Duy rong ruổi các nẻo đường TP.HCM để giao hàng - Ảnh: AN VI
Các tháng hè được sinh viên mong ngóng để tận hưởng kỳ đoàn viên gia đình, song cũng có nhiều bạn xem đây là cột mốc bắt đầu hành trình đi làm thêm để có thu nhập và trải nghiệm cần thiết cho khi ra trường.
Mẹ luôn dặn mình ăn uống no bụng rồi hãy đi làm, nhưng nhiều khi hết tiền, vừa ăn mì gói xong nhưng vẫn phải dối mẹ là ăn cơm gà, cơm sườn.Đinh Thị Phương Thảo
Đội mưa, vượt biển nước kiếm tiền
Mưa tháng 7 làm dịu đi không khí hầm hập ở TP.HCM nhưng như trở nên nặng hạt với nhiều sinh viên đang rong ruổi khắp nẻo đường giao từng gói hàng.
Dậy từ 5h30 sáng, Nguyễn Phúc Huỳnh Duy (sinh viên năm 3 Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nhanh chóng vệ sinh cá nhân và thay bộ đồng phục của đơn vị giao hàng bắt đầu ngày mới. Bất kể nắng mưa, bạn luôn tranh thủ đi sớm để kịp giờ giao đồ ăn sáng cho nhân viên văn phòng ở các quận trung tâm.
Xong đợt sáng, thông thường Duy sẽ "cắm" lại quận 1 để chờ nhận đơn trong khung giờ vàng (9h - 11h). "Nhiều khi đơn nổ liên tục, mình không kịp ăn sáng mà chỉ mua ly cà phê uống vội cầm cự tới trưa. Vì nếu bỏ lỡ đợt cao điểm thì chiều khó bù lại được", cậu vui vẻ nói.
Cứ thế, chàng sinh viên quê Vĩnh Long cùng người bạn đồng hành là chiếc Dream cũ rong ruổi khắp các nẻo đường Sài Gòn. Chiếc xe là món quà mà gia đình gửi bằng xe đò lên cho Duy hồi năm nhất để làm phương tiện đi học, giờ nó cũng trở thành cần câu cơm của bạn.
Chiếc Dream có tuổi đời đâu đó hơn hai chục năm, bởi thế không ít lần Duy trễ đơn của khách. Xem trên mạng đã nhiều trường hợp bị "bom hàng", vì thế trước khi nhận đơn, bạn luôn chú ý hỏi thông tin khách thật kỹ và nếu có giao chậm hơn dự kiến thì luôn chủ động gọi lại để năn nỉ khách.
Dạo này thành phố mưa nhiều, trong công việc Duy cũng gặp không ít khó khăn. Nhất là khi giao hàng ở những tuyến đường ngập, chiếc xe cũ kỹ hay giở chứng.
"Mấy ngày trước, mình vừa giao trà sữa cho khách trên đường Tô Ngọc Vân (TP Thủ Đức) ra thì mưa to khiến đường ngập làm xe chết máy. Đội mưa dắt xe gần 1km mới tìm thấy tiệm để sửa", cậu than thở.
Khi nhận được câu hỏi đã bao giờ bị "bom hàng" chưa, Duy cười lớn: "Trời! Cái đó hầu như tháng nào mình cũng bị. Nhưng bị riết rồi có kinh nghiệm, nghe giọng là mình biết khách nào muốn mua thật khách nào vẫn còn chần chừ".
Ở quê, mẹ của Duy làm công nhân may lương ba cọc ba đồng, còn cha thì bấp bênh với công việc chạy xe ba gác thuê. Chính vì thế, chàng sinh viên 21 tuổi luôn tự ý thức được hoàn cảnh để cố gắng.
Trung bình mỗi ngày Duy kiếm được 150.000 - 200.000 đồng từ việc giao hàng. Khi ba mẹ hỏi, bạn chỉ nói là làm thêm ở quán nước. "Ba mẹ mình sợ chạy xe đi đường nhiều gặp tai nạn, mà mình từ nhỏ thì không quen làm mấy chuyện bếp núc, lau dọn nên mới chọn cách rong ruổi giao hàng để kiếm thêm tiền", bạn giải thích.
Duy cho biết tiền kiếm được trong mấy tháng hè sẽ để dành học ngoại ngữ, thi chứng chỉ. Còn một năm nữa là tốt nghiệp, bạn đang nỗ lực để ra trường đúng hạn.
Việc đi làm thêm giúp Thảo hiểu sự khổ cực và thương mẹ mình nhiều hơn - Ảnh: AN VI
Công 20.000 đồng/tiếng, "cân" tất cả công việc
Cùng tuổi với Duy, Dương Thị Thúy hiện là sinh viên năm 2 Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM). Trong căn phòng của cô gái 21 tuổi tại KTX khu A ĐH Quốc gia, dù được bố trí tới sáu giường nhưng hiện đang hiu quạnh vì chỉ còn Thúy ở lại, các bạn cùng phòng đã về quê nghỉ hè.
Quê ở Hà Tĩnh, mỗi khi về nhà Thúy mất đến một ngày một đêm đi xe khách. Hoàn cảnh khó khăn nên việc chi ra số tiền gần 1 triệu đồng chỉ để về quê chơi ít ngày là xa xỉ với cô.
Thay vào đó, cô nữ sinh năm 2 quyết định đăng ký tăng giờ làm thêm để vừa có thu nhập và phần nào nguôi nỗi nhớ nhà. "Trước đây trong lúc học, mình có xin làm phục vụ quán bánh canh gần trường. Giờ mùa hè nhiều nhân viên cũng về, mình tranh thủ xin chủ tăng giờ làm để thêm ít tiền", Thúy nói.
Được trả công 20.000 đồng/tiếng, Thúy phải "cân" tất cả các công việc từ nhặt rau, lột trứng, nấu bánh cho đến cả việc rửa chén sau mỗi ca làm. Số tiền khiêm tốn khiến cô phải gói ghém mới đủ sinh hoạt. Dù vậy, cô chưa bao giờ than thở với gia đình bởi nhà quê cũng chẳng khá giả hơn là mấy.
"Em gái mình sắp vào đại học, gánh nặng cho bố mẹ cũng nhân đôi. Mình ý thức được điều đó nên luôn im lặng cố gắng, không để bố mẹ bận lòng", Thúy nghẹn ngào.
Những lúc làm về khuya, trong phòng chỉ quanh quẩn một mình, Thúy không kìm được nỗi nhớ nhà. Nhưng nghĩ về em, về gia đình và chính bản thân mình, cô gái quê Hà Tĩnh vẫn gắng trụ lại.
Gác lại những mong muốn riêng
Đã có kinh nghiệm làm thêm từ năm cấp III, nhưng vì thu nhập ở quê không cao nên mùa hè này Đinh Thị Phương Thảo quyết định lên TP.HCM để làm việc. Hiện tại, cô đang làm nhân viên một nhà hàng nướng trên đường Lê Văn Việt (TP Thủ Đức).
Công việc từ 16h - 23h, cô gái quê Bình Phước luôn vội vã với việc nướng đồ ăn, lau dọn và xếp bàn ghế. Mỗi tháng thu nhập khoảng 4 triệu, vừa đủ trả tiền trọ và ăn uống. "Tuy nhiên, nhiều khi phát sinh các khoản phí như WiFi, hư xe, thuốc men... khiến mình bị thâm hụt tiền sinh hoạt. Không ít lần phải ăn mì gói cả tuần", Thảo trải lòng.
Dù khó khăn nhưng mỗi khi mẹ gọi từ quê lên hỏi thăm, cô gái 21 tuổi luôn tỏ ra cứng cỏi để mẹ đỡ lo. Số lần mà Thảo dối mẹ cũng không ít, nhất là khi nhận được câu hỏi ăn cơm với gì? "Mẹ luôn dặn mình ăn uống no bụng rồi hãy đi làm, nhưng nhiều khi hết tiền, vừa ăn mì gói xong nhưng vẫn phải dối mẹ là ăn cơm gà, cơm sườn", Thảo nghẹn ngào.
Nhiều lúc Thảo muốn về thăm mẹ, nhưng cô cho biết khó lắm mới kiếm được một việc với mức lương ổn như hiện tại. Nếu về không có người thay, quán sẽ tuyển nhân viên mới. Vì thế, cô chỉ có thể gặp mẹ và em trai qua chiếc màn hình smartphone.
Ở Bình Phước, mẹ Thảo làm công nhân cạo mủ, thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng. Nhà không có đàn ông nên chừng đó tiền không đủ lo cho ba miệng ăn.
Chính vì vậy, Thảo quyết định tìm lên TP.HCM để kiếm được nhiều tiền hơn phụ giúp gia đình. Ở tuổi đôi mươi, cô gái trẻ cho biết cũng nghĩ về những mẫu áo yêu thích, những chiếc điện thoại hiện đại. Nhưng khi nhìn lại thực tế, cô phải tạm gác những điều xa xỉ ấy để dành tiền lo cho bản thân và phụ giúp mẹ.
Lắm chuyện vui buồn sinh viên đi làm thêm
Với Duy, nhiều khi bị "bom" ổ bánh mì, ly trà sữa, cậu đành cắn bụng xem đó là bữa trưa của mình. Nhưng bị "bom" những món đắt tiền, coi như hôm đó lỗ.
Nhiều bạn đi làm quán ăn như Thúy cũng không ít lần bị khách chửi. "Đi làm để đỡ nhớ nhà, mà đôi khi mình cũng nản lắm. Nhiều khách khó tính, lớn tiếng khiến mình cũng tủi thân. Nhưng mình nghĩ chính những trường hợp như vậy sẽ phần nào giúp mình trưởng thành và cứng cỏi hơn trong tương lai", Thúy chia sẻ.
Thân con gái nhưng khi làm thêm Thảo phải sắm vai thành một thanh niên có sức vóc để xếp được từng chiếc ghế nặng trĩu dài quá người. Ê ẩm là cảm giác mà cô gái quê Bình Phước đã quá quen khi làm công việc này.
-----------------
Một ngày làm 8 tiếng, Bảo Anh được trả công 1.260.000 đồng/tuần với điều kiện không nghỉ ngày nào kể cả chủ nhật, không bao cơm nước...
* Kỳ tới: Những đồng tiền chắt chiu đầu đời
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC