Người Việt không xấu xí: Cái cúi đầu đánh thức ngành giáo dục, hãy bắt đầu từ điều nhỏ nhất

Chúng ta đã quen với những câu chuyện giáo dục đầy cảm hứng của người Nhật, chúng ta khao khát một ngày con em mình cũng được hưởng một nền giáo dục dạy làm người tốt trước khi làm người giỏi.

Nhưng nếu chưa bắt đầu, mà chỉ dừng ở mức ngưỡng mộ, sẽ chẳng bao giờ có cái ngày tươi đẹp ấy. Hiểu điều đó, những nhà giáo tâm huyết đã hành động, xã hội đã được chứng kiến những bông hoa thơm từ nỗ lực của họ. Và nỗ lực thay đổi để trở nên vĩ đại, là phải bắt đầu từ những điều nhỏ bé nhất.

Hình ảnh những em học sinh của trường THPT Đinh Thiện Lý cúi đầu cảm ơn những tài xế đã dừng xe nhường đường cho mình đi qua, hay các em học sinh THPT Lê Hồng Phong cúi đầu chào bác bảo vệ khi qua cổng trường đã lan tỏa trên các trang báo và mạng xã hội thời gian vừa qua. Giữa những thông tin giật gân, miêu tả một xã hội đầy hoang mang và bất ổn, hình ảnh đẹp của các em học sinh như một ánh sáng của niềm tin, dẫu nhỏ bé nhưng là hiện hữu.

Cô Nguyễn Minh Ngọc, giáo viên dạy văn của Trường THPT Đinh Thiện Lý đã từng gây sốt cộng đồng mạng khi viết thư gửi học trò với thông điệp về sự tử tế: “Con là một người bình thường, nhưng con là một người bình thường tử tế”.

Một bậc lão niên trong bộ phim tài liệu nổi tiếng Chuyện Tử tế của đạo diễn Trần Văn Thủy đã giải thích rằng: “Tử tế, hai chữ đó là từ gốc Hán. Chữ ‘tử’ có nghĩa việc nhỏ nhất, mà ‘tế’ là điều nhỏ nhất. Hai chữ “tử tế” cộng chung lại nó có nghĩa rằng là cẩn thận từ cái việc nhỏ nhất”.

Nghe qua thì thấy chẳng có chút gì liên quan, người ta còn cho rằng, từ gốc Hán sau thời gian dài mượn dùng đã bị hiểu sai đi, thành một từ tiếng Việt mới. Nhưng sau biết bao những định nghĩa về sự tử tế, cuối cùng, hóa ra chữ “tử tế” thật sự lại có mối liên hệ với những điều nhỏ nhất.

Bất kể là việc gì, chỉ cần làm cho đúng, cho chính từ những chi tiết nhỏ nhất, thì tự khắc chúng ta đã làm được việc tốt. Ở vào bất kỳ hoàn cảnh, địa vị, chức phận nào, ta chỉ cần làm cho đủ, cho tròn việc của mình từ những điều nhỏ nhất, thì cũng đã là làm được việc tốt.

Thế nên, những giáo viên tâm huyết của trường Đinh Thiện Lý đã hiện thực hóa sự tử tế từ những điều nhỏ bé nhất. Hiệu trưởng Hoàng Thị Diễm Trang cho biết: “Từ nhiều năm nay, các em học sinh của trường đã làm việc đó (cúi đầu cảm ơn tài xế), mặc dù không phải là tất cả các em đều làm được. Hành vi ứng xử này thuộc 1 trong 6 giá trị cốt lõi mà chúng tôi hằng ngày vẫn hướng các em thực hiện, đó là sự tôn trọng và biết ơn. Dù người đó là cô lao công, hay bác tài xế, chú bảo vệ… thì các em vẫn thể hiện sự tôn trọng. Khi họ làm điều gì cho mình dù nhỏ, thì phải bày tỏ lòng biết ơn”.

132 1 Nguoi Viet Khong Xau Xi Cai Cui Dau Danh Thuc Nganh Giao Duc Hay Bat Dau Tu Dieu Nho NhatNhững giáo viên tâm huyết của trường Đinh Thiện Lý đã hiện thực hóa sự tử tế từ những điều nhỏ bé nhất. (Ảnh: youtube.com)

Lễ là điều kiện cần có để làm người tốt

Chỉn chu, mọi hành động đều thể hiện ra việc biết nghĩ tới người khác chính là Lễ, cũng chính là thể hiện Thiện tính của con người, là điều kiện cần có để làm những việc tốt đẹp to lớn hơn. Vì thế, xưa trong Lễ Ký, thiên “Khúc lễ thượng” mới viết: “Đạo đức nhân nghĩa, không có Lễ không thành; dạy bảo sửa đổi phong tục, không có Lễ không đủ; xử việc phân tranh kiện tụng, không có Lễ không quyết được; vua tôi, trên dưới, cha con, anh em, không có Lễ không phân định được; học làm quan, thờ thầy, không có lễ không thân; xếp đặt vị thứ trong triều, cai trị quân lính, đi làm quan, thi hành pháp lệnh, không có Lễ sẽ không uy nghiêm; cầu khẩn, tế tự, cúng tế quỷ thần, không có Lễ không thành kính, không trang trọng. Bởi thế cho nên người quân tử dung mạo phải cung, trong bụng phải kính, giữ gìn pháp độ, thoái nhượng để làm sáng rõ Lễ”.

Vì sao muốn làm việc Nhân Nghĩa, việc lớn việc nhỏ gì cũng cần có Lễ. Bởi Lễ chính là bước đầu tiên để phân định con người và loài vật: Người mà không biết phân biệt Lễ Nghĩa là đạo của cầm thú” (Khổng Tử – 2007, Kinh lễ, Nxb. Văn học). Lễ là để ước thúc con người, đưa con người vào cái nếp đi đứng, nói cười, cho đến hành động, suy nghĩ đều phải biết khiêm nhường, hàm ơn.

Người Tràng An xưa vốn cư xử với nhau rất lễ độ, khiêm cung, trong cuốn Hà Nội thanh lịch, cụ Hoàng Đạo Thúy đã từng viết: “….Hành động cũng chú ý, đưa cái gì cho ai, thì dùng cả hai bàn tay, bưng lên mời khách hay đưa lên người mình tôn kính thì nâng cao cái khay. Ông đồ đi chơi về, cầm miếng trầu, cũng đặt vào đĩa, đưa cho bà đồ. Gặp người không ‘khúm núm’, mà cũng không ‘vênh váo’. Chỗ hàng chợ cũng giữ được ‘lễ độ’”.

Người có lễ độ, khiêm tốn luôn biết đặt mình ở dưới người khác, có thế mới hạn chế bớt cái ngông cuồng, điên đảo thị phi, mới luôn đủ tĩnh tại mà đánh giá mọi việc cho đúng, từ đó mới tích đủ trí huệ mà đối đãi cho hợp lý hợp tình. Thế thì việc lớn nhỏ nào cũng mới được giải quyết từ gốc rễ mà không lạm vào lợi ích của kẻ khác. Đó chẳng phải chính là làm được người tốt, mà cũng chính lại là người thông thái đó sao?

132 2 Nguoi Viet Khong Xau Xi Cai Cui Dau Danh Thuc Nganh Giao Duc Hay Bat Dau Tu Dieu Nho NhatLễ chính là biểu hiện của một người tốt. (Ảnh: pinterest.com)

Lễ là bức tường lửa đầu tiên ngăn cản con người khỏi những cám dỗ, dục vọng

Lễ nghĩa, lễ độ là để con người có một cái giới hạn, không vội vàng, hấp tấp, làm bất kể điều gì mình thích để thể hiện tất cả những cảm xúc, suy nghĩ, mong muốn của mình. Lễ chính là để người ta kiềm chế được việc thể hiện cái tôi chủ quan, tranh đấu, lố lăng, náo động cuồng nhiệt.

Lễ cũng chính là để tiết chế dục vọng con người. “Cái đại dục của người ta là ở việc ăn uống trai gái, bao giờ cũng có, cái đại ố của người ta là sự chết mất, nghèo khổ, bao giờ cũng có. Cho nên dục ố, là cái mối lớn của tâm vậy, người ta giấu kín cái tâm, không biểu hiện ra ngoài. Nếu muốn tóm lại làm một để biết cho cùng mà bỏ lễ thì lấy gì mà biết được” (Tứ Thư, Đoàn Trung Còn dịch, 2006).

Khi không vội vàng thể hiện ham muốn, không vội vàng phản ứng lại với những chiêu mời rất hấp dẫn của các thú vui, lợi ích, dục vọng; cái lòng dục của con người vì thế sẽ bị tiết chế mà vơi đi, mà đủ thời gian để bị đánh gục.

Ngồi ăn với người lớn thì để miếng ngon, đĩa đầy về phía người lớn, cái Lễ ấy ngoài thể hiện sự kính trọng còn là giảm bớt cái dục vọng phàm ăn tục uống của con người ta. Nhìn giới trẻ ngày nay, vì mỗi nhà đều sinh ít con nên đều được nuông chiều, từ chuyện ăn uống cho tới làm việc nhà, học hành, thi cử. Ngồi vào mâm cơm thì có món nào thích nhất sẽ gắp lấy gắp để, chẳng còn biết tới cái câu “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” là nghĩa ra làm sao.

Đi đằng trước mở cửa thì dừng lại một chút giữ cửa đợi người sau tiếp tay, ngoài việc thể hiện sự lịch sự, cũng chính là chậm lại một chút để nghĩ tới lợi ích của người khác.

Nói năng chậm rãi, rõ ràng, ngoài cái việc thể hiện được là một con người có hàm dưỡng, chiều sâu, thì cũng chính là dùng sự khoan thai khắc chế những lời nói thiếu suy nghĩ có thể tổn hại người khác, tổn hại bản thân.

Đi đứng thẳng thớm, tác phong đàng hoàng, thanh tao, quần áo chỉnh tề, cũng chính là để giảm bớt những suy nghĩ phóng khoáng quá mức, những hành động buông tuồng thiếu kiểm soát.

Cái Lễ ấy, chẳng phải là cái khung khô cứng giới hạn con người ta, mà chính là cái vòng phong tỏa đầu tiên giúp níu giữ đạo đức, phẩm hạnh con người. Thế nên các trường học mới có tấm bảng đề “Tiên học Lễ, hậu học Văn” để nhắc nhở nhiệm vụ của giáo dục, đầu tiên là phải dạy trẻ thành người tốt, người có Lễ nghĩa, khiêm cung. Nếu chỉ chú trọng đào tạo nên những công dân ưu tú, xuất sắc, giỏi giang cho lực lượng lao động chất lượng cao của xã hội, thì cũng chỉ là chăm cho cái Trí mà thiếu mất Lễ. Trí không đi kèm với Lễ thì sẽ rất dễ mà đi tới chỗ tự cao, tự đại, tranh đấu hơn thua, coi thường người khác, bất chấp lợi ích của người khác để đề cao bản thân, đạt được lợi ích của bản thân.

132 3 Nguoi Viet Khong Xau Xi Cai Cui Dau Danh Thuc Nganh Giao Duc Hay Bat Dau Tu Dieu Nho NhatDạy trẻ thành người tốt, người có Lễ nghĩa, khiêm cung mới là bước đầu tiên của giáo dục… (Ảnh: pinterest.com)

Hãy bắt đầu từ điều nhỏ nhất

Giáo dục Việt Nam, chẳng cần phải cải cách quá nhiều, tìm tòi phương pháp cao siêu, chỉ cần mỗi người làm thầy dừng lại mỗi khi đi qua tấm biến to treo trong ngôi trường của mình, ngẩng lên đọc và cố gắng đưa câu nói “Tiên học Lễ, hậu học Văn” vào hiện thực. Đó không chỉ là câu nhắc nhở cho học sinh, mà chính là cho cả giáo viên. Nếu người lớn không ưu tiên thực hiện những việc nhỏ để giáo dục trẻ nhỏ, thì làm sao bắt các em thực hành được câu nói đó. Lễ ở đâu ra để các em học, nếu không phải là từ thầy cô, cha mẹ.

Người giáo viên tâm huyết truyền cảm hứng về sự tử tế, cô Nguyễn Minh Ngọc vì thế mới tha thiết rằng:

“Thói quen ứng xử được hình thành hằng ngày. Để hình thành được thói quen tốt không hề dễ. Chúng ta vẫn cho rằng nói một lời xin lỗi sẽ rất xấu hổ, hoặc một lời cảm ơn là khách sáo, không cần thiết, cho nên nhiều người vẫn hay bỏ qua.

Trong gia đình, cha mẹ chính là tấm gương còn ở trường học sẽ là thầy cô giáo. Người lớn sống tử tế, biết tôn trọng người khác, biết nói lời cảm ơn, xin lỗi thì con trẻ cũng sẽ làm theo”.

Dù người ta vẫn tranh luận rằng Nhân tri sơ tính bản Thiện, hay tính bản ác, thì con đường đời bất kỳ người nào cũng phải là để khắc chế cái ác, khơi gợi và phát triển cái Thiện.

Bởi làm người tốt, làm người có Thiện tâm là đi theo chính đạo, là đồng hóa với những giá trị chân chính phổ quát nhất đã được nhân loại công nhận qua hàng nghìn năm tồn tại.

Muốn thế, trước tiên phải có Lễ. Bởi “Không học Lễ, không lấy gì để đứng vững được” – (Khổng Tử).

Nguồn:  dkn.tv


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày