Có những thói quen làm giàu tích cực sẽ giúp chúng ta tích lũy tài sản tốt hơn. Nhiều người có quá nhiều “thói quen của người nghèo” nên dẫu dốc hết sức mình họ cũng khó có thể trở thành người giàu.
Một chuyên gia quản lý tài chính của Mỹ đã tiến hành khảo sát nghiên cứu hành vi thói quen thường ngày của nghèo và người giàu trong vòng 5 năm. Ông phát hiện ra rằng giữa người nghèo và người giàu có một sự khác biệt rất lớn: Đó là “thói quen làm giàu”.
Vậy những thói quen này cụ thể như thế nào?
Vận may để trở thành người giàu chỉ chiếm một phần rất nhỏ, và liên quan tới “thói quen giàu có”. Kỳ thực trên thực tế đây chính là tư duy, trí óc và giá trị nội tâm của con người.
“Thói quen làm giàu” và thói quen sinh hoạt rất giống nhau. Những thói quen tốt sẽ giúp con người khỏe mạnh, thậm chí là trường thọ. Ngược lại những thói quen không tốt sẽ ảnh hưởng tới thọ mệnh của người ấy.
Mang theo mình những “thói quen làm giàu” tốt đẹp sẽ giúp con người tích lũy được nhiều của cải hơn. Người có quá nhiều “thói quen của người nghèo” thì dẫu có cố hết sức thì nghèo vẫn hoàn nghèo.
Dưới đây là 10 “thói quen giàu có” thường gặp ở những người giàu. Những thói quen này được dung hòa vào cuộc sống thường nhật. Điều quan trọng hơn là thói quen này lại phản ánh một lối tư duy, quan niệm và giá trị nhân sinh quan tích cực.
Những “thói quen giàu có” này được dung hòa vào cuộc sống thường nhật. Ảnh dẫn theo wikipedia.org
1. Người giàu tin rằng thói quen sinh hoạt rất quan trọng đối với họ
Thói quen hàng ngày liệu có ảnh hưởng tới việc trở thành người giàu có? Có 52% những người giàu cho rằng điều này có sức ảnh hưởng chủ yếu. Trong khi đó tỷ lệ những người nghèo đồng tình với quan điểm này chỉ chiếm tỷ lệ 03%.
Rất nhiều người giàu sẽ nói mình trở thành người giàu là nhờ vận may. Nhưng không ít người nghèo nói rằng vận may của mình không tốt, nên không thể trở thành người giàu được. Nhưng vận may là gì, nó từ đâu tới?
Hóa ra là từ những thói quen! Những người giàu cho rằng thói quen không tốt sẽ tạo nên vận rủi, còn thói quen tốt lại có thể mang tới vận may. Những thói quen này cũng là sự tôi luyện, buông bỏ những thói quen không tốt, lựa chọn những điều tốt đẹp cho tương lai của mình.
2. Người giàu coi trọng mối quan hệ và sự trưởng thành của bản thân
88% người giàu cho rằng mối quan hệ vô cùng quan trọng nếu muốn trở thành một người giàu. Nhưng số người nghèo cùng quan điểm này chỉ chiếm 17%.
Mối quan hệ thông thường cũng là nguồn của cải dồi dào. Mối quan hệ giữa những người giàu có thể nói là những mỏ vàng cần được khai thác. Người giàu không cảm nhận thiết thân rằng mối quan hệ đóng vai trò thiết yếu đối với sự nghiệp của họ. Hơn nữa họ cũng dành rất nhiều nỗ lực để củng cố những mối quan hệ này.
Những người giàu ở Mỹ duy trì mối quan hệ này không chỉ dựa vào việc trở thành những người bạn nhậu với nhau. Họ có thể làm những việc nhỏ bé thấm đẫm tình người nào đó. Ví như gọi điện chúc mừng trong những dịp đại sự trong đời như chúc mừng ngày sinh nhật… Thậm chí họ có thể gặp nhau chỉ để uống một ly trà, cùng đi ăn sáng, cùng tập thể thao, cùng đi dã ngoại…
Người giàu rất nhạy bén với việc khai thác các mối quan hệ hiện có của mình. Điều đáng nể hơn là họ liên tục kết nối những người quen biết của mình với nhau, giúp các đối tác cũng tìm được cơ hội hợp tác và phát triển. Họ không chỉ bó hẹp tư duy trong việc làm giàu cho bản thân, mà thường mang theo tư tưởng “đôi bên cùng có lợi”. Vậy nên những mối quan hệ này không chỉ giúp bản thân họ làm giàu, mà còn khiến những người khác cũng có cơ hội trở nên giàu có.
Điều đáng nể là họ liên tục kết nối những người quen biết của mình với nhau, giúp các đối tác cũng tìm được cơ hội hợp tác và phát triển. Ảnh dẫn theo gettyimages.co
3. Người giàu thích kết giao bạn bè
68% người giàu nói rằng họ thích kết bạn, còn tỷ lệ này trong người nghèo chỉ chiếm 11%. Chúng ta thường có câu: “Ở nhà dựa vào cha mẹ, ra ngoài dựa vào bạn bè, nhiều bạn mở ra nhiều con đường hơn”. Kết giao bạn bè rộng rãi là một cách mở rộng mối quan hệ. Ở Mỹ cũng như vậy.
Người giàu luôn sẵn lòng giúp đỡ bạn bè của mình và mọi người xung quanh. Họ coi trọng việc tạo dựng những mối quan hệ bền vững, sự tín nhiệm lẫn nhau. Bởi lẽ, không có uy tín cũng đồng nghĩa với việc không có bạn bè, không có bạn bè thì cơ hội làm giàu cũng không nhiều. Làm giàu không phải là một đường thẳng tắp, mà luôn ẩn chứa nhiều đoạn quanh co, khúc khuỷu. Lúc này những người bạn sẽ giúp họ nhìn rõ hơn phương hướng và có thêm động lực tiến về phía trước. Bởi lẽ họ luôn hiểu rằng “Giúp người trước là giúp mình sau”.
4. Người giàu cho rằng tiết kiệm rất quan trọng
88% người giàu cho rằng tiết kiệm là cơ sở dẫn tới việc giàu có. 52% người nghèo cũng tán đồng với quan điểm này. Muốn trở thành người giàu thì không chỉ cần phải kiếm được nhiều tiền, mà còn phải cần kiệm giữ nhà, tích lũy tiền của.
Ăn chơi sa đọa, vung tay quá trán thì dẫu trong nhà có núi vàng núi bạc cũng sẽ có ngày trắng tay. Người giàu giáo dục con cái định luật 80/20. Tức là trong cuộc sống đừng làm được đồng nào tiêu hết đồng ấy. Chí ít phải tích lũy được 20% để đầu tư.
5. Người giàu kiên định niềm tin rằng số phận nằm trong tay mình
Đa số người nghèo cho rằng số phận của mình không tốt, hay họ không có một người cha tốt đỡ đầu.
Trong cuộc phỏng vấn những người giàu có của Mỹ, đa số mọi người ban đầu đều không giàu, cũng không có một người cha tốt đỡ đầu. Nhưng họ lại nắm giữ niềm tin số phận nằm trong tay mình, từ đó nỗ lực thay đổi mục tiêu phát triển của bản thân. Thái độ này cũng là một nhân tố giúp họ có thể trở thành một người giàu có.
Họ dám chịu trách nhiệm về những lối tư duy và những việc làm của mình. Dẫu số phận có mang đến cho họ một ly nước chanh thì họ cũng sẽ học cách cho thêm đường vào ly nước chanh ấy.
Ảnh dẫn theo forbes.com
Bởi lẽ họ tin rằng những gì đã qua không thể quay trở lại, dẫu có nhân quả giữa kiếp trước kiếp này, thì những gì họ đã từng làm họ cũng không thể thay đổi được. Vậy nên thay vì rầu rĩ nghĩ rằng vận may sẽ quay lưng với mình vì những việc làm từ đời trước hay quá khứ của kiếp này, họ liên tục thay đổi bản thân theo chiều hướng tích cực nhằm tạo dựng, tích lũy những vận may của mình. Kỳ thực đây là việc dám nhìn thẳng vào những thiếu sót của bản thân, dám chịu trách nhiệm trước những việc làm của mình, và quan trọng hơn là dám thay đổi để trở nên tốt hơn. Khi con người thay đổi theo chiều hướng tích cực như vậy thì vận may mỉm cười với họ cũng là điều đương nhiên.
6. Người giàu dựa vào tính sáng tạo chứ không chỉ là sự thông minh
75% người giàu coi tính sáng tạo là yếu tố quan trọng của người giàu. Chỉ có 11% người nghèo đồng ý với điều này. Người giàu tin tưởng rằng sự sáng tạo sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ tới việc có thành công hay không. Còn người nghèo đa phần cho rằng mình nghèo là do mình không đủ thông minh.
Rất nhiều người giàu cho rằng thành tích khi học ở trường đại học chỉ vừa đủ đạt tiêu chuẩn mà thôi. Họ không được coi là những người thông minh và học giỏi. Nhưng họ lại coi trọng sự sáng tạo, chứ không coi trọng lý thuyết sách vở. Nên khi hòa nhập với xã hội họ có thể phát huy được tối đa năng lực của mình.
7. Người giàu yêu thích công việc của họ
85% người giàu nói rằng họ yêu thích công việc mình đang làm. Nhưng chỉ có 02% người nghèo nói rằng họ thích công việc ấy. 86% người giàu làm việc 50 tiếng 1 tuần trong sự đam mê quên mình. 81% người giàu nói rằng họ phải làm nhiều hơn yêu cầu của công việc, đơn giản vì họ thấy điều đó là cần thiết và tình nguyện làm vậy.
Công việc của người giàu thường là tự mình sáng lập sự nghiệp, nên việc dốc toàn tâm huyết vào đó cũng là điều đương nhiên. Người nghèo đa phần là giới làm công ăn lương, muốn toàn tâm toàn ý dồn vào công việc là một yêu cầu hơi cao.
Người giàu thường gắn những mục tiêu cao cả vào trong sự nghiệp của mình. Vậy nên cảm hứng trong công việc của họ luôn dâng trào và mang đến cho họ sức mạnh và sự phục hồi kỳ diệu.
8. Người giàu tin rằng một sức khỏe tốt là vốn liếng để kiếm tiền
85% người giàu rất coi trọng sức khỏe. Hơn nữa họ còn cho rằng đây là tiền vốn để kiếm tiền. Nhưng người nghèo lại không coi trọng sức khỏe lắm. Thậm chí 13% người nghèo cho rằng sức khỏe vốn để “liều sức bình sinh” của mình để kiếm kế sinh nhai.
Một người giàu từng nói:“Tôi không thể kiếm tiền trên giường bệnh được”. Một sức khỏe tốt đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều tinh lực và thời gian hơn để khai thác sự nghiệp và cũng sẽ tích lũy được nhiều tài sản hơn. Sức khỏe còn giúp thời gian tích lũy của cải được kéo dài. Một người dẫu giàu có hơn nữa thì những năm tháng thanh xuân sớm qua đi cũng là một bi kịch. Một điều đơn giản nữa là dẫu có núi vàng, núi bạc nhưng không có sức khỏe tốt thì cũng không có cơ hội hưởng thụ thành quả của mình.
Một điều đơn giản nữa là dẫu có núi vàng, núi bạc nhưng không có sức khỏe tốt thì cũng không có cơ hội hưởng thụ thành quả của mình. Ảnh dẫn theo en.minghui.org
9. Người giàu dám mạo hiểm
63% người giàu cho biết trong quá trình làm giàu của mình họ dám mạo hiểm, dám chấp nhận rủi ro. Về phương diện này người nghèo lại không có được khí khái đó. Chỉ có 6% người nghèo cho biết họ tán đồng với quan điểm dám xông pha vào mạo hiểm của người giàu.
Theo điều tra của các học giả, 27% những người giàu có trong quá trình lập nghiệp đều phải nếm mùi thất bại ít nhất 1 lần. Họ rất dễ quên đi thành công, nhưng thất bại thì lại khắc cốt ghi tâm. Từ đó họ có thể rút ra những bài học trong thất bại mà đứng lên làm lại từ đầu. Đây chính là tố chất cơ bản giúp họ có khả năng thành công.
10. Tăng thêm “thói quen làm giàu”, giảm bớt “thói quen của người nghèo”
Một chuyên gia người Mỹ cho rằng: “Trong cuộc sống của mỗi một người đều có một vài “thói quen làm giàu” và cũng sẽ có một vài “thói quen của người nghèo”. Tăng thêm “thói quen làm giàu” sẽ giúp tích lũy tài sản. Giảm bớt “thói quen của người nghèo” cũng có thể khiến con người thay đổi tình trạng nghèo túng”.
Vậy thì trong cuộc sống thường nhật “thói quen làm giàu” có biểu hiện như thế nào?
Người giàu tìm hiểu sâu hơn khi gặp sự hoài nghi
Người giàu tìm hiểu sâu hơn khi gặp sự hoài nghi. Trong khi người nghèo lại cự tuyệt khi đang ngờ vực điều gì đó. Sinh mệnh của con người là hữu hạn, mà đại dương kiến thức thì mênh mông vô hạn. Điều đáng thương nhất trong đời người chính là dùng sinh mệnh hữu hạn của mình để học những kiến thức mênh mông vô hạn ấy. Những người trẻ tuổi đã thành công không phải là do họ thông minh. Họ cũng không thể nào sinh ra là đã hiểu hết mọi chuyện trên đời. Nếu cứ nhất quyết nói rằng họ may mắn thì chẳng qua là họ luôn chịu khó rèn luyện bản thân với đồng tiền, học hỏi những điều thiết yếu xung quanh. Chỉ vậy mà thôi.
Người giàu tự tin
Người nghèo chỉ cảm thấy tự tin khi có những vật dụng, đồ trang sức có thương hiệu nổi tiếng, những bộ cánh đắt tiền và những thứ xa xỉ phẩm như nhà lầu, “xế xịn”, ra vào những nơi hào nhoáng, tiệc tùng xa hoa… Sự tự tin của người nghèo thông thường không phải là sự tự tin xuất phát tự nội tâm và thành công tự nhiên.
Một tỷ phú tiết lộ bí quyết kinh doanh của mình rằng: “Kỳ thực cũng không có gì đặc biệt. Khi bối cảnh tốt thì bạn đừng quá lạc quan. Khi bối cảnh không tốt thì cũng đừng quá bi quan. Kỳ thực đây chính là sự tự tin riêng có của người giàu. Tự tin mới có thể không bị khống chế bởi những yếu tố bên ngoài. Tự tin mới có thể quyết định một cách chính xác”.
Kỳ thực đây chính là tâm thái “thuận theo tự nhiên”. Họ sẽ dốc hết khả năng để làm những gì có thể, sau đó điềm tĩnh quan sát xu thế thay đổi. Họ có một niềm tin sâu sắc rằng “Trời chẳng phụ người có tâm”. Khi chưa đạt được thành công họ vẫn tiếp tục cố gắng. Bởi lẽ họ quan niệm mình chưa tích lũy đủ những điều kiện, tố chất cần thiết và cần liên tục bổ sung điều đó. Vậy nên những người giàu có thực sự luôn có khả năng tạo ra của cải một cách bền vững, trường tồn.
Muốn gia nhập đội ngũ những người giàu có thực sự, chứ không phải những người giàu xổi, sớm nổi tối chìm thì việc tạo dựng cho mình một nội tâm mạnh mẽ và những niềm tin, nhân sinh quan, giá trị đạo đức là điều không thể bàn cãi. Ông cha ta cũng có câu: “Có đức mặc sức” mà ăn. Giàu có không có nghĩa là ngồi chờ hưởng phúc do số phận mang lại. Điều quan trọng hơn là tạo ra nhiều “đức” hơn từ chính việc tôi luyện bản thân và mang lại giá trị cho cộng đồng.
Theo Soundofhope
Hiểu Mai biên dịch
© 2024 | Thời báo ĐỨC