‘Tây dạy con tính tự lập, Việt dạy trẻ làm khổ nhau’

Phụ nữ Tây, dù nuôi 2-3 đứa con nhưng họ vẫn có thời gian riêng cho bản thân. Còn phụ nữ Việt chăm một đứa con mà lúc nào cũng stress, đầu bù tóc rối…

Ở các nước phương Tây, nhờ biết giao việc cho con làm mà các bà mẹ đã có nhiều thời gian dành cho bản thân hơn. Dù họ nuôi 2-3 đứa con, vẫn đi làm bình thường nhưng họ lại có thời gian riêng cho mình để đọc sách, đi spa, tập thể dục dù không có người giúp việc…

132 1 Tay Day Con Tinh Tu Lap Viet Day Tre Lam Kho Nhau

Trong khi nhiều bà mẹ Việt Nam, chăm một đứa con lúc nào cũng stress, đầu bù tóc rối vì toàn phải làm thêm cả phần việc của con. Họ than vãn suốt ngày phải xoay như chong chóng vì con nhỏ. Tôi nghĩ chính cách nuôi dậy con của các ông bố bà mẹ Việt đã làm hư những đứa con của mình.

Bởi, tôi thấy cách dạy con đa số của các gia đình Việt Nam thường có xu hướng nuôi con theo dư luận, hay để ý tới sự quan tâm, khen chê của người khác. Mẹ nuôi con gầy thì sợ người ta chê mẹ nuôi con vụng. Con không chịu ăn, nếu không đút cho con thì sợ người xung quanh bảo là không biết chăm con. Cho con đi ra ngoài chơi, nếu bắt con cầm đồ đạc cũng sợ bị người thân nói ra nói vào.

Hễ để con khóc mà không dỗ dành thì lại bị cho là mẹ vô tâm.

Thế nên các bà mẹ Việt chăm con như nâng trứng, nịnh con hết cách này đến cách khác. Thương con thì bố mẹ nào chẳng thương, nhưng vấn đề là chúng ta phải biết dùng phương pháp hợp lý sao cho tiện lợi cả đôi đường, con vừa khôn lớn, tự lập, bố mẹ cũng vui vẻ, thoải mái hơn.

Tôi cho rằng, đó là cách mà các bà mẹ Việt đang tự làm khổ mình và khiến cho con cái mất đi tính tự lập. Có lẽ các ông bố bà mẹ cũng vì do xót và thương con, nhưng chính tình yêu thương đó không được đặt áp dụng đúng cách nên đã không mang lại kết quả như mong muốn.

Ở Mỹ các bà mẹ áp dụng phương pháp rèn cho con tự ngủ, trong khi các bà mẹ Việt dường như không rời tay rời mắt khỏi đứa con bé bỏng của mình. Lúc nào cũng bồng bế con trên tay, ngay cả lúc con đã ngủ. Lâu dần chính hành động đó lại khiến con cái quen hơi mẹ, các bà mẹ sẽ không có thời gian để làm những công việc khác, hoặc không có thời gian riêng tư cho mình.

Còn Nhật Bản, ở các nhà giữ trẻ, họ luôn biết cách tập cho các bé có ý thức tự lập từ nhỏ về những việc làm của trẻ như thay đồ, lấy cơm ăn…

Thậm chí, có nhiều bé còn biết tự lấy cặp sách của mình đi học và đòi đi phía trước, bố hoặc mẹ đi sau trông chừng. Một xã hội công nghiệp phát triển không có kiểu à ơi. Khi lớn lên con cái của họ rất biết tính tự lập và tác phong rất nhanh nhẹn.

Ở Việt Nam, khi con đi học mẫu giáo, bố mẹ không cho con làm bất cứ việc gì, sợ bé làm không được, làm hỏng nên việc gì cũng làm hộ. Ngay cả việc cho các con ăn uống cũng vậy, chính việc bố mẹ cứ mãi đút cơm cho con ăn khiến bé ngộ nhận rằng ăn là cho bố mẹ chứ không phải cho bản thân bé.

Tại sao bố mẹ không tạo điều kiện cho con tập làm, khuyến khích con tự làm… Tôi nghĩ nếu chúng ta làm được điều đó, chỉ sau một vài lần các con sẽ hứng thú và tự làm hết mọi việc. Điều quan trọng là bố mẹ phải chỉ dạy con, đừng tức giận hay nôn nóng khi con chưa làm được việc đó.

Vì thế, tôi cho rằng việc hình thành tính cách cho các con là chịu sự chi phối rất lớn từ cách dạy dỗ của bố mẹ. Phải chăng đã đến lúc chúng ta nên nhìn lại cách mà chúng ta vẫn quá yêu thương con như vậy?

Điệp Lê

Nguồn: vnexpress.net

 


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày