Dưới đây là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Thu Huyền, 35 tuổi, vừa hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh giáo dục tại Anh và hiện là giảng viên trường ĐH Sư phạm TPHCM.
Sau 4 năm học tập tại nước ngoài, trở về nước, chị Huyền cảm thấy lạc lõng vì chi phí cho thực phẩm, đặc biệt là hàng quán ở Việt Nam quá đắt đỏ so với thu nhập. “Vì thế tôi sẽ từ chối lời mời đến những quán hàng ăn uống đắt đỏ, dù tôi trả tiền hay được người khác trả tiền cho”, chị nói.
“Tối qua, bạn thân của tôi hẹn đi ăn kem để gửi tiền ủng hộ của một bạn khác cho quỹ thiện nguyện mà tôi là người sáng lập. Tôi đồng ý và có ý định sẽ mời bạn ấy (tức sẽ trả tiền) dù không nói trước với bạn.
Quyền chọn quán là dành cho bạn. Bạn tôi chọn một quán kem mới xuất hiện ở TP HCM được vài năm, sau khi tôi đã đi du học. Tôi không biết hiệu kem này trước đây. Vào đến nơi, tôi choáng váng với giá: một viên kem có giá 70.000 – 74.000 đồng, rất bé!
Nếu một người ăn ít cũng cần ít nhất 2 viên, nếu ăn 3 viên thì khuyến mãi là 180.000 đồng. Tôi nói thẳng với bạn của mình và bạn đi cùng là tôi sẽ không ăn kem mà chỉ uống trà với giá 38.000 đồng vì kem quá mắc, tôi thấy không đáng phải bỏ ra số tiền ấy cho bản thân. Hai người có thể ăn và tôi sẽ trả tiền. Vì là bạn bè thân thiết nên tôi biết chắc bạn của mình sẽ không phật ý khi nghe tôi nói thế.
Từ hôm về Việt Nam, chứng kiến giá cả đắt đỏ và mức thu nhập thấp, tôi đã cảm thấy thật khó khăn để tồn tại ở đây. Tôi đang chạy nhiều dự án thiện nguyện để giúp trẻ em vùng sâu vùng xa có đủ sách vở, dụng cụ học tập để đi học, tôi tự thấy việc tiết kiệm những khoản chi vô lý sẽ giúp mình hỗ trợ cho nhiều người hơn.
Trong số các cam kết với bản thân, tôi tự hứa không chi quá 100.000 đồng cho mỗi bữa ăn cho mình. Vì vậy, mặc kệ ánh mắt khó chịu của nhân viên quán kem (họ nói hết trà sữa và tôi xin lỗi sẽ không ăn gì ở quán), lời phàn nàn của bạn tôi và cả việc bạn ấy giành trả tiền hết thì tôi cũng quyết không chọn kem ở quán đó.
Bạn tôi cứ lẩm bẩm: “Dân châu Âu về mà keo kiệt quá sức!” Tôi nói: “Vấn đề nằm ở chỗ mình thấy không đáng để ăn một hộp kem 2 viên bé xíu với giá gần 150.000 đồng”.
Thực sự tôi thấy giá thực phẩm và dịch vụ ăn uống ở đây quá đắt so với mức thu nhập trung bình của người dân. Ngay cả mua đồ về tự nấu cũng rất đắt nếu chỉ ăn có hai người. Giữa việc ăn ngoài quán với việc tự nấu (mua thực phẩm tương đối an toàn) thì tự nấu có khi đắt hơn ăn cơm bụi.
Nếu ở Châu Âu, tôi đi làm thêm 3 giờ được tầm 26 bảng (khoảng 750.000 đồng) thì đủ tiền thực phẩm cho tôi nấu ăn thoải mái một tuần. Mức 26 bảng là vì tôi ăn nhiều rau và trái cây, nếu ăn nhiều thịt, đồ đông lạnh thì có thể rẻ hơn nữa.
Trong khi đó, ở Việt Nam, với mức lương 5 triệu/tháng dành cho giảng viên như tôi (phải dạy khoảng 270 tiết/năm, chưa kể coi thi, soạn bài, họp hành và nghiên cứu) thì chỉ đủ tiền ăn cho bản thân trong tháng, không thể chi dùng cho bất cứ việc gì khác.
Thế nhưng, tôi không hiểu sao ở các hàng quán thương hiệu nước ngoài rất đắt đỏ lại đầy người Việt. Ngay cả các quán cà phê thương hiệu Việt Nam, thức uống cũng rất đắt, một ly nước có giá 55.000 – 70.000 đồng. Các quán trà sữa có giá 50.000 – 60.000 một ly cũng đầy các bạn trẻ. Vào các quán nhậu thì mọi người kêu thức ăn thừa mứa, khui bia rượu tràn lan.
Không ít người trong số đó cũng chỉ là sinh viên hoặc người mới đi làm. Thu nhập của họ là bao nhiêu để chi thoải mái, không cần đắn đo vào các khoản ấy? Tôi thực sự thắc mắc. Nếu chi như vậy thì các bạn còn đủ để đầu tư vào các mục như nhà cửa, học hành, sách vở để phát triển bản thân, hỗ trợ gia đình, tiết kiệm và giúp đỡ cộng đồng không? Nếu đủ thì chứng tỏ thu nhập của các bạn phải cao hơn tôi 4, 5 lần tức quanh mức 20 triệu. Thế nhưng có lẽ mức thu nhập trên khó là phổ biến cho các bạn mới ra trường.
Đối với các bạn sinh viên, đa phần còn phụ thuộc tài chính vào bố mẹ thì khoản chi trên có lẽ không phải công sức các bạn làm ra. Nếu mức thu nhập như tôi hoặc nhỉnh hơn một chút lâu lâu vào quán với mức giá như trên “cho biết với người ta” thì ổn, nhưng tôi thấy nhiều bạn trẻ vào các kiểu hàng quán đó như cơm bữa. Chưa kể, khi tiêu dùng quá mức, bạn cũng tự đặt áp lực cho bản thân là phải kiếm tiền bằng mọi giá? Liệu có nguy cơ đẩy bạn vào những việc không đúng?
Tất nhiên, những băn khoăn trên được tôi cất giấu trong lòng. Tôi không phán xét cách xài tiền trên là xấu hay tốt. Đó là quyền của mỗi người! Tôi cũng không lên án các thương hiệu kia đã bán giá “cắt cổ” vì có thể họ phải bỏ ra chi phí đầu tư lớn. Đơn giản là tôi không lựa chọn các hàng quán sang trọng ấy làm tiêu chuẩn cho mình.
Kể cả khi tôi kiếm được nhiều hơn mức 5 triệu/tháng nhiều lần thì tôi vẫn chọn những nơi có giá cả vừa phải, đồ ăn không tệ. Nói rộng hơn, tôi không vì sĩ diện bản thân mà tiêu tiền tuỳ tiện vào những nơi không tương xứng với thu nhập của mình. Trên tất cả, tôi muốn dành phần lớn thu nhập để đầu tư vào việc học hành, giúp đỡ gia đình và những đứa trẻ kém may mắn”.
Nguyễn Thị Thu Huyền
VNExpress
© 2024 | Thời báo ĐỨC