Tan vỡ gia đình vì “giàu đổi vợ”

Lúc cơ hàn vợ chồng san sẻ, sướng khổ có nhau, khi cuộc sống khấm khá người chồng thay lòng đổi dạ, ngoại tình với người phụ nữ khác dẫn đến gia đình tan nát.

1 Tan Vo Gia Dinh Vi Giau Doi Vo

Ảnh minh họa. (Nguồn: internet)

Quyết định ly hôn bà Lê Thị Hạnh (sinh năm 1959, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội) đưa ra như một hệ quả tất yếu sau những tháng năm gia đình tan vỡ, vợ chồng rạn nứt tình cảm. Bước qua tuổi 56, khi đầu đã 2 thứ tóc bà phải ra Tòa để giải quyết ly hôn là điều vô cùng miễn cưỡng, nhưng không còn con đường nào khác. “Tôi đã đắn đo suy nghĩ nhiều năm trước khi đưa ra quyết định”, bà nói.

Tại tòa, đôi mắt người phụ nữ luống tuổi ẩn chứa đầy sầu muộn. Rồi nhắc lại cuộc hôn nhân, ký ức vừa đẹp nhưng đầy nỗi buồn hiện về. Bà kể, ngày 27/3/1986 bà kết hôn với ông Phan Duy Mạnh (sinh năm 1955) tại Hà Nội. Vợ chồng đến với nhau đúng đỉnh điểm khủng hoảng thời bao cấp. Để thay đổi cuộc sống, vợ chồng bàn nhau để ông Minh đi Liên Xô làm lao động xuất khẩu.

Năm 1991, ông Mạnh xuất cảnh sang Cộng hòa Séc. Cũng như bao thanh niên lúc bấy giờ, được sang các nước Đông Âu là một niềm may mắn và hãnh diện. Tại đây, đồng hương Việt kiều tương trợ lẫn nhau, chỉ thời gian ngắn ông Mạnh kiếm tiền nhiều và ổn định cuộc sống.

Đến năm 1994, khi mọi thứ êm xuôi, ông Mạnh quyết định đưa bà và con trai đầu là anh Phan Trung Hòa sang sinh sống. Thuận vợ thuận chồng, làm ăn thêm khấm khá, gia đình mua được căn nhà tại Cộng hòa Séc và một kiot kinh doanh tại chợ của người Việt. Năm 1997, vợ chồng bà đón thêm người con thứ là Phan Thu Hoài sang đoàn tụ cùng gia đình.

Gia đình từ chỗ mỗi người một nơi, nay được đoàn tụ nơi xứ người, đó là điều ai cũng mong muốn. Bà Hạnh nhớ như in những kỷ niệm thời bên Đông Âu, đó là những tháng năm đẹp đẽ khi vợ chồng cùng mách bảo nhau làm ăn, nuôi con cái.

Những đứa con của bà Hạnh như thấu được nỗi vất vả của cha mẹ nên ngoan ngoãn, ăn học đàng hoàng. Chồng bà là người táo bạo, tháo vát và có đầu óc tính toán nên có nhà riêng, có cửa hàng, gia đình bà ăn nên làm ra và có tiếng trong cộng đồng người Việt tại Séc.

Có của ăn, của để vợ chồng gửi tiền về quê nhà mua 2 căn nhà tại Hà Nội để cho thuê, phòng sau này về Việt Nam có chỗ đi lại và có thu nhập dưỡng già. Chính vì sự tính toán khôn ngoan nên chồng bà từ chỗ vất vả, trở nên nhàn hạ. Nhưng có lẽ chính vì sự nhàn hạ đó sinh thói hư tật xấu và nguyên nhân dẫn tới việc gia đình tàn vỡ.

Bà kể, chồng bà sinh thói cặp bồ với người phụ nữ khác, sau đó quay lại chửi bới nhục mạ, bạo hành bà, ngoài ra còn đánh đập con cái. Để có tiền cho khoản bồ bịch, người chồng đã lén lút bán kiot để lấy tiền tiêu xài mà bà không hay.

Khi mất khoản thu nhập về buôn bán, người chồng tiếp tục lén bán luôn căn nhà trên đất Séc bao năm mồ hôi công sức tích góp. Từ chỗ có nhà ở ổn định, có của ăn của để đến chỗ gia đình sa sút, trắng tay. Năm 2009 vợ chồng bà ly thân, năm 2011 bà và các con phải vạ vật đi thuê nhà và xin việc làm mướn cho những người Việt Khác. Ông chồng sau khi có tiền đã ăn chơi theo những cuộc tình không có hồi kết. “Lúc đó cuộc sống vô cùng vất vả, tôi bị mất việc làm, phải đi làm thuê để nuôi các con”, bà nói.

Mâu thuẫn đỉnh điểm vào năm 2013, chồng bà về Việt Nam chiếm hết số tiền thuê nhà ở Việt Nam, định chiếm đoạt hai ngôi nhà là tài sản chung của vợ chồng tích góp mua được. Chính vì sự vô trách nhiệm của ông Mạnh với vợ và các con, mục đích cuộc hôn nhân không còn, tình cảm giữa bà và chồng cũng đã hết. Sau nhiều năm ly thân nhiều lần cố gắng không thể hàn gắn, bà quyết định đưa vụ việc ra TAND TP Hà Nội yêu cầu giải quyết ly hôn.

Quyết định ly hôn của bà được ông Mạnh đồng ý ngay. Riêng hai căn nhà nhỏ ở phố cổ Hà Nội đáng giá không là bao, bà hy vọng ông Mạnh sẽ hy sinh cho bà và các con trong lúc khó khăn, thế nhưng chuyện đã không như bà nghĩ.

Căn nhà đất tại phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, ông Mạnh cho rằng nguồn gốc do mẹ đẻ cho tiền mua, sau đó ông cơi nới lên cao như hiện nay. Cho nên, ông cho rằng, đây là tài sản riêng, không phải tài sản chung vợ chồng. Ông Minh lý giải, khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ông cho bà đứng tên cùng nên mới có tên trên giấy chứng nhận.

Căn nhà còn lại ở phường Nhân Chính diện tích 25m2 , 3 tầng ông Mạnh công nhận là tài sản vợ chồng, nhưng phải “cưa” đôi chia sòng phẳng. Bà buồn và xót xa, không ngờ vợ chồng đến tuổi có con, có cháu lại vấy vào việc tranh chấp, phân chia tài sản. Bà bỏ mặc coi như phó thác tất cả cho pháp luật quyết định.

Cuối cùng bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội quyết định cho vợ chồng bà ly hôn. Đối với tài sản, Tòa tuyên bà được hưởng căn nhà tại phường Thượng Đình, ông Mạnh được hưởng căn nhà còn lại. Không đồng ý, ông Mạnh quyết định kháng cáo bản án, yêu cầu Tòa tuyên căn nhà bà Hạnh là của ông. Bà lại tất tả đi hầu Tòa.

TAND cấp cao mở phiên xử phúc thẩm. Tòa nhận định, đã tiến hành thu thập chứng cứ, xác minh tài liệu tại cơ quan quản lý nhà đất và xác định: Tài sản này hình thành có nguồn gốc tài sản của gia đình ông Mạnh. Tuy nhiên, tài sản này đã chuyển dịch đã đưa vào sử dụng chung, sáp nhập vào cùng khối tài sản, cùng xây dựng, cho thuê, cùng khai thác, sử dụng và cùng đứng tên đăng ký đồng sở hữu về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất. Vì vậy không có cơ sở xác định công sức đóng góp tạo lập nhà đất nêu trên của hai bên là ngang nhau.

Trên cơ sở đó TAND cấp cao đã công nhận việc phân chia các căn nhà như bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, sửa bản án sơ thẩm bà Hạnh phải trả cho ông Minh thêm 100 triệu đồng do chênh lệch giá trị tài sản.

Tòa giải quyết xong về phân chia tài sản, cũng là dấu chấm hết cho cuộc hôn nhân. Nguyên nhân tất cả cũng chỉ vì thói hư tật xấu mà ra.

* Tên nhân vật thay đổi

Nguồn: Văn Kỳ/ conglyxahoi.net.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày