Lúc 18h39 phút ngày 27-12 trên cổng thông tin của Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN) đã đăng thông tin "Đính chính thông tin "Bộ KIT xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức y tế thế giới chấp thuận".
Nguyên văn thông tin đính chính:
"Trong khoảng thời gian từ ngày 25, 26-4-2020, một số cơ quan báo chí chính thống đã đăng tải bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức Y tế thế giới chấp thuận.
Trên cơ sở tổng hợp nguồn tin từ các cơ quan báo chí chính thống, vào lúc 15 giờ 36 phút ngày 26-4-2020, bản tin "Bộ KIT xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức Y tế thế giới chấp thuận" đã được đăng tải trên Cổng thông tin của Bộ KH&CN (www.most.gov.vn) và bản tin này đã được gửi tới một số phóng viên theo dõi lĩnh vực KH&CN tham khảo như thông lệ khi ngành KH&CN có sự kiện hoặc thành tựu nổi bật.
Sau khi phát hiện có sai sót, để có thời gian xem xét, đánh giá lại toàn bộ quá trình, bản tin đã được tạm gỡ trên Cổng thông tin của Bộ KH&CN.
Các đơn vị chức năng có liên quan đã kiểm tra lại và nhận thấy có sự sai sót trong quá trình tổng hợp, biên tập, kiểm chứng thông tin và cung cấp thông tin để đăng trên Cổng thông tin của Bộ KH&CN.
Nội dung thông tin xin được đính chính như sau: "Ngày 24-4-2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chấp thuận yêu cầu xin đánh giá sử dụng khẩn cấp (EUL) cho bộ kit "LightPower iVA SAR-CoV-2 1st RT-rPCR Kit" của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á".
Trước đó, trong vụ án Công ty Việt Á "thổi giá" bộ kit xét nghiệm, dù bị báo chí chỉ ra bộ kit này chưa được WHO phê duyệt nhưng ngày 20-12 Bộ KHCN cũng chỉ "âm thầm" gỡ bỏ các thông tin này. Lúc đó ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN các khối ngành Kinh tế - Kỹ thuật, Bộ KHCN, thừa nhận:
"Đây là sơ suất của Bộ KHCN". Việc âm thầm "gỡ bỏ", không đính chính lại là một hành vi thiếu chuyên nghiệp và trách nhiệm với cộng đồng, thiếu liêm chính trong khoa học.
Tuy nhiên ngay cả trong phần đính chính, Bộ KHCN cũng không trung thực khi cho rằng thông tin sai sự thực chỉ là "trên cơ sở tổng hợp nguồn tin từ các cơ quan báo chí chính thống", mà Bộ KHCN cố tình "quên" khi ngày 26-4, Bộ KHCN đã gửi thông tin chính thức đến các cơ quan báo chí với thông tin đầy đủ khẳng định việc "bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chấp thuận".
Như vậy sao gọi là "tổng hợp nguồn tin từ các cơ quan báo chí chính thống"?
Bộ KHCN cũng quên mất trong một cuộc họp báo ngày 5-3-2020, Bộ KHCN cũng khẳng định bộ kit này được WHO công nhận, "tương đương với bộ sinh phẩm do Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (US CDC) và WHO sản xuất".
Bộ KHCN khẳng định Việt Nam trở thành một trong sáu đơn vị sản xuất được sản phẩm này, bên cạnh WHO, Nhật Bản, Đức, Trung Quốc và Mỹ và cho rằng việc thông qua bộ kit xét nghiệm của Công ty Việt Á là một trong những thành công trong việc phòng chống Covid-19 ở nước ta.
Cũng trong cuộc họp báo trên, GS-TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, thông tin kết quả nghiên cứu của Việt Nam đã được gửi tới Vigology, một tạp chí quốc tế uy tín về virus học, và khẳng định:
"Tạp chí này đã gửi nghiên cứu đến WHO, tổ chức này lập tức liên hệ với Học viện Quân y xin phép chia sẻ nghiên cứu tới các phòng thí nghiệm khác".
Ngay cả thông tin của GS-TS Đỗ Quyết cũng không đúng với quy ước đạo đức, quy chuẩn khoa học, vì một tập san khoa học không có quyền gửi bản thảo bài báo đến bất cứ tổ chức hay cá nhân nào, vì đó là qui định về bảo mật và tác quyền.
Về "công trình nghiên cứu cấp quốc gia" về bộ kit xét nghiệm của Công ty Việt Á, GS Nguyễn Văn Tuấn (Viện Garvan, ĐH Đại học New South Wales - Úc) nhận xét rằng ở phương Tây có câu "reinvent the wheel" (tái sáng chế cái bánh xe), hàm ý nói mất thì giờ, tiền bạc và công sức để làm ra cái mà người khác đã sáng chế và đã hoàn thiện. Các tập đoàn dược trên thế giới và ngay cả Trung Quốc họ đã hoàn thiện các phương pháp xét nghiệm Covid. Vậy Học viện Quân y nghiên cứu cái đã nghiên cứu để làm gì?
Trong khoa học một trong những điều kiện cần là phải liêm chính.
Trong trường hợp này, Bộ KHCN thiếu liêm chính, ngay cả trong việc đính chính những sai sót trong thông tin mà giới khoa học ai cũng biết.
Lưu Nhi Dũ
Nguồn: Báo LAO ĐỘNG
© 2024 | Thời báo ĐỨC