Hàng nghìn người ngồi kín khuôn viên chùa - tổ đình Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội) từ tối mùng 8 tháng Giêng.
Một số tràn ra lòng đường, đứng bám vào thành cầu vái vọng sau khi cánh cửa chùa đóng lại do quá tải. Tình cảnh này còn kéo dài tới hết Rằm tháng Giêng. Vẫn là dâng sao giải hạn. Người ta chẳng màng tới văn bản không tổ chức dâng sao giải hạn của Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được ban hành từ trước Tết Nguyên đán.
Đâu chỉ chùa Phúc Khánh, hầu khắp các chùa lớn nhỏ, đặc biệt ở miền Bắc trở thành địa chỉ để dân tình ùn ùn kéo tới đăng ký giải hạn. Chùa thời 4.0 gia tăng quảng bá bằng thông báo lịch cúng, giá cả dâng sao giải hạn trên mạng xã hội. Cách thức “lách” của hầu hết nhà chùa là thay đổi cách gọi từ giải hạn sang cầu an. Những phiếu đăng ký, lá sớ cầu an đều ghi năm sinh của gia chủ để quy ra các loại sao chiếu mệnh. Nào La Hầu, Kế Đô, Thái Bạch... theo quan niệm là sao xấu cần phải giải tai ách.
Dân ta đi lễ chùa lâu nay vẫn quen miệng xin Phật “độ” cho gia đạo bình an, công việc hanh thông, đi tươi về tốt, buôn may bán đắt một vốn bốn lời. Có chùa còn được dân đồn thổi thiêng nhất để cầu duyên, cầu tự. Phật, thánh nơi nào có thể mang sức mạnh siêu phàm để ban phúc lộc khắp thế gian? Đức Phật sống dậy cũng không thể ngờ đạo Phật ngày nay đã biến tướng tới chừng này.
Phật không dạy dâng sao giải hạn, không dạy đốt vàng mã mới đắc tài lộc. Đạo Phật không phải tôn giáo thần bí, Đức Phật cũng chẳng có sức mạnh thần thông. Đạo Phật là con đường giác ngộ, giải thoát khỏi bể khổ nhờ tu tập, đề cao trí tuệ và tình thương. Người duy nhất giúp ta giải hạn chẳng ai khác ngoài bản thân. Gieo nhân nào gặt quả ấy. Hạn nếu có là do hệ quả từ lời nói, hành động. Thay đổi vận hạn của con người có chăng là nhờ nỗ lực tu tập, tự chấn chỉnh hằng ngày để sửa mình.
Một bộ phận không nhỏ người dân vẫn chịu sức tác động của tâm lý đám đông, sự a dua ở hầu khắp các lễ hội có yếu tố tranh, cướp lộc. Một nhành lộc hoa tre hội Gióng, một mảnh chiếu con con cướp được ở hội đúc Bụt hòng mưu cầu sinh con trai... vẫn còn thiêng với không ít người dân trẩy hội. Và đông đảo hơn là hàng nghìn người thức xuyên đêm xếp hàng chờ mua vàng ngày vía Thần tài.
Không có nguồn gốc từ văn hóa Việt, ngày vía Thần tài giờ còn bị biến tướng thành thói quen mua vàng vào mồng 10 tháng Giêng. Chẳng có bằng chứng nào cho thấy, chen chân mua vàng ngày này khiến người ta đổi vận, phát tài trong ít tháng ngắn ngủi. Thần tài nào ghé cửa, nếu cả năm gia chủ không chịu thương chịu khó làm ăn, không vận dụng kiến thức, kỹ năng tích lũy vào công việc? Chưa kịp phát tài nhưng làm giàu cho tiệm vàng, đẩy giá vàng lên cao là có thật.
Hàng trăm lễ hội miên man trong tháng Giêng vẫn mời gọi người chơi xuân, nhưng vui xuân nên theo tinh thần mới. Một xã hội xem nhẹ chuyện cầu cúng, gạt bỏ bớt tư duy “tháng Giêng là tháng ăn chơi” mới mong bớt trì trệ. Thế là việc nào cũng tốt, đường nào cũng thông.
Nguồn: Báo Tiền Phong Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC