Các nhà nghiên cứu kinh tế trên lĩnh vực “kinh tế học hạnh phúc” vừa đưa ra một kết luận mới: Tại các nước giàu, thu nhập bình quân theo đầu người 36.000 USD/năm sẽ đem lại mức điểm số hạnh phúc lớn nhất.
Kết quả nghiên cứu của Eugenio Proto thuộc đại học Warwick (Anh) và Aldo Rustichini tới từ đại học Minnesota (Mỹ) cho thấy:
Mức độ hài lòng trong cuộc sống đạt tới đỉnh khi mà thu nhập theo đầu người - tức là khoản tiền mua được cùng một rổ hàng hóa và dịch vụ ở cấp độ toàn cầu, đạt 36.000 USD/năm. Đó cũng là mức được xem là “điểm ngọt ngào”.
Ông Proto cho biết:
“Các phân tích mới của chúng tôi đã cho ra một kết quả bất ngờ, chưa từng được công bố. Đó là: Mức độ hài lòng trong cuộc sống dường như sẽ xấu đi khi độ giàu có vượt quá. Nguyên do là cấp độ tham vọng của những người sống ở các nước giàu”.
Chuyên gia này lý giải: “Khi các nước trở nên thịnh vượng hơn, mức GDP cao hơn sẽ dẫn đến các ham muốn cao hơn. Đó chính là cảm giác luôn muốn mình theo kịp người khác; thấy sự giàu có và cơ hội của người bên cạnh lại muốn mình có nhiều hơn.
Thế nhưng, chính khoảng cách ham muốn này - sự khác biệt giữa thu nhập thực tế và thu nhập mong muốn, sẽ ăn mòn dần mức độ hài lòng cuộc sống”.
Nói cách khác, khi mà con người mải miết biến mình thành một mục tiêu di động, muốn chạy nhanh hơn trong xã hội khá giả, thì hạnh phúc sẽ giảm đi.
Sử dụng các kết quả điều tra tổng hợp, nghiên cứu mới đã đề cập đến mối liên hệ mật thiết giữa gia tăng thu nhập và mức độ hài lòng ở các nước giàu, nghèo khác nhau.
Những quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người dưới 6.700 USD/năm thì mức độ hạnh phúc giảm 12% so với người ở nước có thu nhập bình quân 18.000 USD. Nhưng đến ngưỡng thu nhập 20.000 USD/năm, mối liên hệ này không rõ nét - với độ hài lòng trong cuộc sống chỉ giảm 2% so với những công dân ở nước có thu nhập trung bình cao nhất (54.000 USD/năm). Còn vượt lên trên 36.000/năm USD thì mức độ hạnh phúc giảm xuống.
The Guardian
© 2024 | Thời báo ĐỨC