PGS.TS Nguyễn Thời Trung sinh năm 1976, tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng từ năm 2010 và nay là Viện trưởng Viện khoa học tính toán của trường này.
Tính đến nay, theo thống kê của ông Trung đã công bố 219 công trình nghiên cứu khoa học trên các tập san khoa học có uy tín cao được liệt kê trong Cơ sở dữ liệu ISI (Web of Science) của Mỹ.
Theo Cơ sở dữ liệu Scopus của Hà Lan, ông Trung có hơn 7800 trích dẫn và đã lọt tốp 100.000 nhà khoa học thế giới có trích dẫn nhiều nhất (theo thống kê của nhóm tác giả John P. A. Ioannidis, Jeroen Baas, Richard Klavans, và Kevin W.Boyack trong công trình “A standardized citation metrics author database annotated for scientific field” được công bố trên Tạp chí “PLOS Biology” (Mỹ) năm 2019).
Năm 2020, PGS.TS Nguyễn Thời Trung đăng ký xét chức danh giáo sư. Tuy nhiên, ông đã bị loại khỏi danh sách ứng viên tại Hội đồng Giáo sư ngành Cơ học.
Trả lời trên báo VietNamNet, GS Trần Văn Liên, Thư ký Hội đồng GS ngành Cơ học, thông tin Hội đồng GS ngành Cơ học đã gửi toàn bộ kết luận lên Hội đồng GS Nhà nước. Trong đó, ghi rõ 3 nguyên nhân khiến PGS Nguyễn Thời Trung bị loại là: do số lượng bài báo khoa học công bố khoa học quá nhiều, tăng đột biến; Nhiều công bố không thuộc lĩnh vực ngành cơ học; Bản báo cáo tổng quan không đạt.
GS.TSKT Phạm Đức Chính, Viện Cơ học, cho hay, năm 2019, PGS Nguyễn Thời Trung công bố 48 bài. Năm 2020, tính đến tháng 9 có 77 bài. Trong bản khai đầu, PGS Nguyễn Thời Trung khai chỉ có 103 bài là không đủ (đây là những bài PGS là tác giả chính hoặc tác giả số 1). Sau đó, Hội đồng GS Nhà nước yêu cầu khai bổ sung đầy đủ nên PGS Nguyễn Thời Trung đã khai thêm100 bài nên trong bản khai bổ sung có 200 bài báo.
Tuy nhiên, Hội đồng GS Nhà nước tiến hành kiểm tra khách quan từ chuyên gia độc lập thì phát hiện PGS Nguyễn Thời Trung có thêm khoảng 50 bài nữa, tức là có tổng cộng khoảng 250 bài báo. Năm nay chỉ tính đến tháng 9 nhưng PGS Nguyễn Thời Trung đã có 77 bài báo là con số kỷ lục. Còn nữa, đây mới chỉ tính những bài công bố quốc tế chứ không tính công bố trong nước.
Để có cách nhìn khách quan và toàn diện hơn, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với với ứng viên PGS.TS Nguyễn Thời Trung về vấn đề này.
PGS.TS Nguyễn Thời Trung, trường ĐH Tôn Đức Thắng
Phóng viên: Khi bị Hội đồng Giáo sư ngành loại ra vì số lượng bài báo khoa học công bố khoa học quá nhiều, nhiều công bố không thuộc lĩnh vực ngành cơ học, bản báo cáo tổng quan của ông cũng không đạt, ông có suy nghĩ gì?
PGS.TS. Nguyễn Thời Trung: Tôi biết là Hội đồng ngành đã có quyết định như thế, nhưng tôi vẫn có nhiều tâm tư khi mà Hội đồng ngành dùng những lý do này để loại hồ sơ của tôi, và tôi không có cơ hội để giải trình trước Hội đồng.
Trong các lý do trên, tôi không có ý kiến đối về lý do bản báo cáo tổng quan không đạt vì không biết lý do của việc "không đạt" là gì? còn các lý do còn lại, tôi cảm thấy còn nhiều trăn trở vì những lý do này không có trong quy định xét duyệt, mà là những lý do mang tính quan điểm.
Do đó, lý do loại hồ sơ như vậy sẽ tác động và mang tính định hướng đến cộng đồng khoa học, nhất là cho các đợt xét duyệt hồ sơ vào các năm tiếp theo.
Vì vậy, tôi nghĩ nên làm rõ và nếu cần thiết thì nên bổ sung các quy định mới để việc xét công nhận phó giáo sư/giáo sư trong các năm tiếp theo diễn ra thuận lợi và theo quy định.
5 lý do vì sao có nhiều bài báo công bố quốc tế
Phóng viên: Về lý do số lượng bài báo khoa học công bố quá nhiều, tăng đột biến trong thời gian qua, ông có ý kiến gì?
PGS.TS. Nguyễn Thời Trung: Theo tôi, lý do này là chưa thuyết phục đối với tình huống của tôi, bởi nếu nhìn xuyên suốt quá trình nghiên cứu khoa học (NCKH) của tôi và quá trình phát triển nhóm NCKH theo mô hình Lab nghiên cứu từ năm 2005 cho đến nay, thì việc tôi và nhóm NC của mình có số lượng công bố tăng mạnh vào năm 2019, 2020 và những năm tiếp theo là điều không quá khó hiểu.
Và để làm rõ nhận định này, tôi xin phép được liệt kê 5 lý do chính sau:
+ Thứ nhất, tôi muốn khẳng định rằng năng lực nghiên cứucủa tôi đã đuợc minh chứng trong suốt khoảng thời gian từ 2007 đến nay, với nhiều thành tích NCKH được ghi nhận, trong đó có những thành tích được xem là "đột biến".
Cụ thể, tôi được Đại học Quốc gia Singapore (NUS) trao các học bổng NCKH xuất sắc của NUS (President graduate fellowship) và giải thưởng Luận án tiến sĩ xuất sắc nhất (năm 2010) cho thành tích công bố "đột biến" 30 bài báo ISI và 1 quyển sách quốc tế về "Smoothed Finite Element Methods" (706 trang, CRC Press, New York, Mỹ) trong quá trình làm nghiên cứu sinh (NCS) của tôi tại NUS (thông thường, mỗi NCS khi tốt nghiệp tiến sĩ thì chỉ có vài bài ISI, hoặc có khi không có bài nào).
Bên cạnh đó, tôi được vinh danh và trao giải thưởng hằng năm về thành tích NCKH và công bố khoa học xuất sắc của các cơ quan mà tôi đã và đang công tác, và được trao nhiều giải thưởng khoa học khác trong suốt quá trình giảng dạy và NCKH tại Việt Nam từ 2010 cho đến nay;
Đồng thời, tôi được vinh danh trong Top 100.000 nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất thế giới được công bố trên tạp chí PLOS Biology vào năm 2019.
Số lượng bài báo ISI của PGS.TS Nguyễn Thời Trung được thống kê trên Web of Scicence ngay 16/10/2020
+ Thứ hai, tôi đã xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu (NC) từ năm 2005 và duy trì phát triển nhóm NC, mạng lưới NC liên tục cho đến ngày nay. Từ đó đến nay, nhóm NC của chúng tôi hoạt động đều đặn, phát triển thành Viện Khoa học tính toán (02/2014).
Trong suốt quá trình hoạt động của nhóm NC, chúng tôi đã góp phần đào tạo năng lực, kỹ năng NCKH và giới thiệu học bổng tiến sĩ cho hàng chục nghiên cứu viên (NCV) trẻ có năng lực. Đội ngũ NCV trẻ này đã tốt nghiệp tiến sĩ hoặc đang học NCS tại nhiều đại học danh tiếng trên thế giới.
Và hằng năm, các NCV trẻ này vẫn tiếp tục hợp tác NCKH và công bố bài báo với tôi. Cũng nói thêm rằng, thông qua hoạt động năng động của các NCV trẻ này, việc hợp tác và mạng lưới NC quốc tế của nhóm chúng tôi ngày càng phát triển và mở rộng.
+ Thứ ba, tôi đã tổ chức hiệu quả nhóm NC theo mô hình Lab nghiên cứu của thế giới với số lượng thành viên Lab nghiên cứu đông đảo và đa dạng gồm: Nghiên cứu sinh (5 NCS); Postdoc (3 Postdoc, 1 nước ngoài); Nghiên cứu viên tiến sĩ cùng hoặc gần ngành tại Viện Khoa học tính toán (4 TS ngành Cơ và xây dựng); Các trợ lý nghiên cứu đang đào tạo để học lên NCS (từ 2 đến 3 trợ lý nghiên cứu mỗi năm); Các trợ lý NCV đã tốt nghiệp hoặc đang học NCS tại các đại học trên thế giới (15 TS và NCS); Hợp tác quốc tế (với ít nhất 5 nhóm GS mạnh trên thế giới).
Trong mô hình Lab nghiên cứu này, tôi đã xác định rõ và thực hiện hiệu quả vai trò của người dẫn dắt nhóm NC triển khai các công việc như chỉnh sửa/hoàn thiện bản thảo bài báo ban đầu và các bản thảo được yêu cầu chỉnh sửa;
Viết dự án NCKH trong và ngoài nước xin kinh phí tài trợ NC, đào tạo hướng dẫn NCS/học viên cao học, đề xuất ý tưởng NC; tổ chức sinh hoạt học thuật đều đặn/kết nối hợp tác hiệu quả giữa các thành viên nhóm NC;
Liên hệ/mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế; đánh giá định kỳ, kiểm tra quá trình/kết quả NC của nhóm; và tham gia các công việc học thụât khác trong và ngoài nước.
Việc tổ chức hoạt động theo mô hình Lab NC lớn này giúp mỗi thành viên trong Lab NC có thể chuyên môn hóa, hợp tác hiệu quả và tập trung phát huy các thế mạnh NCKH của mình.
Đặc biệt khi việc tổ chức hoạt động NCKH và công bố khoa học đảm bảo tính công bằng và hợp lý, thì hiệu quả NCKH của nhóm sẽ tăng lên rất nhiều lần. Từ đó góp phần tăng mạnh số lượng và chất lượng công bố bài báo khoa học của nhóm NC.
+ Thứ tư, do đặc thù thuận lợi của các hướng nghiên cứu tính toán mô phỏng, giúp việc NCKH luôn chủ động và được triển khai ngay khi chúng tôi có ý tưởng nghiên cứu mới và có sẵn nguồn máy tính đủ mạnh.
Các hướng nghiên cứu này không bị phụ thuộc vào máy móc thí nghiệm đắt tiền, hay phụ thuộc các điều kiện lấy dữ liệu khó khăn của nhiều ngành khoa học khác. Vì vậy việc triển khai NCKH rất chủ động và việc hợp tác NCKH trong và ngoài nước cũng rất thuận lợi. Điều này dẫn đến việc công bố bài báo khoa học có số lượng vượt trội so với các hướng NCKH khác.
+ Thứ năm, do môi trường và điều kiện NCKH thuận lợi, giúp đảm bảo sự ổn định và làm tăng nhanh hiệu suất NCKH của nhóm NC. Về điều kiện làm việc, nhà trường đã trang bị chỗ làm việc riêng, tiện nghi cho từng nghiên cứu viên (NCV), cũng như trang bị hệ tính toán hiệu năng cao cho các NCV có nhu cầu tính toán mạnh. NCV có thể an tâm về thu nhập và tập trung làm NCKH. Đặc biệt, nhà trường luôn tạo điều kiện thuận lợi để tăng năng lực của nhóm NC.
Ngoài ra, tôi cũng muốn đề cập đến vài trò hết sức quan trọng của Quỹ phát triển KH&CN Quốc gia (NAFOSTED) khi đã tạo nên một cơ chế tài trợ NCKH minh bạch, công bằng, đơn giản thủ tục, hiệu quả cho công đồng NCKH tại Việt Nam, đặc biệt là những nhà khoa học trẻ trong đó có tôi, từ năm 2009 cho đến nay.
Thực tế, chúng ta có thể thấy với mô hình Lab NC hoạt động tương tự trên Thế giới, đã có nhiều giáo sư có số lượng công bố hằng năm lên đến hàng trăm bài báo ISI là chuyện bình thường.
Chúng ta nên có một cái nhìn mở hơn về các mô hình làm NCKH của nhóm, của Lab nghiên cứu trên thế giới để hiểu lý do tại sao một số nhóm nghiên cứu lại có thể công bố số lượng bài báo được cho là quá nhiều, không bình thường tại Việt Nam.
Mở rộng nghiên cứu đa ngành
Phóng viên: Tuy nhiên, Hội đồng Giáo sư ngành cho rằng, ông có nhiều công bố không thuộc lĩnh vực ngành cơ học, liệu có đúng?
PGS.TS. Nguyễn Thời Trung: theo tôi, lý do này là không phù hợp theo xu hướng hợp tác và phát triển NCKH, nhất là đối với tình huống của tôi.
Nếu xem xét cụ thể quá trình đào tạo và quá trình phát triển NCKH, thì bên cạnh nghiên cứu chuyên sâu về Cơ học tính toán, việc tôi liên tục mở rộng các hướng nghiên cứu mô phỏng tính toán theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực là tự nhiên và phù hợp với xu thế hợp tác và phát triển chung của ngành và của thế giới.
Cụ thể, về quá trình đào tạo, tôi đã có nền tảng học thuật đa ngành gồm Toán học - Cơ học - Tin học - Xây dựng và cả Triết học.
Về quá trình phát triển NCKH, tôi lần lượt mở rộng các hướng nghiên cứu như phương pháp số, tối ưu hóa, phân tích rủi ro, chẩn đoán hư hỏng, tính toán thông minh, và trí tuệ nhân tạo.
Rõ ràng, các hướng NC này, dễ dàng kết hợp với các đối tượng NC cụ thể trong cơ học vật rắn, hoặc mở rộng cho các đối tượng NC khác trong đa môi trường vật lý (cơ lưu chất, âm thanh, nhiệt, điện, từ trường, độ ẩm, đất nền, v.v), và mở rộng ra bất kỳ ngành khoa học khác có nhu cầu mô hình hóa và tính toán mô phỏng.
Đặc biệt gần đây, việc mở rộng hướng nghiên cứu mới dựa trên tính toán thông minh, trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence - AI), và học máy (machine learning), nhằm xây dựng các mô hình tính toán xấp xỉ thông minh đã mở rộng cánh cửa hợp tác đa ngành có nhu cầu mô hình hóa thông minh AI dựa trên dữ liệu thu thập được từ thực tế, hoặc dữ liệu thu thập được từ thực nghiệm.
Cũng cần nói thêm rằng, xu hướng hợp tác nghiên cứu đa ngành là xu hướng tất yếu của thế giới, nhằm hướng đến việc giải quyết những bài toán phức tạp đa ngành trong thực tiễn. Vì vậy, việc mở rộng và hợp tác nghiên cứu theo xu hướng đa ngành là một vấn đề vô cùng cần thiết trong nghiên cứu khoa học.
Số lượng trích dẫn bài báo khoa học của PGS.TS Nguyễn Thời Trung trên cơ sở dữ liệu Scopus
Phóng viên: Còn việc ông công bố bài báo khoa học với nhiều tác giả nước ngoài?
PGS.TS. Nguyễn Thời Trung: Theo tôi, vấn đề này là khó hiểu nhất, bởi lẽ NCKH là không biên giới và cần được khuyến khích để tăng cường hợp tác giao lưu quốc tế. Điều này có đi ngược lại xu hướng phát triển NCKH khi cần phải tăng cường và giao lưu hợp tác quốc tế?
Thực tế, cũng có các thành viên trong Hội đồng ngành Cơ có rất nhiều công bố với nhiều tác giả nước ngoài.
Việc hợp tác NCKH quốc tế nên được xem là điểm "cộng", chứ không nên xem là điểm "trừ". Tại sao chúng ta lại có xu hướng coi trọng các NCKH "nội lực" thuần Việt Nam, và xem nhẹ các NCKH có hợp tác với tác giả nước ngoài.
Hồ sơ minh chứng bài báo dày tới 6543 trang
Phóng viên: Được biết, trong việc kê khai số lượng bài báo công bố trong suốt quá trình nộp hồ sơ xét chức danh Giáo sư của ông có nhiều thay đổi tăng một cách bất thường khi yêu cầu?
PGS.TS. Nguyễn Thời Trung: Khi xem các quy định và chuẩn bị hồ sơ, tôi không thấy có quy định nào về số lượng bài báo cần phải kê khai, trong khi số lượng bài báo ISI của tôi là trên 200 bài báo ISI (vào thời điểm chuẩn bị hồ sơ) gồm các bài báo thuộc ngành Cơ và một số bài báo thuộc các ngành khác có hợp tác sử dụng các mô hình tính toán AI của nhóm NC.
Vì vậy, căn cứ trên quy định về điểm NCKH tối thiểu cho chức danh giáo sư và ngành đăng ký, tôi đã chọn có chọn lọc những bài báo thuộc ngành Cơ (103 bài ISI) với ước tính rằng điểm công trình cho số luợng bài này đã vượt ít nhất 3 lần số điểm tối thiểu cần có.
Thực tế, việc in ấn hết 103 bài báo này làm minh chứng là đã quá nhiều và tôi phải sắp xếp thành 2 tập hồ sơ minh chứng dày đến 2181 trang/1 bộ hồ sơ. Và tôi phải nộp tổng cộng 3 bộ hồ sơ (6543 trang).
Như vậy, nếu phải kê khai hết tất cả các bài với trên 200 bài ISI (thời điểm chuẩn bị hồ sơ) thì hồ sơ của tôi sẽ rất dày, gây khó khăn cho cả người làm hồ sơ và hội đồng chấm hồ sơ. Và điều này theo tôi là không cần thiết.
Tiếp theo, khi hồ sơ của tôi được chấm thông qua Hội đồng GS cơ sở, và được đưa đến Hội đồng GS ngành Cơ, thì Hội đồng đã gửi email (ngày 15/9/2020) yêu cầu tôi kê khai thêm tổng số bài báo có thời điểm công bố đến tháng 6/2020.
Tôi đã kê khai các bài báo có thời điểm công bố đến tháng 6/2020 thêm khoảng 100 bài ISI. Còn còn số tổng khoảng 250 bài do GS. Phạm Đức Chính nêu trên Báo Vietnamnet thì tôi không rõ được lấy từ nguồn nào. Còn thực tế, tôi kiểm tra trên cơ sơ dữ liệu Web of Science thì số bài báo ISI hiện tại tôi đã công bố là 219 bài.
Như vậy, tôi đã làm đúng theo yêu cầu của Hội đồng kê khai số lượng bài báo theo từng thời điểm, chứ không có ý định khai không đúng số bài báo cần phải kê khai.
Ngoài ra, cũng cần nói thêm rằng việc Hội đồng muốn kiểm tra số bài báo của các nhà khoa học hiện nay trên thế giới là hoàn toàn đơn giản, và có thể tìm kiếm đầy đủ trên các cơ sở dữ liệu khoa học chính thống như Scopus và Web of Science một cách công khai.
Phóng viên: Hiện nay, ông đã chính thức bị loại khỏi danh sách ứng viên giáo sư năm 2020, ông có muốn nói gì thêm không?
PGS.TS. Nguyễn Thời Trung: Thông qua buổi trao đổi này tôi hy vọng đã phần nào giải thích được những vấn đề mà Hội đồng ngành đã nêu lên.
Việc nhìn nhận các vấn đề này có hợp lý hay không, có phù hợp với xu hướng hội nhập với thế giới hay không, tôi xin dành cho cộng đồng khoa học trong và ngoài nước nhận định.
Phóng viên: Trân trọng cám ơn ông đã trả lời phỏng vấn
Hồng Hạnh (thực hiện)
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Thời báo ĐỨC