Mua “bằng” bác sĩ ĐH Y Dược giá chỉ 3 triệu đồng: Mua bán dễ như rau ngoài chợ
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Kim Triều – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh cho biết sau khi nhận được thông tin phản ánh của VTC News về chuyện mua bán, cấp bằng không đúng quy định, Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh đã yêu cầu Trường Trung cấp Y Dược Thăng Long báo cáo.
Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh: Sẽ thanh tra
“Sau khi nhận được thông tin của phóng viên VTC News ngày 17/1/2022 về việc sai phạm trong công tác đào tạo của Trường Trung cấp Y Dược Thăng Long, do dịp cận tết Nguyên đán nên chúng tôi mới chỉ yêu cầu trường tổng hợp thông tin và báo cáo. Theo bà Trần Thị Hoa – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Y Dược Thăng Long, mọi công tác tuyển sinh, đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp của trường đều thực hiện đúng theo quy định”, ông Triều nói.
Ông Nguyễn Kim Triều cho biết, để trả lời cơ quan báo chí một cách chính thức thì Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh sẽ phải thực hiện công tác thanh tra.
“Sở đã xây dựng kế hoạch kiểm tra tại Trường Trung cấp Y Dược Thăng Long để xem phản ánh của báo chí cũng như báo cáo nhanh từ phía nhà trường mà chúng tôi đã nhận được là đúng hay không. Việc thanh kiểm tra sẽ thực hiện vào ngày 22/2/2022. Theo đúng kế hoạch, chúng tôi sẽ kiểm tra đầu vào công tác tuyển sinh, kiểm tra danh sách, tài liệu liên quan đến công tác đào tạo, công tác thi tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp hệ trung cấp để trả lời rõ ràng cơ quan báo chí”, ông Triều nói.
Bà Nguyễn Thị Ánh Lan – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Ngãi cho biết Trường Trung Cấp Công Nghệ Việt Mỹ là một cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư nhân nằm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi chịu sự quản lý của Sở LĐ-TB&XH.
Sau khi nhận được thông tin của phóng viên VTC News về thực trạng học viên chỉ cần đóng tiền là có thể nhận bằng trung cấp y, dược tại Trường Trung Cấp Công Nghệ Việt Mỹ mà không cần trải qua quá trình học tâp và thi cử, bà Ánh Lan nói: “Cảm ơn phóng viên đã chia sẽ thông tin. Sở sẽ có kế hoạch kiểm tra và sau khi có kết quả chính thức sẽ phản hồi lại cho cơ quan báo chí”.
>>>Không cần đi học vẫn lấy được bằng y - dược, miễn là nộp đủ tiền
Liên hệ với Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), phóng viên được giới thiệu làm việc với Phòng thông tin truyền thông. Đơn vị này hướng dẫn phóng viên gửi thông tin qua emal để trình lãnh đạo giao Vụ Pháp chế, Thanh tra và sẽ phản hồi lại sau.
Phóng viên tiếp tục liên hệ với ông Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế). Ông Khuê nói: "Bạn cứ gửi các thông tin đã thu thập được qua email của cục, tôi sẽ cho anh em xem xét và trả lời lại khi có kết quả”.
Đào tạo y khoa phải rất bài bản, khoa học
Chia sẻ với VTC News, PGS. TS Trần Đắc Phu – nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nói, lĩnh vực y dược liên quan mật thiết đến sức khoẻ, tính mạng của con người. Máy móc hỏng thì sửa, sửa sai vẫn có lỗi thì sửa lại, nhưng con người thì không thể như thế được, nếu chữa bệnh sai thì khó có cơ hội để khắc phục sai lầm.
PGS. TS Trần Đắc Phu
“Đào tạo ngành y dược thì phải rất bài bản, khoa học, kiến thức thu nạp phải toàn diện. Và để tham gia công tác khám, chữa bệnh hay bán thuốc thì phải có trình độ chuyên môn đáp ứng được các yêu cầu mà pháp luật quy định. Vậy nên ngành y tại các trường có bề dày lịch sử, truyền thống luôn có điểm chuẩn đầu vào top đầu cả nước, quá trình đào tạo cũng dài hơi hơn, đối với đại học ít nhất là 6 năm”, PGS. TS Trần Đắc Phu nói.
Nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh rằng việc mua bằng, học giả bằng thật ở bất kể ngành nghề nào đều là hành vi vi phạm pháp luật, gây nguy hiểm đối với xã hội. Học giả, bằng thật trong ngành y dược nguy hiểm gấp nhiều lần.
Cấp bằng thì rất dễ, sửa sai trong y khoa lại vô cùng nan giải
Đồng quan điểm với PGS. TS Trần Đắc Phu, Bác sĩ Trần Văn Phúc – Khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) cũng cho rằng y là một ngành đặc thù, mang nhiệm vụ cứu người, vậy nên tất cả các kỹ thuật thực hành trong lĩnh vực y dược đều liên quan đến sức khoẻ con người, đòi hỏi quá trình đào tạo hết sức bài bản và cẩn trọng, cho dù đó có thể là một điều dưỡng, một dược sỹ hay một kỹ thuật viên y khoa.
Bác sĩ Trần Văn Phúc
Bác sĩ Phúc cho rằng một người không được đến trường y để học, không được đến bệnh viện để thực hành mà chỉ cầm cuốn sách để đọc hoặc thậm chí chỉ đến một ngôi trường để học kiến thức trên sách vở thì cùng lắm chỉ trở thành “lang vườn”, không thể nào trở thành bác sĩ cứu người, không thể nào trở thành điều dưỡng để thực hành chuyên môn và cũng không thể nào trở thành dược sỹ để bán thuốc, đưa ra các hướng dẫn sử dụng cho bệnh nhân được.
“Tôi lấy một ví dụ cụ thể như thế này. Chúng ta biết rằng trong đại dịch Covid-19, lực lượng y tế của nhiều địa phương bị quá tải, nhiều người bệnh phải tự cách ly điều trị tại nhà. Có những bệnh nhân ho rũ rượi thì phải sử dụng thuốc. Nếu dược sĩ không có chuyên môn, tra kiến thức ở đâu đó thì họ sẽ kê thuốc Terpin Codein. Loại thuốc này nếu chỉ ho ở giai đoạn đầu, chưa có các biến chứng thì rất hiệu quả nhưng nếu người bệnh có dấu hiệu viêm phổi nặng mà sử dụng Terpin Codein là thảm hoạ vì nó sẽ gây suy hô hấp khiến tình trạng bệnh nặng thêm.
Lấy một ví dụ như thế để chúng ta thấy rằng, người công tác trong lĩnh vực y dược không được đào tạo một cách bài bản sẽ rất nguy hiểm. Thực trạng mà VTC News đưa ra tại 2 cơ sở đào tạo Trung cấp Y Dược Thăng Long và Trung Cấp Công Nghệ Việt Mỹ là không thể chấp nhận được, chúng ta cần lên án và chấn chỉnh lại ngay”, bác sĩ Phúc nói.
Bác sĩ Trần Văn Phúc cho rằng việc xuất hiện ngày càng nhiều các cơ sở đào tạo y dược là điều tất yếu của xã hội khi đây là một ngành học "hot", nhiều người muốn theo đuổi. Tuy nhiên việc thi vào các trường y khoa có bề dày truyền thống thì rất khó nên nhiều người sẽ lựa chọn những trường không chuyên về y khoa hoặc chỉ cần nộp hồ sơ là được học.
“Để sở hữu một tấm bằng rất dễ, giờ còn có thể mua được bằng tiền như phóng viên đã thông tin, nhưng để chữa được lỗi lầm của các em gây ra thì sẽ vô cùng khó khăn. Khi có vụ việc sai sót y tế xảy ra thì ngay lập tức cả xã hội sẽ rơi vào khủng hoảng, chạy theo để giải quyết khủng hoảng. Rất mệt mỏi và căng thẳng.
Cấp bằng thì rất dễ thôi nhưng làm thế nào để sửa chữa được những sai lầm của người chưa đủ kiến thức, chưa đủ năng lực nhưng bằng cách nào đó tham gia vào công tác y khoa thì mới là vấn đề nan giải của xã hội. Chúng ta có thể nhìn thấy hậu quả và hoàn toàn có thể biết trước để tránh điều đó”, bác sĩ Phúc nói.
"Việc các trường trung cấp y, dược cấp bằng theo kiểu “học giả, bằng thật” là điều rất đáng lên án. Đây là ngành đào tạo nhân lực để điều trị, chữa bệnh cho con người. Nếu học giả, cấp bằng thật thì những người đó khi hành nghề sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ con người.
Hiện nay không chỉ các trường trung cấp nghề mà ở các cấp đào tạo khác, thậm chí cả bậc cao đẳng, đại học cũng đều có những hình thức đạo tạo từ xa, tại chức theo kiểu biến tướng để cấp bằng chỉ với mục đích là thu kinh phí.
Do vậy, sở y tế, chính quyền địa phương và Bộ Y tế phải có trách nhiệm kiểm tra, chấn chỉnh việc đào tạo của các trường trung cấp nghề."
ĐBQH Phạm Văn Hoà (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp)
Nguồn: BÁO ĐIỆN TỬ VTC NEWS - VTC.VN
© 2024 | Thời báo ĐỨC