Mẹ Việt kể chuyện người Pháp phản ứng khi thấy vết bầm ở trẻ

Con Ong nhà tôi từ khi sinh ra đã có những vết bớt đỏ ở cổ tay, trông như vết máu bầm. Một hôm, cô giáo ở nhà trẻ hỏi tôi, "sao tôi thường xuyên thấy vết này ở tay cháu? Ở nhà có ai làm cháu đau không?".

1 Me Viet Ke Chuyen Nguoi Phap Phan Ung Khi Thay Vet Bam O Tre

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Theo dòng thời sự - vụ việc bé gái 8 tuổi bị bạo hành ở TPHCM, tôi xin kể mấy câu chuyện thực tế bên Tây như này.

1. Dạo nọ, bỗng dưng đứa con gái lớn của chúng tôi trở nên cáu gắt, thường quên bài tập về nhà, điểm kém. Cô giáo bộ môn mời phụ huynh tới trường nói chuyện.

Thông báo tình hình của con xong, cô hỏi, thế gia đình anh chị dạo này vẫn ổn chứ? Vợ chồng có gì lục đục không? Liệu có vấn đề gì khiến cho con bé bị bất ổn tâm lý không?

Cô lại còn hỏi, con bé này là con đẻ hay con nuôi của anh chị?

Tôi không cho rằng cô giáo có tính tọc mạch. Tôi hiểu cô đang cần thông tin để đánh giá vấn đề. Tôi cảm ơn cô đã không coi con tôi là một đứa trẻ hư khi nó không làm những điều cô dặn.

2. Con Ong nhà tôi từ khi sinh ra đã có những vết bớt đỏ ở cổ tay, trông như vết máu bầm. Có những ngày vết đó chỉ mờ mờ thôi, nhưng có những ngày nó hiện lên mồn một.

Một hôm, cô giáo ở nhà trẻ giơ tay con Ong ra hỏi tôi, sao tôi thường xuyên thấy vết này ở tay cháu? Ở nhà có ai làm cháu đau không?

Ối tôi phải giải thích với cô rằng từ cha sinh mẹ đẻ ra nó đã thế, các chị nó toàn những đứa hiền lành nên ko ai đánh nó đâu. Cô gật đầu nhưng tôi nghĩ cô cũng ngầm ngầm theo dõi thêm một thời gian. Nếu chẳng may có vết bầm chỗ khác thì cô bốc máy gọi cơ quan bảo trợ xã hội ngay trong vòng một nốt nhạc. Muốn trình bày thì lên phường, nhá.

Bạn tôi ở Na-uy cũng gặp chuyện tương tự. Con bạn có vết bớt thâm ở mông, cái mà bọn Tây hình như chả bao giờ có. Cô giáo chả đợi phụ huynh giải thích, gọi luôn cho cơ quan bảo trợ xã hội. May sau rồi cũng giải quyết ổn thoả chứ không tự dưng mất toi đứa con.

3. Bạn tôi, cũng là hàng xóm, kể rằng tối nọ tao nghe dưới nhà tao, 2h sáng mà vợ chồng họ còn cãi cọ ầm ĩ, bát đĩa loảng xoảng. Tao phải ra ban công hét lên, ông mà không im mồm đi tôi gọi cảnh sát bây giờ! Có thế chúng nó mới im. Nhưng tao thật ra không ngủ đâu, tao nghe ngóng xem con vợ có la hét gì không để còn gọi cảnh sát. Hôm sau còn xuống kiểm tra tình hình xem thế nào.

4. Lại một câu chuyện nghe được ở Bắc Âu. Mẹ cấm con chơi điện thoại. Con cãi láo. Mẹ tịch thu điện thoại chắc tiện tay oánh nó một phát, mắng thêm vài câu. Con lu loa gọi cảnh sát. Thế là bà mẹ bị doạ tước quyền nuôi con. Mấy đứa con kiểu này phải cho nó đến foster home để biết là ở với bố mẹ còn sướng chán. Nhưng kiểu của Tây là thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót, anh em người Việt bảo nhau là có “dạy” con thì nhớ kéo rèm và be bé cái mồm thôi. Nói vậy chứ dạy vừa chứ dạy quá tay thì còn nhà trường, còn hàng xóm không qua mắt được.

5. Người quen của mẹ tôi đi làm trông trẻ (chui) ở Anh. Đang yên đang lành tháng đút túi cả ngàn bảng thì bị cảnh sát hốt cả nhà lên đồn. Hoá ra con bé lớn nhà đấy bị bố mẹ mắng, nó tức, nó cào mặt rồi đến bảo với thầy giáo là bị mẹ đánh. Kết quả là người quen của mẹ tôi bị áp tải ra máy bay trả về nước vì cư trú quá thời hạn. Còn quan hệ mẹ con nhà kia thế nào thì tôi cũng ko quan tâm lắm. Đây, nuôi dạy con bên Tây nó cũng rách việc lắm cơ.

6. Cũng đứa lớn nhà tôi. Bữa nọ làm bài kiểm tra toán vừa làm vừa khóc (tôi đã kể ở bài trước). Khi nó nộp bài, cô giáo hỏi, con khóc vì sợ điểm kém à? Nó gật. Điểm kém thì bố mẹ mắng à? Nó gật. Xong cô cho nó ra về.

Nhưng sau lưng nó, cô gọi bạn nó (một cháu Việt Nam cùng lớp) lại hỏi, theo em, áp lực của bạn V. là do tự bạn tạo cho mình hay do bố mẹ bạn? Cháu kia, theo truyền thống hiếu học của người Việt, đáp luôn, chắc bố mẹ muốn bạn học giỏi.

Câu chuyện chỉ dừng ở đó chứ nếu cháu nó mà nói kiểu, mỗi lần không được điểm A thì bạn V. bị mẹ vác roi quất vào mông thì thôi tôi xác định được mời lên phường. May mà vợ chồng tôi không ai quất mông nó thật. Mắng thì có nhưng chưa bị tính vào mục bạo hành bằng lời nói.

7. Hết người thì đến chó nhé mọi người. Chả là nhà tôi có nuôi 1 con chó cũng to to. Năm đó về quê chơi 1 tháng mà không đăng ký được gửi nó nơi đâu, đành nhờ hàng xóm trông hộ. Con chó ở bên nhà tôi, ngày ngày hàng xóm sang cho ăn và dắt đi dạo.

Ấy thế mà có 1 cụ bà, thấy như thế là vô cùng nhẫn tâm, bèn gọi báo cảnh sát. Mọi người đoán xem tiếp theo sẽ như nào?

Tạm thời hết chuyện, bao giờ nghĩ ra kể tiếp.

Nguyên Kan(từ Pháp)

Nguồn: Vietnamnet.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày