Bài viết này muốn nói về sự NHẤT QUÁN của Phật sỹ Minh Tuệ cũng là trao đổi lại với một vài ý kiến hiểu khác (vô tình hoặc cố ý) về Minh Tuệ.
1. Có ý kiến cho rằng, tu thì phải có chùa (tịnh xá, tịnh thất…), có Thầy, có quy y tam bảo…Minh Tuệ “tự tu” như vậy là không đúng phép tắc (?).
- Minh Tuệ nhiều lần nói rằng, Con tu theo lời dạy của Đức Phật Thích ca mâu ni, chứ không theo ai cả. Không ai nói Pháp bằng Ngài Anan, không ai tu Hạnh đầu đà bằng Ngài Ca Diếp, nhưng lúc tại thế, Đức Phật không bảo ai tu theo Anan hay Ca Diếp cả.
Đức Phật ở trong tâm, Đức Phật ở khắp nơi, mình ngồi giữa Trời, niệm Phật, xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng; rồi tự mình trì giới, thực hành tu theo lời Phật dạy. Phật dạy sao, mình thực hiện đúng như vậy…
Khởi thủy Đức Phật đi tu, đâu có chùa, có quy y?
“Phép tắc” do GHPGVN đặt ra, Minh Tuệ có là thành viên của GHPGVN đâu mà phải theo.
2. Tu thì phải đọc bao nhiêu Kinh sách, Thiền định, nghe Giảng pháp mới có Trí tuệ. Tu không Trí tuệ là vô minh.
Tu theo Hạnh đầu đà là phải ẩn tu; ra xã hội gây ồn ào, khoe hình ảnh bản thân là phạm giới?...
- Lê Anh Tú đã nghe Pháp, đọc sách Phật Pháp, đọc “Lời Phật dạy có hết trên mạng”, rồi mới thấy dù có công việc tốt, tiện nghi đầy đủ nhưng không cảm thấy hạnh phúc. Nên mới xin Cha Mẹ cho xuất gia, đi tu. Con tu ở chùa 2 năm, có Pháp danh là Thích Minh Tuệ, như học từ lớp Một, rồi có người chỉ cho mới biết cao hơn. Nhưng Con thấy tu ở chùa không hợp, nên mới ra ngoài, lên núi ẩn tu...
“Sau thời gian ở một chỗ con thấy mình không có cơ hội xúc chạm xã hội để thử thách tham-sân-si, nên con quyết định bộ hành từ Nam ra Bắc, rồi ngược lại”...
Hãy nghe tất cả những lời Minh Tuệ trò chuyện tự nhiên với bất kỳ ai, suốt 6 năm qua, xem có “trí tuệ” không? Có chỗ nào không đúng căn bản lời Phật dạy?
Hơn nữa, các giáo lý trong kinh sách chỉ là tham khảo, muốn đạt đạo thì tự bản thân phải thực hành trải nghiệm. Minh Tuệ đã làm đúng theo lời Phật dạy.
Đức Phật hay Ngài Ca Diếp cũng phải đi các làng để khất thực sao gọi là “ẩn tu”? Người ta bám theo, khen, chê, tung hô… là những “xúc chạm xã hội” thử thách, nhưng mình không hề dính mắc vào thì càng vững vàng chứ sao?
3. Tu là “sửa” để cho mình sống tử tế, an lạc, hạnh phúc, chứ tu “hành xác, khổ hạnh” như Lê Anh Tú thì tu làm gì?
- Theo thiển nghĩ, tu theo Đạo Phật cũng có rất nhiều “trường phái”, “pháp môn” và nhiều “cấp độ”.
+ Cấp độ “thấp nhất” là người thế gian, nghe lời Phật, tu là “sửa”, hay gọi là “Tu tâm”. Như vợ chồng tôi, tu là “sửa”, bảo nhau buông bỏ, giải thoát khỏi Tham, Sân, Si, Ngã chấp, vọng tưởng càng nhiều cành tốt; không Sát, Đạo, tà Dâm, không nói dối, sống ngay thẳng, thật thà; sống đơn giản, thanh tịnh, an lạc, hoà vui, từ bi, trí tuệ… Tu thế này vẫn đọc sách Phật, nghe Pháp của những sư thật tin tưởng, nhưng không đi chùa, không tụng kinh, cúng dường. Tôi nghĩ đa số dân ta “tu tâm” như vậy cũng rất tốt.
+ Cấp độ tu “cao hơn” là quy y tam bảo, thành Phật tử và đi chùa, có hội, đoàn. “Theo số liệu thống kê của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cả nước có gần 45 triệu tín đồ quy y tam bảo, có 1002 đơn vị gia đình Phật tử và khoảng 44.498 tăng ni, hơn 14.775 tự, viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật”...
(https://vi.wikipedia.org/.../Ph%E1%BA%ADt_gi%C3%A1o_Vi%E1...).
“Cấp độ” này có gần 45 triệu người, nếu tu đúng là đại Phúc, tu sai là đại Hoạ cho dân tộc).
+ Cấp độ tu xuất gia, thành “Sư chuyên nghiệp” với “khoảng 44.498 tăng ni, hơn 14.775 tự, viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật”. Đây giống như các nhà giáo với hệ thống nhà trường. Trong này có nhiều cấp bậc trình độ: từ giáo viên Mầm non, Tiểu học, Trung học, Đại học, giáo sư, viện sĩ…).
+ Cấp độ tu Hạnh đầu đà như Thích Minh Tuệ chỉ có MỘT, vì nó khó nhất, nhằm giải thoát khỏi luân hồi, sinh tử, đạt tới thành Phật. “Con đi tu là để cầu giải thoát. Khi đắc đạo chánh đẳng, chánh giác, con mới đền đáp được công ơn cha mẹ”... “Khi nào con thành tựu được chánh đẳng chánh giác con mới giảng pháp cho mọi người được”.
“Việc giữ giới là quan trọng đầu tiên trong Giới-Định-Tuệ. Không giữ giới thì không tu được thành Phật”.
Mục đích, lý tưởng tu của Phật sỹ Minh Tuệ là rõ ràng, dứt khoát, khác hẳn các cấp độ tu khác. Cho nên ta thấy Minh Tuệ trì giới đến tột cùng, buông bỏ, giải thoát tột cùng. “khoảng 44.498 tăng ni” của GHPGVN có ai tu như Phật sỹ Minh Tuệ?
Vì vậy đừng đem cái tâm phàm, lòng dạ hẹp hòi, “tà tư duy” ra đánh giá Phật sỹ Thích Minh Tuệ!
4. Gần đây có ý kiến cho rằng: Tu gì mà không báo hiếu cha mẹ thì cũng vứt đi!...
- Câu này là lợi dụng câu trả lời của Phật sỹ Minh Tuệ sau khi về thăm gia đình, trả lời phóng viên, rằng “Con coi bố mẹ mình cũng như bố mẹ mọi người thôi”... Con biết ơn sinh thành của họ nên Con mong sớm thành chánh quả để con báo hiếu cho cha mẹ. Câu trả lời này hoàn toàn nhất quán với những câu Minh Tuệ đã nói trước đây: Con coi mọi người đều là anh em, cha mẹ con.
Đó là Minh Tuệ đã giải thoát khỏi mọi dính mắc, kể cả tình cảm gia đình và giữ đúng giới luật.
Báo hiếu của Minh Tuệ là: Con đi tu là để cầu giải thoát. Khi đắc đạo chánh đẳng, chánh giác, con mới đền đáp được công ơn cha mẹ.
Đem cái tâm phàm ra phê phán bậc tu hành như Ngài Thích Minh Tuệ quả là đắc tội.
5. Có người cho rằng, Minh Tuệ đã bị công an “tẩy não”, lại trở về Lê Anh Tú, rồi cấp CCCD, bắt ký giấy “tự nguyện ẩn tu”...
- Thông tin đó là không chính xác, thiếu thiện tâm. Minh Tuệ khẳng định, CCCD nếu tạo điều kiện để mình tu tập bình thường thì đó là tốt đẹp. Trả lời PV báo Người Lao động chiều ngày 10/6/2024, Minh Tuệ nói: “Mấy ngày trước có anh trai ngày nào cũng đưa cơm tới cho con. Nhưng sống như thế con thấy không đúng với hạnh đầu đà. Ngày hôm nay con đi ra khất thực. Tự mình ra tới nhà dân, người ta cho cái gì, mình mang tới nhà hoang dùng và kiếm chỗ yên tĩnh để ngồi tu hành. khi nào thuận lợi, lại đi”...
KẾT LUẬN
Phật sỹ Thích Minh Tuệ là người tu ở bậc cao, khó nhất, có mục đích, lý tưởng rõ ràng, là THÀNH PHẬT và kiên định theo đuổi lý tưởng đó đến cùng, kể cả có chết cũng bình thản!.
Lý tưởng đó có viển vông không? Hoàn toàn không. Vì chính Đức Phật từng nói: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”!
Người nung nấu, toàn tâm toàn ý theo đuổi Lý tưởng đó đã 8 - 9 năm nên mọi suy nghĩ, lời nói, hành động đều nhất quán tuân theo Lý tưởng; người đã buông bỏ tận cùng, vượt qua mọi thử thách, hành trì 13 hạnh đầu đà được ngần ấy năm, nên luôn cảm thấy tin tưởng, Hạnh phúc.
Tôi nhớ một nhà Tâm lý học đã viết: Lý tưởng là cái vì nó mà người ta sống và dưới ánh sáng của nó người ta hiểu ý nghĩa của cuộc đời.
Không hiểu được Lý tưởng của Phật sỹ Thích Minh Tuệ thì mọi phán xét đều trật.
12/6/2024
PGS TS Mạc Văn Trang
© 2024 | Thời báo ĐỨC