Video độc hại tràn lan trên mạng, thu hút hàng triệu lượt xem - Chụp màn hình
© Ảnh:Các kênh giải trí mang tính bạo lực tràn lan trên mạng bao vây trẻ - Chụp màn hình
Cho con xem YouTube để...dỗ con
Chị Cao Thị Hồng Tươi (30 tuổi, ngụ đường Tăng Nhơn Phú, TP.Thủ Đức) nhìn nhận trong thời đại internet bùng nổ, việc trẻ em tiếp cận internet, ti vi, điện thoại là tất yếu.
Trẻ truy cập các nội dung YouTube rất dễ dàng khi gia đình nào cũng có tivi điện thoại thông minh.
Gia đình chị Tươi cho con xem YouTube mỗi ngày vào buổi chiều và tối nhằm dỗ cho con con ăn cơm và để chị có thời gian yên tĩnh làm việc. Nhiều lúc chị Tươi giao hẳn chiếc điện thoại cho con.“Vậy nên nhìn lại việc con cái nghiện YouTube hoàn toàn nằm ở lỗi của cha mẹ”, chị Tươi nói.
Cho con xem YouTube ngay từ nhỏ, chị Nguyễn Thị Diệu Mi (27 tuổi, ngụ đường Nguyễn Xí, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) thừa nhận đó là một sai lầm vì cho con tiếp cận quá sớm. Chị Mi kể, khi con trai biết nhận thức, nghe nói và đi được đã cho con xem nhiều kênh YouTube.
Mục đích để kềm con lại, cho nghe lời hơn cha mẹ khi bận việc không thể trông chừng. Dần dần, cứ mỗi lần ngồi lại, con trai lại đòi mẹ mở cho xem bằng được. Việc cho con xem YouTube thường xuyên cũng được chị Mi “lạm dụng” để dụ dỗ con mỗi khi con khóc.“Trường hợp phụ huynh cho con sử dụng YouTube như biện pháp tạm thời để chiêu dụ khi con không chịu ăn, không chịu học, quấy khóc,...
Việc lặp đi lặp vô hình trung tạo thành thói quen thiếu tích cực nơi con trẻ”, chuyên gia tâm lý Đặng Hoàng An cho hay.
Chuyên gia này không đồng tình việc chiêu dụ cho trẻ sử dụng điện thoại, YouTube mà không có sự hướng dẫn hay cài đặt tính năng dành cho trẻ trước khi giao điện thoại. "Giao cho con dùng điện thoại một cách tự do không theo dõi, giám sát có thể xem như là một sự gây hại chứ không phải là cách thể hiện sự yêu thương”, chuyên gia tâm lý Đặng Hoàng An nhận định.
Phụ huynh cần biết cách hướng dẫn, ứng xử với trẻ trước những nội dung nhạy cảm trên mạng - Độc Lập
Nên dành thời gian nhiều hơn để chơi với con
Chuyên gia tâm lý Đặng Hoàng An cho rằng mọi vấn đề đều có hai mặt và YouTube cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, vấn nạn đang tồn tại hiện nay có không ít phụ huynh chưa ý thức đầy đủ về tính hai mặt của mạng xã hội với con trẻ.
Tâm lý chung của phụ huynh thường hay đưa ra những phán xét, chỉ trích thậm chí là đổ lỗi do khách quan hơn là thừa nhận lỗi lầm, trách nhiệm thuộc về mình.
Từ vụ Thơ Nguyễn cho thấy có khá nhiều phụ huynh đổ lỗi hoàn toàn cho kênh là chưa thuyết phục.
Bởi vai trò, trách nhiệm giáo dục trẻ phụ thuộc vào 3 môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội. Do đó, giáo dục từ cha mẹ đóng vai trò rất lớn và được xem là yếu tố nền tảng góp phần trong việc hoàn thiện nhân cách cho con.
Với trẻ nhỏ, sự ý thức và tự ý thức còn nhiều hạn chế, khả năng gạn lọc thông tin kém trong khi nội dung không lạnh mạnh xuất hiện nhan nhãn trên YouTube thì việc trẻ ít nhiều bị tiêm nhiễm và bắt chước theo là điều có thể xảy ra.
Trước hiện trạng trên, ông Đặng Hoàng An thiết tha nhắn gửi phụ huynh rằng hãy dành thời gian cho con, quan tâm đến cách giáo dục con nhiều hơn, tổ chức cho trẻ môi trường sống, vui chơi giải trí ngoài đời thực hơn là cho trẻ tiếp cận trên mạng xã hội.
Môi trường sống, vui chơi giải trí lành mạnh ngoài đời thực hơn là cho trẻ tiếp cận trên không gian ảo nhất là trên YouTube.
Chị Diệu Mi cũng chia sẻ:
“Sau này tôi thấy không tốt và con cũng tới tuổi khám phá, bắt chước nên tôi huấn luyện con bằng cách cho chơi những đồ chơi trực quan hơn. Tôi kềm con lại, chỉ cho con xem khi mình muốn, và chỉ cho con học những gì cần thiết trên mạng. Lâu lâu cho con xem và tôi giám sát để học về màu sắc, tiếng Anh… ”.
Theo chị Tươi, kênh YouTube thực sự không xấu nếu đó là những chương trình có ý nghĩa giáo dục điều tốt đẹp và bổ sung kiến thức.
Tuy nhiên, chính vì có quá nhiều kênh với đủ hình thức nên trách nhiệm của cha mẹ trong việc chọn lựa kênh có ích cho bé là điều quan trọng nhất.“Sau này hai vợ chồng đều nhận thấy không thể thả lỏng với con cùng các kênh YouTube.
Cho nên mỗi ngày chỉ cho con xem trong khoảng thời gian nhất định. Ngoài ra, dành thời gian nhiều hơn để chơi với con, tăng tương tác với con và giúp con dần dần dứt ra khỏi YouTube”, chị Tươi cho hay.
Nguồn: Báo Thanh Niên điện tử
© 2024 | Thời báo ĐỨC