Bé Trương Quỳnh Như với xấp vé số chưa vơi - Ảnh: Y.TRINH
Số khác đi làm không hẳn vì mưu sinh mà muốn trải nghiệm, học hỏi nhiều điều và để biết quý trọng đồng tiền.
Chiều chạng vạng, góc ngã tư Châu Văn Liêm (quận 5, TP.HCM), một cô bé với hai đuôi tóc thơ ngây ngồi nhìn dòng xe lướt qua. Lót tấm bạt, trên tay em là xấp vé số chưa vơi. Em là Trương Quỳnh Như (10 tuổi, ngụ hẻm đường Tạ Quang Bửu, quận 8).
Ở nhà em hay làm việc, em còn nấu ăn, với hồi nhỏ cũng có giữ em gái nữa nên thấy đi làm giúp việc nhà cũng không cực mấy, làm cũng quen rồi. Em cần kiếm thêm tiền để phụ giúp cha mẹ có điều kiện cho em đi học tiếp.THẢO NGUYÊN
Giúp mẹ từ hè năm lớp 1
Vài người đi xe máy dừng đèn đỏ mua giúp em mấy tờ, bác tài xe buýt cũng vẫy em ra mua. "Chiều mẹ chở con với em gái 6 tuổi ra đây. Mẹ với em bán gần đó. Con đi vòng vòng khu chợ, rồi ra đây ngồi", em vui vẻ kể. Mỗi chiều ba mẹ con bán được cỡ 170 tờ.
Mùa hè của em gắn với những tờ vé số và không khí ồn ã của phố phường, mùi khói xe và những cơn mưa bất chợt. Em hồn nhiên líu lo: "Trời mưa con cũng ráng bán. Bán được nhiêu tờ hay bấy nhiêu. Bình thường con bán hết thì sẽ lên chỗ mẹ lấy bán tiếp".
Khoe đồ nghề buôn bán, em nói rằng mẹ mới thay cho tấm bạt vì tấm cũ đã rách và một chiếc túi màu vàng đựng vốn liếng của cả buổi. "Con có điện thoại nhưng bị mất sim rồi. Vừa rồi mẹ để dành mua được chiếc xe máy cũ để mẹ con đi bán cho dễ", cô bé tíu tít kể.
Không chỉ mùa hè, trong năm học em cũng là trợ lý đắc lực của mẹ. Chiều cỡ 16h30 con tan trường, chị Nguyễn Thị Việt Nhi (46 tuổi, mẹ bé Như) sẽ rước con qua quận 5 bán tới 19h - 20h.
Nhắc tới con gái, chị buồn buồn bộc bạch: "Cho con đi bán cũng tội nghiệp. Chồng tôi chạy xe ôm, tôi để hai con ở nhà không ai trông coi nên đem theo từ hồi hè lớp 1, nay con đã học xong lớp 3. Như ngoan lắm, nói muốn đi bán phụ mẹ...".
Buổi sáng chị nhận xếp giấy gia công, mỗi buổi được 30.000 - 40.000 đồng, nếu rảnh Như sẽ phụ mẹ. "Như khéo tay. Năm ngoái mẹ con còn bàn nhau mua búp bê nhựa về bán thêm, nhưng ế lắm. Con tự may thêm áo đầm cho búp bê từ vải vụn", chị kể. Bé hầu như chẳng bao giờ đòi mua đồ chơi, quần áo mới dù đây là lứa tuổi hay mè nheo...
"Con không buồn, cô ơi!"
Hỏi hè không đi chơi có buồn không, Như đáp hồn nhiên: "Con không buồn, cô ơi!". Gương mặt thoáng vẻ sớm chững chạc do hoàn cảnh, em nói tiếp: "Con vừa đi bán vừa đi học nên học khá thôi chứ không giỏi".
Dường như những đứa trẻ nghèo luôn biết tự an ủi, đôi khi sớm hiểu chuyện đến nao lòng. "Bữa nào bán ế nhà con ăn mì gói. Được cái là mẹ con biết cách xào mì gói, xào chung đủ thứ", em kể về món quen thuộc và nói thêm chưa biết sau này làm nghề gì, "tạm thời con thích nghề cắt tóc, bữa mẹ mới cắt cho con nè".
Không riêng Như, nhiều đứa trẻ đã sớm cùng cha mẹ mưu sinh nơi thành phố này. Vì hoàn cảnh, họ đem con theo từ khi con chưa biết đi. Những em lớn hơn thì tự bán vé số, hàng rong... Có những đôi mắt trong veo đượm buồn không chỉ vì thiếu vắng mùa hè, mà còn vì chặng đường bấp bênh phía trước.
Khác với Như, mùa hè của em Hoàng Nhi (9 tuổi, ở đường Võ Văn Bích, huyện Củ Chi) là thời gian phụ mẹ may gia công túi đựng hàng. Mỗi ngày mẹ ngồi may túc tắc từ chiều tới 2h khuya, Nhi thường phụ gỡ những lớp ni lông dày ra từng tấm, sau đó đưa mẹ may túi và gắn dây kéo.
"Mẹ hay kêu con đi ngủ sớm nhưng con thức với mẹ, chứ sợ mẹ buồn", em nói. Do em học giỏi và gia đình cũng tiết kiệm nên bé không đi học thêm. Ngoài thời gian phụ mẹ, lúc rảnh mùa hè, em cũng đạp xe lòng vòng với các bạn trong xóm, đi hái trái trứng cá.
Khánh cũng có những kỷ niệm đẹp mùa hè, như khi ba mẹ chở qua nhà nội chơi. "Nhà nội con có vườn cây, có mít chín. Con qua ở một ngày rồi ba đón về, con cũng muốn về để phụ mẹ", em vui vẻ kể.
Trẻ em bán đồ chơi ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Từ huyện lên phố làm osin thời vụ
Sau khi kết thúc năm học lớp 10 vừa qua, từ đầu tháng 6, Thảo Nguyên từ nhà ở huyện Châu Thành sang TP Long Xuyên (An Giang) làm giúp việc cho một gia đình bốn người.
Nguyên kể mình sống với vợ chồng chủ nhà cùng hai đứa con gái (9 và 4 tuổi) trong căn nhà hai lầu, có sân, diện tích khá rộng. Cô được bố trí ngủ ở một phòng nhỏ trên lầu hai.
Công việc hằng ngày là dọn dẹp, lau chùi trong ngoài nhà cửa, rửa chén, giặt đồ, làm một số việc lặt vặt khác song không cần nấu ăn vì nữ chủ nhà muốn tự tay nấu theo ý thích. Thi thoảng chủ có việc bận, Nguyên sẽ phụ trách cho hai đứa trẻ ăn uống, tắm rửa và chơi với các bé.
"Ở nhà em hay làm việc, em còn nấu ăn, với hồi nhỏ cũng có giữ em gái nữa nên thấy đi làm giúp việc nhà cũng không cực mấy, làm cũng quen rồi. Em cần kiếm thêm tiền để phụ giúp cha mẹ có điều kiện cho em đi học tiếp", Nguyên nói.
Thảo Nguyên sinh ra trong một gia đình khó khăn, có mẹ làm phụ bếp cho một quán ăn, cha làm thợ hồ nhưng "bữa đực bữa cái". Cô nàng là chị cả, phía dưới còn một đứa em gái vừa học xong lớp 6.
Hỏi lý do vì sao còn nhỏ tuổi lại chọn làm osin, Nguyên cho hay trước kia người bà con của mình từng giúp việc cho gia đình này, thấy cô bé muốn làm thêm kiếm tiền dịp hè nên giới thiệu.
May mắn chủ nhà đang cần người và thương hoàn cảnh nên cũng tạo điều kiện nhận cô bé vào làm với thù lao gần 7 triệu đồng/tháng, bao ăn ở, làm đến khi nào tựu trường thì thôi nhưng phải báo trước nửa tháng.
Nguyên tâm sự vừa nhận tháng lương đầu tiên và đã gửi cho mẹ hơn 2/3 số tiền để phụ đóng học phí cho hai chị em vào năm học mới. Cô dự tính sẽ làm đến giữa tháng 8. "Hè năm sau chắc em cũng sẽ tiếp tục làm cái này, giúp việc thời vụ, hoặc là làm phục vụ quán ăn để phụ tiền cho cha mẹ", Nguyên tâm sự.
Mùa hè của Nguyên cũng như nhiều bạn trẻ khác là đổ mồ hôi làm việc để được bước vào năm học mới...
Ráng cho con học để có cái nghề ổn định
Như cũng có những khoảng thời gian vui đùa cùng em gái trong gian phòng trọ chật hẹp. Em có mấy món đồ chơi, lồng đèn... do những người tốt bụng tặng. "Tết con với mẹ nghỉ. Con chơi với em, bấm điện thoại nhắn tin cho bạn. Con có hai bạn thân...", em cười.
Động lực của vợ chồng chị Nhi đó là Như rất biết thương ba mẹ. Chị tâm niệm: "Tôi ráng cho con học. Năm sau Như lên lớp 4, bé út vô lớp 1 sẽ nặng tiền trường. Có lúc định cho con học lớp tình thương nhưng nghĩ lại phải học có trường có lớp, mai mốt có cái nghề ổn định".
**********
Tháng 7, 8 được nhiều sinh viên mong ngóng để nghỉ hè đoàn viên với gia đình, song cũng có một số khác xem đây là thời gian làm việc kiếm thêm tiền, san sẻ gánh nặng với cha mẹ.
Kỳ tới: Giọt mồ hôi giữa tháng 6 trời mưa
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC