệm vừa không cần thiết, vừa tốn kém, vừa gây tâm lý chủ quan phòng bệnh. Các địa phương nên tạo điều kiện cho lao động về quê đón Tết an toàn”, TS Phu nhấn mạnh.
Mặc dù tình hình dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng mỗi ngày, do đó, PGS. TS Trần Đắc Phu cho rằng, người dân dù về quê ăn Tết vẫn không nên lơ là các biện pháp phòng bệnh.
“Thích ứng trong tình hình mới, chúng ta không để giãn cách xã hội như trước. Vì vậy, người dân phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm 5K mọi chỗ, mọi nơi, hạn chế tiếp xúc với đám đông, giảm đi lại không cần thiết, không tổ chức các hoạt động đông người không cần thiết, không tổ chức ăn uống linh đình, hạn chế thăm nom, tụ tập… vừa ăn tết vui vẻ vừa an toàn phòng dịch bệnh.
Ý thức người dân lúc này là quan trọng nhất, không nên vì nghĩ đã tiêm vắc xin mà chủ quan, lơ là. Việc không thực hiện tốt 5K sẽ làm lây lan mầm bệnh cho người khác, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, mắc bệnh nền, trẻ em hay những đối tượng chưa được tiêm đủ liều vắc xin”, TS Phu nói.
Đồng tình với quan điểm này, PGS. TS Huy Nga nhấn mạnh, khi sống chung với dịch, quan trọng nhất là ý thức của người dân.
“Sống chung với dịch thì cũng có nghĩa là không thể phong toả, đóng cửa như ngày trước. Hiện nay một số nước đã mở cửa cho người Việt Nam tiêm đủ hai mũi vắc xin có thể sang nước họ, thì việc trong nước tỉnh này cấm tỉnh kia là vô lý.
Bây giờ cũng không thể truy vết được hết các trường hợp F0 ở cộng đồng, chỉ nên tập trung vào những trường hợp có biểu hiện nặng, vào bệnh viện. Khi tiêm đủ vắc xin, nếu nhiễm cũng phần lớn là biểu hiện nhẹ. Chúng ta cần tập trung điều trị cho những người bị nặng.
Tập trung đảm bảo thuốc men, phương tiện cấp cứu. Đây là yếu tố quan trọng nhất, bởi lượng bệnh nhân nhiều lên thì tỷ lệ ca nặng cũng tăng lên”, PGS. TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, để chống dịch hiệu quả các cơ quan chức năng vừa phải tuyên truyền, vừa phải giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương. Địa phương phải quản lý chặt chẽ các trường hợp đi về địa bàn, phải thông tin tới từng gia đình về dịp Tết không được tụ tập đông người bởi đang có dịch. Phải quán triệt tinh thần như vậy
“Không cấm nhưng thuyết phục, khuyến cáo và quán triệt. Ai từ đâu về cũng phải thông báo với chính quyền địa phương, hạn chế đi lại chúc tụng nhà này, nhà kia. Chính quyền địa phương nên khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc những người về từ vùng có dịch.
Còn cơ hội gặp được người thân, gia đình là mừng rồi, nên bó hẹp trong gia đình đó thôi. Đừng để sau một cái Tết lại chạy đôn chạy đáo vì dịch bệnh. Đừng để vài ngày Tết ảnh hưởng đến cả vài tháng, vài năm sau”, PGS. TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh.
N. Huyền
Nguồn: infonet.vietnamnet.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC