Nghiện Facebook

Cô bạn tôi than vợ chồng bây giờ lên giường với điện thoại thay vì nằm cạnh nhau để tâm sự. Cuộc sống tình dục cũng từ đó mà giảm dần. Và cô cảm giác như điện thoại là căn nguyên của tính cáu bẳn.

 

 

Đó là một trong những tâm sự mà tôi nhận được khi tổ chức thực nghiệm “72 giờ không Facebook” tại Đại học KHXH&NV Hà Nội mới đây.

Tôi nhận được nhiều cuộc điện thoại khi họ nhìn thấy thông tin kêu gọi tình nguyện viên tham gia dự án này. Họ cho tôi vô vàn lý do họ muốn tham gia. Tôi thấy tất cả những lý do tác động tới tâm lý mà chúng ta đều nhìn thấy trong môi trường sống xung quanh như:

vô thức 10 phút lại kiểm tra điện thoại và Facebook một lần, hay phản xạ cứ mở điện thoại ra là ấn vào biểu tượng Facebook đầu tiên, tâm trạng bất an phải post gì tiếp theo trên Facebook kéo dài cả ngày, bứt rứt khó chịu và suy nghĩ nhiều về những gì bạn bè viết trên Facebook.

Trong vô vàn lý do khác, có người trình bày do bạn bè, công việc và cả thế giới của họ đều trên mạng và họ muốn ba ngày thực nghiệm như một kỳ nghỉ.

Một cựu sinh viên viết mail: em ăn, ngủ cùng Internet liên tục trong mấy năm vừa qua. Em dùng Facebook như phản xạ không điều kiện. Lúc nào có thời gian là em đều vào.

Năm 2016, theo WeAreSocial, người Việt Nam trung bình dành khoảng 5 giờ trên Internet. Việt Nam hiện có hơn 35 triệu tài khoản Facebook – khoảng 1/3 dân số.

Ngoài những tiện ích của mạng xã hội, thì sự lệ thuộc và những tác động của công nghệ cũng ảnh hưởng rất nhiều tới mối quan hệ và tương tác của chúng ta trong thế giới thật. Nhiều bạn trẻ cảm thấy lo lắng, bứt rứt không yên nếu điện thoại hết pin hoặc mất Internet. Họ sợ bị bỏ lỡ điều gì và mất kết nối trong thế giới ảo kia. Sự lệ thuộc và đầu tư vào thế giới ảo đang xâm chiếm cuộc sống và mối bận tâm của những công dân số.

Đưa điện thoại cho trẻ cũng giống đưa cho chúng một gram cocaine” – mới đây, bác sĩ Mandy Saligari ở London viết trong một nghiên cứu của mình.

Sử dụng điện thoại hay iPad nhiều tác động tới nhân cách, tinh thần, tâm lý và khả năng giao tiếp xã hội của trẻ. Ngoài ra, rất nhiều các thiết bị truy cập Internet của người lớn không để chế độ chặn độ tuổi dưới 16, nên rất khó kiểm soát những nội dung trẻ vô tình xem.

 

Nghiện Facebook - 0

Trong cuốn Thế hệ Tôi (Generation Me, thế hệ 8X – 9X), tác giả Jean Twenge cho rằng “Thế hệ Tôi” thích giá trị bên ngoài (tiền bạc, hình ảnh và danh tiếng) hơn những giá trị nội tại. Họ đầu tư cho nhận diện số và thể hiện nhiều hơn trên mạng xã hội.

Những mầm bệnh “ái kỷ” dễ phát ra khi có thêm chiếc camera selfie, và sân chơi để thể hiện như mạng xã hội.

Những thuật toán của Facebook dựa trên nguyên lý “công nghệ thuyết phục”. Họ thay đổi liên tục để thu hút người dùng và khiến họ không bị nhàm chán, ngày càng cuốn vào và lệ thuộc nó. Cách đây vài ngày, một hoa khôi 16 tuổi của Ukraine đã tử nạn vì livestream cùng bạn khi đang lái xe.

Internet cũng cho người dùng phép màu ẩn danh để thể hiện phần xấu xí trong con người dễ dàng ở thế giới ảo.

Nhưng những gì xảy ra ở thế giới ảo đều tác động trực tiếp tới cảm xúc thực tại của người tiếp nhận nó.

Tôi may mắn là thế hệ sinh ra vẫn còn biết cảm giác khi không có Internet. Tôi còn nhớ thời vẫn phải viết thư tay qua bưu điện thay vì email, thời đi dự sinh nhật từng bạn trong lớp đại học thay vì một lời chúc trên Facebook. Ký ức còn khắc sâu ngày hè được nghe bà kể chuyện quá khứ, bố mẹ đọc thơ Trần Đăng Khoa. Không có sự hiện diện của điện thoại thông minh, cũng không có sự sao lãng của những người xung quanh.

Công nghệ chỉ mang lại sự tiện lợi.

Chúng ta có thể tận dụng công nghệ, nhưng không nên để các mối quan hệ của chúng ta đột biến, mờ cảm xúc và mất tương tác thật theo công nghệ. Có thể nhiều người hiểu được điều đó. Nhưng ngày càng nhiều người đang để công nghệ tấn công huỷ hoại cuộc sống thật, hay những khoảnh khắc chạm, sờ tương tác thật và rất người của họ.

Không có một thực tại nào khác ngoài thực tại bạn đang sống. Nhưng hơn 40% số người tham gia trong dự án thực nghiệm của chúng tôi, đã không thể từ bỏ được Facebook sau sáu tiếng đồng hồ đầu tiên.

Nếu có thể, tôi rất muốn những người đọc được bài viết này, cùng tham gia thực nghiệm “72 giờ không Facebook” và tự giám sát bản thân mình. Bao nhiêu người có thể trụ được tới thứ hai tuần sau?

Theo: Phạm Hải Chung (Nhà giáo) - VNEXPRESS.NET


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày