Nam Định: Mẹ già bật khóc đón con liệt sĩ 'trở về' từ Trường Sa

Hơn 10 năm sau khi con trai hy sinh tại quần đảo Trường Sa, người mẹ già bật khóc trong ngày đón con “trở về”...

 

132 1 Nam Dinh Me Gia Bat Khoc Don Con Liet Si Tro Ve Tu Truong Sa

Lễ đón nhận hài cốt Liệt sỹ Hoàng Văn Nghĩa. Ảnh: Báo Tài nguyên-Môi trường.

Dịp kỷ niệm ngày Thương binh-Liệt sỹ năm 2020 này, tâm nguyện của thân nhân, xóm làng, đơn vị của Liệt sỹ Hoàng Văn Nghĩa đã thỏa nguyện khi hoàn thành việc đưa được hài cốt của Liệt sỹ từ quần đảo Trường Sa về với đất liền, về với quê hương Nam Định...

Liệt sỹ Hoàng Văn Nghĩa sinh năm 1986 tại xã Nam Toàn, Nam Trực (Nam Định).

Năm 2008, Hoàng Văn Nghĩa ra nhận công tác tại quần đảo Trường Sa không phải trong vai trò một quân nhân mà là một sinh viên vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Tài nguyên Môi trường Hà Nội chỉ mới một ngày.

Tại Trường Sa, Hoàng Văn Nghĩa nhận nhiệm vụ làm quan trắc viên tại Trạm khí tượng hải văn trên đảo Trường Sa lớn.

Theo đại diện Tổng cục Khí tượng thuỷ văn, trạm Khí tượng hải văn Trường Sa là một trong những trạm tiền tiêu đón gió bão đầu tiên trước khi vào đất liền nước ta; là trạm hạng I với 8 hạng mục đo, quan trắc, gồm mực nước biển, thuỷ triều, sóng biển, nhiệt độ nước biển, độ mặn nước biển, trạng thái mặt biển, hiện tượng quang học biển, các hiện tượng khí tượng hải văn nguy hiểm khác, có vai trò rất quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai.

132 2 Nam Dinh Me Gia Bat Khoc Don Con Liet Si Tro Ve Tu Truong Sa

Bà Nguyễn Thị Mão bật khóc trong giờ phút con trai “trở về”. Ảnh: Báo Tài nguyên-Môi trường.

"Gọi điện về cho tôi, Nghĩa nó cũng hay kể về công việc, bảo vất vả lắm nhưng tuổi trẻ thì phải xông pha, cống hiến”, bà Nguyễn Thị Mão, mẹ Liệt sỹ Hoàng Văn Nghĩa kể.

Ngày 21/3/2010, khi đang làm nhiệm vụ ở nơi “đầu sóng ngọn gió” nguy hiểm này, Hoàng Văn Nghĩa đã hy sinh.

“Nghĩa mất hôm trước, hôm sau tôi mới nhận được tin, lúc gần trưa, khi đang ở ngoài đồng. Nghe xong thì ngất luôn, vì không thể ngờ...”, vẫn lời bà Mão.

Công tác ở nơi có vị trí đặc biệt về quốc phòng, an ninh, lại hy sinh trong lúc đang làm nhiệm vụ nên Tổng cục Khí tượng-Thủy văn (Bộ Tài nguyên-Môi trường) đã làm thủ tục, đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận Hoàng Văn Nghĩa là Liệt sĩ. Ngày 27/10/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký bằng Tổ quốc ghi công đối với Liệt sĩ Hoàng Văn Nghĩa.

Kể từ khi Hoàng Văn Nghĩa hy sinh, thân nhân, xóm làng, đơn vị của Liệt sỹ luôn mong mỏi đưa được hài cốt của Liệt sỹ về an táng tại quê nhà nhưng chưa đủ điều kiện...

Theo ông Lê Hồng Phong, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng-Thủy văn, mấy năm trước, khi về thăm gia đình Liệt sỹ, biết bố Liệt sỹ mất đã lâu, mẹ Liệt sỹ cũng đã già, đồng nghiệp của Liệt sỹ càng mong muốn sớm đưa được hài cốt Liệt sỹ về quê.

Mới đây, tâm nguyện trên đã thành hiện thực. Được sự giúp đỡ của Bộ Tư lệnh Hải quân, hài cốt Liệt sỹ Hoàng Văn Nghĩa đã được cất bốc, được tàu Hải quân đưa về Quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa).

Đến ngày 18/7, sau gần 11 năm hy sinh, nằm lại Trường Sa, hài cốt Liệt sĩ Hoàng Văn Nghĩa đã được đưa về, an táng tại Nghĩa trang Liệt sỹ xã Nam Toàn, trong niềm xúc động, tiếc thương của thân nhân, xóm làng, quê hương...

Khi xe chở hài cốt con trai về tới đầu làng, bà Mão òa khóc!

 

Duy Hưng

Nguồn: daidoanket.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày