Câu chuyện số 1:
Hai người bạn bước vào nhà hàng dùng bữa tối. Đang lúc họ định gọi món thì người phục vụ nhắc khéo: "Thưa quý khách, nhà hàng chúng tôi chỉ phục vụ với mức thanh toán từ hai triệu đồng trở lên thôi ạ".
Nghe xong, một trong hai người liền nói: "Được, đưa tôi xem thực đơn!"
Một lát anh sau quay sang hỏi anh nhân viên phục vụ: "Thế ở đây một đĩa đậu phụ giá bao nhiêu?". "Dạ, 30 nghìn đồng, thưa quý khách".
-"Được, thế cho 70 đĩa đậu phụ ra đây".
Nhân viên phục vụ ghi xong liền đi mất. Một lúc sau, quản lý nhà hàng đi tới, cười xuề xòa nói với hai vị khách nọ: "Thưa quý khách, quý khách cứ thoải mái gọi món đi ạ. Bao nhiêu tiền cũng được, không có giới hạn tối thiểu, tối đa gì hết!"
Bài học rút ra:
Hãy thay đổi cuộc chơi cho phù hợp với khả năng của bạn, không nhất thiết phải giống cách mà mọi người vẫn chọn. Bạn không thể điều khiển hướng gió, chỉ có thể điều khiển cánh buồm. Bạn không cần phải thấy hết các bậc thang mà chỉ cần đi bước đầu tiên với một niềm tin.
Câu chuyện số 2
Anh chồng tan làm về nhà, nhìn thấy vợ đang đánh con trai, không ngó ngàng gì đến họ, đi thẳng vào nhà bếp, nhìn thấy nồi vằn thắn nghi ngút khói trên bàn, bèn múc một bát để ăn.
Ăn xong nhìn thấy vợ vẫn đang đánh con trai, không nhịn nổi nữa, nói: "Giáo dục con cái không thể lúc nào cũng dùng bạo lực được em ạ, phải giảng giải đạo lý cho nó hiểu!".
Chị vợ nói: "Em mất công nấu nồi vằn thắn ngon là thế, mà nó lại tè một bãi vào, anh nói xem có điên không chứ?".
Anh chồng nghe thấy thế, lập tức nói: "Bà xã, em nghỉ ngơi chút đi, để anh đánh nó!".
Bài học rút ra:
Người ngoài cuộc, đều có thể bình tĩnh; người trong cuộc, ai có thể thong dong, bình thản? Bởi vậy, đừng tùy tiện đánh giá bất cứ ai, bởi vì bạn không ở trong hoàn cảnh của họ…
Câu chuyện số 3
Một người thợ mộc chặt một thân cây, làm thành ba chiếc thùng.
Một thùng đựng phân, gọi là thùng phân, mọi người đều xa lánh;
Một thùng đựng nước, gọi là thùng nước, mọi người đều dùng;
Một thùng đựng rượu, gọi là thùng rượu, mọi người đều thưởng thức!
Thùng là như nhau, bởi vì đựng đồ khác nhau mà vận mệnh khác nhau.
Bài học rút ra: Cuộc đời là như vậy, có quan niệm thế nào sẽ có cuộc đời như thế, có suy nghĩ thế nào sẽ có cuộc sống như thế!
Câu chuyện số 4
Anh chồng nọ mua một con cá về nhà bảo chị vợ nấu, sau đó chạy đi xem phim, chị vợ cũng muốn đi cùng. Anh chồng nói: "Hai người đi xem lãng phí lắm, em cứ nấu cá đi, đợi anh xem xong quay về, vừa ăn vừa kể cho em nghe tình tiết của bộ phim".
Đợi anh chồng xem phim trở về nhà, không nhìn thấy cá đâu, bèn hỏi chị vợ: "Cá đâu rồi em?".
Chị vợ kéo ghế, ngồi xuống, cất giọng bình tĩnh: "Em ăn hết cá rồi, nào, lại đây, ngồi xuống em kể cho anh nghe mùi vị của cá".
Bài học rút ra:
Làm người nên như vậy, bạn đối xử với tôi như thế nào, tôi sẽ đối xử lại với bạn như thế.
Câu chuyện số 5
Đường Tăng trên đường đi lấy kinh mới gặp được Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng, Bạch Long Mã. Vì vậy muốn có bạn đồng hành, trước tiên bạn phải lên đường!
Không phải là có bạn đồng hành rồi mới lên đường mà là trên đường đi mới có bạn đồng hành. Nhưng tiếc rằng nhiều người không có suy nghĩ này.
Câu chuyện số 6
Năm thi đại học, tôi chỉ được 6 điểm, còn con trai của bạn mẹ tôi được 20 điểm, cậu ta đến học tại trường đại học trọng điểm, còn tôi chỉ có thể đi làm thuê.
Chín năm sau, mẹ của cậu ta chạy đến khoe khoang với tôi và mẹ tôi rằng con trai bà ta đang đi phỏng vấn vào chức giám đốc lương tháng vài chục triệu… Còn tôi, lại đang nghĩ: Có nên tuyển dụng cậu ta không?
Bài học rút ra:
Bạn, có thể không học đại học, nhưng bạn, tuyệt đối không thể không phấn đấu.
Câu chuyện số 7
Một công nhân nọ oán thán với bạn của mình rằng: "Việc là chúng ta làm, người được biểu dương lại là tổ trưởng, thành quả cuối cùng lại biến thành của giám đốc, thật không công bằng".
Anh bạn mỉm cười nói rằng: "Nhìn đồng hồ của cậu xem, có phải là cậu sẽ nhìn kim giờ đầu tiên, sau đó đến kim phút, còn kim giây chuyển động nhiều nhất cậu lại chẳng thèm ngó ngàng không?".
Bài học rút ra:
Trong cuộc sống thường ngày, cảm thấy không công bằng thì phải nỗ lực làm người đi đầu, oán trách chỉ vô dụng.
Câu chuyện số 8
Thượng đế muốn thay đổi vận mệnh của một kẻ ăn xin, bèn biến thành một lão già đến làm phép cho anh ta.
Thượng đế hỏi kẻ ăn xin: "Nếu ta cho cậu mười triệu, cậu sẽ dùng nó như thế nào?".
Kẻ ăn xin đáp: "Vậy thì tốt quá, tôi có thể mua một chiếc điện thoại!".
Thượng đế không hiểu, hỏi: "Tại sao lại muốn mua điện thoại?".
Kẻ ăn xin đáp: "Tôi có thể dùng điện thoại để liên lạc với các khu vực trong cùng một thành phố, nơi nào đông người, tôi có thể tới đó ăn xin".
Thượng đế rất thất vọng, lại hỏi: "Nếu ta cho cậu một trăm triệu thì sao?".
Kẻ ăn xin nói: "Vậy thì tôi có thể mua một chiếc xe. Sau này, tôi ra ngoài ăn xin sẽ thuận tiện hơn, nơi xa đến mấy cũng có thể đến được".
Thượng đế cảm thấy rất bi thương, lần này, ngài nói: "Nếu ta cho cậu một trăm tỷ thì sao?".
Kẻ ăn xin nghe xong, hai mắt phát sáng: "Tốt quá, tôi có thể mua tất cả những khu vực phồn hoa nhất trong thành phố này".
Thượng đế lấy làm vui mừng.
Lúc này, kẻ ăn xin bổ sung một câu: "Tới lúc đó, tôi có thể đuổi hết những tên ăn mày khác ở lãnh địa của tôi đi, không để họ cướp miếng cơm của tôi nữa".
Thượng đế nghe xong, lẳng lặng bỏ đi.
Bài học rút ra:
Trên đời này, không phải là thiếu cơ hội, cũng không phải là vận mệnh trước giờ không công bằng, mà là thiếu đi cách thức tư duy đúng đắn. Tư duy của một người quyết định cuộc đời của người đó. Thay đổi cuộc đời bắt nguồn từ việc thay đổi tư duy.
Câu chuyện số 9
Anh chàng nọ: Ông chủ, tắm ở đây mất bao nhiêu tiền?
Ông chủ: Nhà tắm nam 40 nghìn, nhà tắm nữ 400 nghìn.
Anh chàng nọ: Ông ăn cướp đấy à…
Ông chủ: Cậu muốn đến nhà tắm nam hay nhà tắm nữ?
Anh chàng nọ: Quyết đoán đưa ra 400 nghìn.
Bước vào nhà tắm nữ liếc mắt nhìn, toàn là nam.
Anh em trong nhà tắm: Lại một thằng nữa tới!
Bài học rút ra:
Kinh doanh trước giờ không phải dựa vào giá cả thấp, mấu chốt là dựa theo nhu cầu của khách hàng.
Câu chuyện số 10
Một người cha nói với con của mình rằng: "Hãy nắm chặt bàn tay của con lại, nói cho cha biết con có cảm giác gì?".
Người con nắm chặt tay: "Hơi mệt ạ".
Người cha: "Con thử nắm chặt hơn nữa xem!".
Người con: "Càng mệt hơn ạ!".
Người cha: "Vậy con hãy buông tay ra!".
Người con thở phào một hơi: "Thoải mái hơn nhiều rồi ạ!".
Người cha: "Khi con cảm thấy mệt, nắm càng chặt sẽ càng mệt, buông nó ra, sẽ thoải mái hơn nhiều!".
Bài học rút ra:
Buông tay mới nhẹ nhõm.
Ngọc Tú (tổng hợp)
Theo Trí Thức Trẻ
© 2024 | Thời báo ĐỨC