Ở Việt Nam, trong ăn uống nhiều người thường dùng đũa của mình gắp thức ăn cho người khác hay dùng chung một chén nước mắm… Đó là thói quen có từ hàng trăm năm nay, nhưng theo các chuyên gia dinh dưỡng, thói quen ăn uống này chính là con đường để vi khuẩn helicobacter pylori (Hp) xâm nhập vào cơ thể nhanh nhất. Đây là một loại vi khuẩn sống trong dạ dày có thể gây viêm loét niêm mạc dạ dày – tá tràng dẫn tới ung thư.
Câu chuyện về sự lây lan vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp) ngẫu nhiên “miệng – miệng” do thói quen ăn uống “chung đụng” của người Việt đang gây chú ý cộng đồng. Nhiều người biết thói quen này là con đường lây nhiễm nhiều bệnh, nhưng rất khó để thay đổi được. “Bạn thử hình dung nếu bữa cơm gia đình chia mỗi người một bát nước mắm riêng thì sẽ ra sao?”, Facebooker Le Diep đặt câu hỏi.
Dù biết văn hóa ăn uống “chung đụng” của người Việt thể hiện được sự gắn kết chia ngọt sẻ bùi, nhưng nó cũng chứa đựng những nguy cơ làm mầm bệnh phát tán.
Là người từng bị nhiễm vi khuẩn Hp, Facebooker Nguyễn Hoàng nói: “Tôi rất sợ cách ăn uống chung chạ của người Việt. Tôi sợ những bữa ăn đại gia đình. Tôi không thích cách tỏ tình thân mến của người Việt khi ngồi cùng mâm cỗ, vì họ hay dùng đũa cá nhân tiếp thức ăn cho người khác để bày tỏ lòng hiếu khách. Có lần tôi nhắc khéo ông anh họ nên trở đầu đũa khi gắp thức ăn cho ai đó. Vậy mà tôi bị cả nhà mắc là ‘vô ý thức’ “.
Đồng quan điểm trên, Facebook Nguyễn Hậu bình luận: “Tôi nghĩ mọi người nên bỏ thói quen dùng chung một chén nước mắm, uống chung một ly rượu hay dùng đũa của mình gắp thức ăn cho người khác. Tôi đi ăn nhiều nơi, thấy một số người hay dùng đũa khua khoắng vào nồi lẩu, tô canh… rất mất vệ sinh”.
Chia sẻ về cách phòng ngừa và vệ sinh trong ăn uống, Facebooker Lê Hồng nói: “Gia đình tôi ăn cơm là mỗi người một khay riêng biệt, có nghĩa là nước chấm cũng riêng. Lúc đầu, mọi người đều hơi bỡ ngỡ nhưng sau thành quen. Cách ăn uống này, tôi thấy rất hay, vì vừa vệ sinh, vừa ăn hết định mức khẩu phần của từng người. Khách đến nhà, tôi cũng áp dụng vậy, chế độ theo định mức khẩu phần…, và từ từ khách cũng quen và đánh giá cao”.
Cả nhà bị lây bệnh vì chung chạ mâm cơm
Facebooker Hà My chia sẻ câu chuyện về gia đình chị khi có một người bị nhiễm vi khuẩn Hp nhưng không ai để tâm đến việc phòng ngừa. Hậu quả, cả nhà bị lây bệnh.
Chị kể: “Cách đây hai năm, em trai của tôi bỗng nhiên kêu buồn nôn và đau rát bỏng vùng bụng trên. Ban đầu, cả nhà đều nghĩ chắc đau bình thường nên chỉ xoa dầu. Ngày hôm sau, em vẫn kêu đau như thế, bố đã đưa đi khám. Bác sĩ thông báo: Em bị viêm loét niêm mạc dạ dày vì nhiễm vi khuẩn Hp. Tôi làm ở dưới thành phố, xin nghỉ vài hôm về nhà chăm, tâm sự với em thì mới biết em bị lây từ người yêu.
Tôi lên mạng tìm hiểu về loài vi khuẩn Hp, thấy nhiều người cũng bị mắc bệnh này. Họ đều khuyên cho người bệnh ăn riêng để tránh lây lan. Và tôi có đề xuất ý kiến này với gia đình làm phần ăn riêng cho em ấy và khuyên không nên ăn “chung đụng” sẽ rất dễ lây nhiễm.
Bố mẹ không nghe, còn chửi tôi té tát: “Em đang ốm không thương sao còn phân biệt đối xử với nó”. Tôi càng giải thích thì bố mẹ chửi càng nhiều hơn. Tôi đâu có suy nghĩ phân biệt đối xử gì, chỉ là làm vậy để giảm thiểu khả năng lây bệnh mà thôi.
Vài tháng sau, bố mẹ tôi đi khám sức khỏe tổng quát, kết quả đã bị nhiễm vi khuẩn Hp. Đến lúc này, bố mẹ mới chịu tìm hiểu thông tin từ bác sĩ và nhận ra rằng vi khuẩn Hp sống trong dạ dày, nó có thể gây viêm loét niêm mạc dạ dày – tá tràng, dẫn đến ung thư. Lúc này, bố mẹ mới biết sợ”.
Người Việt khó bỏ được thói quen ăn uống ‘chung đụng’
Nhiều người cho rằng để bỏ được thói quen ăn uống “chung đụng” ở Việt Nam là không thể. Vì nó dường như là một nét văn hóa đặc trưng đã ăn sâu vào mỗi người Việt.
Đặc điểm đó dễ nhận thấy nhất trong mâm cơm của người Việt là bát nước chấm. Người phương Tây quan niệm, mỗi người cần có một bát nước chấm riêng để sạch sẽ, vệ sinh. Người Việt ta lại cho rằng, mâm cơm thì phải có bát nước chấm chung mới thấy ngon miệng, mới thể hiện được sự sẻ chia của gia đình.
“Trong bữa cơm hàng ngày của gia đình người Việt, đặc biệt ở vùng thôn quê luôn có một chén nước mắm được đặt giữa mâm cơm. Nó như là biểu tượng cho sự chia sẻ ngọt bùi, gắn kết tình yêu thương. Bởi thế thói quen đó mới trở thành văn hóa, có sức sống lâu bền. Tất nhiên nếu nhìn, phân tích ở góc độ y học hiện đại thì có thể sẽ có nhiều thứ phải bàn. Nhưng các bạn cũng thử hình dung, nếu mỗi người một chén nước mắm để chấm riêng thì sẽ thế nào?”, Facebooker Trần Hiệp bình luận.
Còn Facebooker Lê Thắng viết: “Tôi hiểu, nếu thay đổi thói quen này được thì rất tốt, nhưng chỉ với những người khá giả, giàu có thôi. Nhà nghèo có 5, 7 người, không giám mua nước mắm ngon để ăn thì lấy đâu ra mà mỗi người chấm riêng một chén nước mắm?”.
“Còn chuyện vệ sinh sạch sẽ trong ăn uống ai cũng ý thức rõ, nhưng để thực hiện được là rất khó. Cụ thể, tôi về nhà bạn ở dưới miền Tây, họ uống rượu chung một ly xoay vòng thì mình cũng phải theo, không uống họ sẽ trách móc. Còn xin cái ly để uống riêng thì sợ họ nói mình chảnh”.
© 2024 | Thời báo ĐỨC