Đấu tranh, ủng hộ cô giáo Dung chính là chúng ta đang đấu tranh, bảo vệ chính mình trước một nền tư pháp nham nhở, rất không đáng tin cậy ở Nghệ An.
Chúng ta không phải luật sư, kiểm sát viên hay người trong cuộc để thấu hiểu tường tận vụ án nhưng trong bối cảnh chung khi đạo đức cán bộ thấp kém, tham nhũng tràn lan, đủ mọi cấp độ thì ai cũng có thể nhìn thấy ngay phiên toà sơ thẩm xử cô giáo Lê Thị Dung 5 năm tù với sai phạm (nếu sai) 40 triệu đồng là một phiên toà lạm dụng chức vụ, lạm dụng luật pháp để trả thù cá nhân.
Nhất là sau một loạt sự việc cô Dung lên truyền thông tố cáo sự sai trái của lãnh đạo.
Một vụ án quá đơn giản về tình tiết, vậy mà thời gian tạm giam đã hơn một năm. Điều ấy nói lên cái gì?
Tóm lại phiên toà sơ thẩm ấy có thể xứng đáng với chữ LƯU MANH. Những kẻ cố tình dùng luật pháp để làm việc sai trái đáng nhẽ phải được trừng trị.
Tòa Nghệ An không cho người dân vào dự phiên xử cô giáo Lê Thị Dung
Luật pháp không trừng trị thì người đời sẽ ghi dấu và phỉ nhổ. Đời còn dài, chưa biết “mèo nào cắn mỉu nào”.
Có ai ngờ những kẻ từng thét ra lửa như những bộ trưởng, chủ tịch thành phố có ngày phải bóc lịch, đếm kiến, chơi với chuột, tâm sự với thạch sùng, khóc với gián… từ ngày này sang tháng khác không?
Cho nên, sống ở đời, chưa nói tới luật pháp cao siêu, hãy lấy chữ TỬ TẾ làm trọng.
Với áp lực báo chí, mạng xã hội, với đấu tranh quyết liệt của các luật sư, phiên toà phúc thẩm đã hạ bản án từ 5 năm xuống thành 15 tháng tù. Như vậy cô Dung sẽ tự do trong vài ngày nữa.
Câu chuyện chưa kết thúc ở đây. Với bản tính quyết liệt, cô Dung sẽ tiếp tục tranh đấu để khẳng định mình vô tội.
Chúng ta không phải là chuyên gia pháp lý, không thể hiểu hết mọi việc nhưng chúng ta có quyền nói lên lòng tin của mình đang ở đâu.
Tôi tin rằng phiên toà phúc thẩm vừa diễn ra là một phiên toà RÁCH NÁT. Muốn xoa xuýt dư luận, hạ nhiệt bức xúc nhưng không đủ dũng cảm và phục thiện để tuyên bố vô tội.
Làm thế thì phải đền tiền cho những năm tháng người vô tội đã phải ngồi tù oan. Đành vá víu tạm bợ.
Đấu tranh, ủng hộ cô giáo Dung chính là chúng ta đang đấu tranh, bảo vệ chính mình trước một nền tư pháp nham nhở, rất không đáng tin cậy ở Nghệ An.
À, các bạn viết tắt Đ.M.T! nghĩa là gì vậy?
Nhà văn Đoàn Bảo Châu
© 2024 | Thời báo ĐỨC