Không có chuyện gì để nói sao? Hai người ở bên nhau nhưng lại không có gì để nói thì quả là điều đáng sợ, có lẽ chỉ những ai đã từng trải qua mới có thể thấu hiểu điều này.
Khi vợ chồng không sống vì tình yêu, mà là vì con cái
Một số đồng nghiệp tâm sự với tôi rằng giữa họ và nửa còn lại chỉ là mối quan hệ “bạn cùng nhà”. Ngoài đó ra không có gì khác biệt, họ không có gì muốn nói, có chăng nói chuyện chỉ là về con cái; ngoài ra họ không có điểm chung, ngay cả sở thích, phương thức sống,… đều khác nhau. Cuộc sống của họ gần như duy trì chỉ vì con cái.
Nhiều người vì sợ phải đối diện với nửa kia của mình, nên sau giờ tan ca họ không về nhà mà tụ tập bạn bè la cà quán xá, uống rượu giải sầu để qua thời gian. Họ lấy cớ là bận công việc, nhưng thực chất là trốn tránh cuộc sống gia đình. Hàng ngày chúng ta vẫn thường bắt gặp những bạn trẻ đi bên nhau như đôi vợ chồng son, nhưng thực chất lại chỉ là bạn bè. Họ lấy lý do rằng, “vì cô ấy đang bận chăm con”, hoặc “đi cùng anh ấy chẳng có gì thú vị” – đây thực chất chỉ là một cái cớ.
Đối với vấn đề này tôi có cảm nhận rất sâu sắc, bởi bản thân từng chứng kiến quá nhiều bài học đắt giá xung quanh mình. Nhiều người chỉ vì muốn tìm kiếm sự vui vẻ thoải mái cho bản thân mà bỏ mặc nửa kia của mình. Đứng từ góc độ nào đó mà nhìn, thì: “Hôn nhân như thế này có ý nghĩa gì đây? Thà rằng không có còn hơn!”.
Nhắc đến quan hệ vợ chồng, không ít câu chuyện gia đình đều đề cập đến một yếu tố: Hãy vì con cái mà cố gắng duy trì quan hệ, chứ không phải chỉ vì bản thân mà duy trì nó. Nếu tình cảm vợ chồng không còn như xưa, sống chỉ vì con cái, rồi vì đó mà cuộc sống trở nên ngột ngạt bế tắc, thì cũng đến ngày con cái sẽ cảm thấy tổn thương. Và cho dù cuộc sống có ổn định, hai vợ chồng vẫn ở bên nhau, nhưng khi con cái lớn lên, chúng không cần bố mẹ chăm sóc nữa, lúc này vợ chồng phải sống với nhau thế nào đây?
Cho nên, không nên lấy con cái làm cái cớ để gắng gượng sống cùng nhau. Mặc dù nguyên nhân là vì nửa kia khó hòa hợp, vì nửa kia không chung tình, nhưng lý do lớn nhất chính là không duy trì được mối quan hệ giữa vợ và chồng.
Hãy sống vì nhau, vì chính bạn đời của mình chứ không phải vì con vì cái hay vì một lý do nào khác. Ảnh dẫn theo hsbc.com.sg
Khi vợ chồng không quan tâm nhau
Nếu một trong hai người buông xuôi, không gần gũi, cũng không còn quan tâm đối phương thì cho dù đang ở cùng nhau nhưng trái tim vẫn ngày càng xa cách. Vậy làm sao để duy trì mối quan hệ lâu dài? Làm sao để tình cảm vợ chồng không thay đổi?
Cô bạn thời đại học của tôi mới ly hôn vì chồng ngoại tình, trong lòng cô luôn chất đầy oán trách đối với người chồng cũ. Tôi hỏi cô: “Bạn còn yêu anh ấy không?”, cô ấy ngẩn người nhìn tôi một hồi lâu mà không nói lời nào. Sau đó cô ấy tâm sự rằng, kỳ thực hai người đã không còn tình cảm nhiều năm rồi, nhưng dù vậy cô cũng không thể chấp nhận khi anh ấy giấu giếm vợ con mà đi hẹn hò với người con gái khác. Cô ấy nói, trong lòng cô không cam tâm vì bản thân đã mất bao năm tháng tuổi xuân chứ không hẳn là vì mất đi tình yêu của anh ấy.
Thường thì trước khi xảy ra biến cố, hai người đã không còn là “bạn tâm giao” nữa rồi. Trên thực tế, trước lúc tình cảm vợ chồng phát sinh xung đột thì họ sớm đã không còn quan tâm tới nửa kia. Nếu vợ hoặc chồng trở nên vô tâm lạnh nhạt, thì họ sẽ từng chút từng chút một mà xa mặt cách lòng, và rồi cũng đến một lúc nào đó họ chỉ muốn rời xa nhau.
Không chỉ riêng chuyện vợ chồng mà cả những mối quan hệ khác cũng vậy. Đôi khi tính tình và cách thức sống khác nhau khiến hai người khó hòa hợp, nhưng họ vẫn tiếp tục ở cùng nhau để rồi không ngừng oán giận đối phương. Nhưng dù có oán trách nhường nào thì họ cũng chẳng thể thay đổi được điều gì ngoại trừ chính bản thân mình. Khi oán trách người khác, người bị oán trách còn chưa thấy mệt mỏi thì ngược lại, bản thân người đi oán trách lại là người mệt mỏi nhiều hơn.
Để vợ chồng thêm gắn bó, hãy mở lòng chia sẻ buồn vui
Đương nhiên, cuộc sống không bi quan như thế, bởi xung quanh ta vẫn còn rất nhiều điều tốt đẹp. Đâu đó vẫn có những gia đình hạnh phúc, những cặp vợ chồng đồng cam cộng khổ mà trăm năm vẫn đẹp như thủa ban đầu. Những cặp vợ chồng ấy, họ từ sở thích cho đến cách nhìn đều dung hoà với nhau, vì cùng hướng về một mục tiêu phía trước nên hàng ngày họ đều có điều chia sẻ cùng nhau. Cuộc sống như vậy sẽ luôn vui tươi, ấm áp.
Vậy bí quyết của họ là gì? Tất cả đều có chung một điểm, đó là chia sẻ. Họ cùng nhau chia sẻ mọi suy nghĩ trong lòng, làm những điều mình thích, hưởng thụ điều họ cho là thú vị và cùng nhau vượt qua thăng trầm của cuộc sống. Cũng nhờ chia sẻ thường xuyên mà họ gắn bó bên nhau, sự thấu hiểu giữa hai người cũng không ngừng thăng hoa và tình cảm nhờ đó mà thêm gắn kết. Thậm chí một số người đến khi về già vẫn cư xử với nhau như vợ chồng son khiến ai nấy đều ngưỡng mộ. Bí quyết của họ chính là: Họ sống vì nhau, vì chính bạn đời của mình chứ không phải vì con vì cái hay vì một lý do nào khác. Do đó, họ dùng tấm chân tình của mình để duy trì sự lãng mạn qua tháng năm.
Tôi từng gặp một gia đình nọ, vào mỗi dịp kỉ niệm ngày cưới là họ lại du lịch tới một nơi chỉ có hai người. Họ cùng khám phá cuộc sống, cùng nắm tay nhau đi dạo dưới bóng hoàng hôn hay cùng nhau hưởng thụ bữa tối dưới ánh nến lung linh. Họ có rất nhiều điều để nói – không chỉ là chuyện gia đình, chuyện cuộc sống, mà là chuyện trên trời dưới đất, chuyện núi đông biển bắc, chuyện gì cũng có thể nói được với nhau. Dù bất kỳ đâu, trong hoàn cảnh nào ánh mắt họ cũng toát lên một tình yêu ấm áp.
Vợ chồng có thể chia sẻ với nhau là niềm hạnh phúc mà không phải ai cũng có được. Bạn có thể cảm nhận lời đối phương muốn nói, bạn muốn nghe người bạn đời mình tâm sự hay khi bạn muốn chia sẻ cho người bạn đời của mình mọi thứ, thậm chí là những chuyện nhỏ nhoi hàng ngày. Đây chính là điều quan trọng nhất, cũng là yếu tố then chốt để tạo nên một cặp đôi hạnh phúc.
Để tình cảm bền lâu, hãy chân thành
Chúng ta thử nghĩ xem, để tìm được một người bạn tâm giao trong đời đâu phải việc dễ dàng?
Trong các mối quan hệ, chúng ta thường chỉ nhìn thấy bề ngoài, như nghề nghiệp, địa vị, v.v., mà không nhất định hiểu được tâm tư của họ. Vậy làm thế nào để biết người ấy có hiểu mình hay không, và liệu mình có thực sự hiểu người ấy hay không? Vấn đề này không thể dựa vào biểu hiện bên ngoài mà phải dùng con tim để thấu hiểu.
Nếu như vì để có được tình yêu mà biến mình thành một hình mẫu nào đó thì họ không chỉ đang lừa dối đối phương mà còn không thật lòng với chính bản thân mình. Việc che giấu con người thực của mình cũng đồng nghĩa với việc bạn đã không thật lòng, vậy thử hỏi làm sao có thể trở thành một người bạn tâm giao chân thành?
Để tình cảm bền lâu, hãy dành cho nhau những điều chân thành nhất. Ảnh dẫn theo en.wikipedia.org
Ngược lại, nếu như bạn không thể chấp nhận khuyết điểm của họ, thậm chí còn che đậy khuyết điểm của mình, như thế làm sao có thể trở thành người bạn đời cho họ nương tựa? Tình cảm dối lòng vĩnh viễn không thể làm nên sự gắn kết.
Nếu bạn đang cố gắng làm cho đối phương những gì họ thích, thậm chí là chịu ấm ức về mình, thì có lẽ bạn đang biến tình yêu của hai người thành một mối quan hệ bất bình đẳng. Nhưng để xây dựng mối quan hệ tâm giao, tìm cho mình một người tâm đầu ý hợp thì điều trước tiên chính là công bằng cho cả hai bên. Không những vậy, để làm nên một người bạn tâm giao thì còn cần hơn nữa sự thẳng thắn và bao dung. Bạn hãy chia sẻ mọi tâm tư của mình và hãy để đối phương tin tưởng thể hiện khuyết điểm trước mặt bạn mà không phải e dè…
Có thể làm được những điều này thì tình cảm mới có thể thăng hoa, hạnh phúc mới có thể lâu dài.
Khi hai người có thể bao dung cho nhau, tin tưởng và thấu hiểu nhau thì tình cảm mới có sự bền vững. Một mối quan hệ “không có gì để nói” thực sự là một mối nguy hiểm tiềm ẩn. Một mối quan hệ mà hai người chuyện gì cũng có thể chia sẻ với nhau mới là nền tảng của hạnh phúc, là bí mật giúp tình cảm thăng hoa.
Nguồn: Dkn.tv
© 2024 | Thời báo ĐỨC