Ông Đặng Văn Thân và một quyết định làm thay đổi căn bản ngành viễn thông Việt Nam

Thời bình cũng như trong chiến tranh, những người thực sự anh hùng hoặc đã chết hoặc âm thầm lặng lẽ. Cộng đồng mạng mấy ngày qua gần như không biết đến một người như thế đã ra đi, dù không có ông, internet có lẽ chưa đủ điều kiện để có mặt ở Việt Nam vào năm 1997. Ông là Đặng Văn Thân, vừa mất hôm 24-5 [1932-2023], là Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện 1984-1996.

1 Ong Dang Van Than Va Mot Quyet Dinh Lam Thay Doi Can Ban Nganh Vien Thong Viet Nam

Nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình gắn huy hiệu Anh hùng Lao động cho đồng chí Đặng Văn Thân năm 2000.

2 Ong Dang Van Than Va Mot Quyet Dinh Lam Thay Doi Can Ban Nganh Vien Thong Viet Nam

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng dẫn đầu đoàn cán bộ, nhân viên ngành Thông tin và Truyền thông vào viếng ông Ba Thân.

Cuối thập niên 1980, điện thoại vẫn là một dịch vụ xa xỉ mà rất ít người dân miền Bắc biết tới. Cho đến lúc ấy, Việt Nam đang là một quốc gia hoàn toàn bị đóng cửa. Năm 1985, phải mất chín mươi phút mới có thể có một cuộc gọi từ Việt Nam ra nước ngoài. Cả nước chỉ có sáu kênh vô tuyến nối Việt Nam với Hồng Kông. Năm 1993, tỉ lệ điện thoại chỉ đạt 0,087%, nghĩa là một vạn dân Việt Nam chưa có được một máy điện thoại.

Năm 1987, ông Đặng Văn Thân đã có một quyết định làm thay đổi căn bản ngành viễn thông Việt Nam.

Theo ông Đỗ Trung Tá: “Khi ấy, Liên Xô viện trợ không hoàn lại mười triệu rúp vàng để trang bị mạng thông tin cho Bộ Công an nhưng ông Thân thuyết phục ông Phạm Hùng không nên dùng vì cho dù đó là thiết bị hiện đại nhất của Đông Đức thì công nghệ analog của họ đã rất lạc hậu so với thế giới”.

Những thiết bị này sau đó được mang tặng Cuba. Trong số mười triệu rúp thiết bị ấy, ông Thân chỉ dùng bốn thứ: pin mặt trời, cột, kèo và xe chuyên dùng.

Công nghệ kỹ thuật số của “tư bản” được ông Thân chọn từ năm 1987, thông qua việc hợp tác đầu tư với Úc, đã mở ra một giai đoạn mới của ngành viễn thông Việt Nam cho dù đầu thập niên 1990, giá cước viễn thông của Việt Nam vẫn thuộc vào hàng đắt nhất thế giới.

3 Ong Dang Van Than Va Mot Quyet Dinh Lam Thay Doi Can Ban Nganh Vien Thong Viet Nam

Tổng Cục trưởng Đặng Văn Thân ký kết Hợp đồng liên doanh sản xuất viba số giữa Tổng cục Bưu điện với Hãng AWA (Australia) đánh dấu bước số hoá hệ thống truyền dẫn của Việt Nam (năm 1989)

Sở dĩ có được quyết định này, có lẽ nhờ, sau ngày 30-4-1975, ông Thân được đưa vào tiếp quản toàn bộ hệ thống bưu chính viễn thông của miền Nam, ông làm Giám đốc Trung tâm Viễn thông II cho đến 1984, trước khi được điều ra Hà Nội làm Quyền Tổng cục trưởng.

Không chỉ đưa Ngành thoát được một cái “bẫy” công nghệ lạc hậu, lựa chọn của ông Thân, trong một ngành rất then chốt, góp phần giúp Việt Nam thoát ra khỏi cả một “ách thực dân” về tư duy và con đường phát triển.

Năm 1992, trong một lần làm việc với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông Đặng Văn Thân đưa ra kế hoạch, đến năm 2000, Việt Nam sẽ có một điện thoại cho 100 dân. Ông Võ Văn Kiệt hỏi: “Tại sao phải là năm 2000 mà không phải là 1995?”.

Theo ông Tá, người cùng có mặt trong buổi làm việc: “Chúng tôi coi đó là một mệnh lệnh và trên đường về, chúng tôi đưa ra chiến lược tăng tốc hai giai đoạn: 1993-1995 và 1995-2000”.

Khi bắt đầu đưa điện thoại di động vào Việt Nam, ông Đặng Văn Thân lại quyết định đúng khi chọn công nghệ số GSM, loại công nghệ mà châu Âu mới triển khai năm 1991. Ngày 16-4-1993, Mobifone, mạng di động đầu tiên của Việt Nam, chính thức đi vào hoạt động. Hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ viễn thông phát triển là cơ sở để Việt Nam tiến tới kết nối Internet.

Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện Đặng Văn Thân sinh ngày 6/11/1932, tại xã Phước Long, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Ông là Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng khóa VI; Ủy Viên BCH Trung ương Đảng khóa VII; Đại biểu Quốc hội khóa VII. Trong quá trình công tác, ông từng được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng nhất; Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; Huân chương Lao động Hạng nhất; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương khác.

Ông từ trần lúc 21 giờ 37 phút, ngày 24/5/2023, hưởng thọ 92 tuổi. Linh cữu quàn tại Nhà Tang lễ Quốc gia phía Nam (số 5, Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM). Lễ viếng: 9 giờ ngày 27/5; Lễ truy điệu vào lúc 8 giờ ngày 29/5; Linh cữu của ông sẽ được an táng tại Nghĩa trang xã Tân Lợi Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

4 Ong Dang Van Than Va Mot Quyet Dinh Lam Thay Doi Can Ban Nganh Vien Thong Viet Nam

Ông Mai Liêm Trực viếng và thắp nhang tiễn biệt ông Ba Thân.

Hai người kế tục công việc của ông Đặng Văn Thân [Mai Liêm Trực, kế nhiệm ông Thân cho tới 2002; Đỗ Trung Tá, Bộ trưởng Bưu chính Viễn thông 2002-2007] cho dù có những điểm khác nhau đều vẫn đã dẫn dắt ngành viễn thông Việt Nam đi đúng hướng.

Nhưng, ông Đỗ Trung Tá đã không ngăn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong việc đưa ra một quyết định sai lầm khi chủ trương sáp nhập mảng báo chí xuất bản [từ bộ Văn hóa] vào Bộ Bưu chính Viễn thông để lập ra Bộ Thông tin Truyền thông.

Gán ghép khiên cưỡng hai lĩnh vực có nhiều khác biệt này, đã cho một cái tên dễ gây nhầm lẫn chức năng, “thông tin truyền thông”, và nhầm lẫn khi chọn người nắm bộ. Ba đời bộ trưởng sau đó đã chú trọng truyền thông nặng màu tuyên giáo thay vì chớp đúng thời cơ, phát triển kinh tế số, công nghệ thông tin trên nền tảng viễn thông được thiết lập 2 thập niên trước đó.

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, một người ngoại đạo cả về báo chí lẫn công nghệ thông tin, với thời gian nắm bộ 4 năm đã không để lại nhiều dấu ấn lên mảng công nghệ thông tin và bưu chính viễn thông.

Thay ông là Nguyễn Bắc Son, một người “đánh hơi” rất nhanh mùi tiền ở mảng viễn thông. Ông Son cùng người kế nhiệm, Trương Minh Tuấn, đều nhanh chóng vào tù vì tiền bạc.

Có lẽ cũng ít ai để ý, người soạn Quy hoạch báo chí dẫn đến việc xóa sổ một số tờ báo tử tế, làm xất bất xang bang nhiều tờ báo khác và đang đặt số phận của những tờ như Thanh Niên, Tuổi Trẻ trước một tương lai bất định… lại chính là Nguyễn Bắc Son, hình ảnh tiêu biểu của một quan tham nhũng.

5 Ong Dang Van Than Va Mot Quyet Dinh Lam Thay Doi Can Ban Nganh Vien Thong Viet Nam

Khi tướng Nguyễn Mạnh Hùng về Bộ, với xuất thân là một người đứng đầu Viettel, nhiều người đã đặt kỳ vọng vào ông.

Phải là những người biết Nguyễn Mạnh Hùng trước đó mới không ngạc nhiên khi về sau thấy ông nắm báo chí còn tuyên giáo hơn tuyên giáo.

Trong lịch sử chính trị Việt Nam kể từ thập niên 1990s, Nguyễn Mạnh Hùng là bộ trưởng ít chính sách và nhiều khẩu hiệu nhất.

Thay vì đưa ra những chính sách phát triển công nghệ đúng đắn, những gì mà chúng ta chứng kiến là sự hăm hở sử dụng công nghệ kiểm soát báo chí [không cần một người hiểu biết báo chí cũng đủ thấy, không có gì đần độn hơn là sử dụng công cụ thông minh để đếm bài tích cực, canh bài tiêu cực trên các báo]. Một thời đánh đu với “4.0”, từng hô hào doanh nghiệp ném tiền “đầu tư bánh vẽ” và kết quả của gần 4 năm làm bộ trưởng là những số không to tướng.

Nếu như Bộ trưởng Lê Doãn Hợp đã thừa kinh nghiệm chính trị để không bao giờ “đứng trên” báo chí. Hai chú “ngựa non” Nguyễn Mạnh Hùng và Trương Minh Tuấn, ngược lại, ân oán rất nhiều… Hy vọng là những “gót chân A-sin” của ông ở Viettel không khiến ông, ngày nào đó, lại trở thành tin trên báo.

Ông Mai Liêm Trực cho rằng, nếu không có ông Võ Văn Kiệt, ông Đặng Văn Thân không thể nào “cách mạng” ngành bưu chính viễn thông. Ông Võ Văn Kiệt cũng không dễ đưa những khát vọng đổi mới thành hiện thực nếu không có những người như ông Đặng Văn Thân. Vấn đề là cả hai ông đều biết rõ mình đang làm gì.

Nếu không tách báo chí ra khỏi viễn thông và công nghệ thông tin và những ông bộ trưởng thay vì phát triển công nghệ thông tin, lại thích nhấm nháp thứ quyền lực mà truyền thông vuốt ve, thì không bao giờ có được “Đặng Văn Thân” nào nữa.

Vài Mốc Chính Về Viễn Thông ở Việt Nam

I. Ngày 5-3-1997, Chính phủ ban hành Nghị định 21 “quy định tạm thời quản lý Internet” theo nguyên tắc “quản lý được đến đâu thì phát triển tới đó”[ 490] .

Ngày 19-11-1997, tại trụ sở Tổng cục Bưu điện, 18 Nguyễn Du, Hà Nội, “Lễ kết nối Internet toàn cầu” đã được long trọng tổ chức.

Nguyên tắc quản lý được tới đâu thì phát triển tới đó đã khiến Internet Việt Nam trong giai đoạn 1998- 2000 phát triển rất chậm. Phải đến cuối năm 2000, những người chủ trương Internet mới đưa được vào Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị một nguyên tắc tiến bộ hơn: Đã đến lúc, nhu cầu phát triển Internet tới đâu thì năng lực quản lý của các ngành phải theo kịp sự phát triển tới đó.

II. Tuy con đường phát triển hạ tầng viễn thông được đắp bởi công lao của rất nhiều người, sự chấp thuận của ông Lê Khả Phiêu vào năm 1997 là rất quan trọng để Việt Nam có thể kết nối Internet.

Đó là giai đoạn ông Phiêu bắt đầu nhận chuyển giao quyền lực và bản thân ông cũng không hình dung được khả năng thay đổi thế giới của công nghệ này. Internet từ đây sẽ đưa Việt Nam bước sang một kỷ nguyên rất khác.

III. Trong thập niên 1960, điện thoại tư nhân đã tăng rất nhanh ở miền Nam:

Năm1965, 23.377; năm 1966, 24.837; năm 1967, 27.082; năm 1968, 30.964; năm 1969, 36.150; năm 1970, 34.889; năm 1971; 38.133 máy.

IV. Ngày 30-1-1966, lần đầu tiên người dân Sài Gòn được xem một bộ phim Mỹ, vừa có tiếng Việt vừa có tiếng Anh, qua 1.000 máy vô tuyến truyền hình được đặt ở những địa điểm đông người tại Sài Gòn và các tỉnh lân cận.

Tín hiệu được phát đi từ hai máy bay hiệu Constellation bay vòng quanh Sài Gòn. Hôm sau, ngày 31-1-1966, Tháp vô tuyến truyền hình đã được khánh thành tại số 7 đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai). Cuối thập niên 1960, máy vô tuyến truyền hình trở thành phổ biến ở các đô thị lớn và bắt đầu về tới các vùng nông thôn miền Nam.

V. Ngày 7-9-1970, miền Bắc mới cho phát thử một chương trình truyền hình đen trắng và phải sau ngày 30-4-1975, một số người dân ở Hà Nội, mới được “xem vô tuyến” nhờ các máy thu hình đưa từ miền Nam ra chuyển hệ hoặc đưa từ Liên Xô và các nước Đông Âu.

Truyền thông báo chí, ngay cả của nhà nước cũng phát triển rất hạn chế ở miền Bắc.

trong thập niên 1960, trong một xã may ra có ông chủ tịch hay bí thư là có được chiếc máy thu thanh hiệu Xiong Mao hoặc Orionton. Sau năm 1975, những chiếc radio bán dẫn Nhật như Standard, National... được các anh bộ đội, các cán bộ vào Nam công tác đưa ra nhưng nó vẫn là một mặt hàng bị “nhà nước quản lý”.

Nhà báo Huy Đức


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày