Sông Tô Lịch có thể trở thành hồ chứa nước lớn nhất Hà Nội. Việc tìm ra cách cải tạo dòng sông cần xem xét hơn xây bể nước ngầm khắp nội đô.
Mưa to ngày 29/5 làm Hà Nội ngập úng tràn lan, trước đó vài ngày, lãnh đạo Sở Xây dựng tuyên bố bà con yên tâm, Sở ngành đã chủ động ứng phó.
Bởi nước ngập không chảy vào trạm bơm to nhất Đông Nam Á, lại không thoát được đi đâu bèn chảy vào hầm chứa xe, vào nhà dân vào đường xá, ngập ngang lưng hàng triệu người đi lại trên phố. Trong khi ngay gần đó có sông hồ thoát nước mà nước chẳng chảy vào. Nay lại nghe Sở Xây dựng đề xuất xây bể ngầm chống ngập.
Sông Tô trước và sau khi khi đổ hàng chục ngàn tỷ dự án Thoát nước và XLTN2A.
Thông tin Hà Nội sẽ làm hầm chống ngập không mới, chục năm trước ông Nguyễn Thế Thảo trước khi về hưu đã từng nói.
Bể ngầm chứa nước nhiều thành phố trên thế giới họ làm rồi tuy xây lắp và vận hành đắt đỏ … nhưng họ vẫn thành công bởi ba nguyên nhân. Một là họ rất giàu lại có trăm năm kinh nghiệm. Hai là họ tích hợp đa mục tiêu ngầm như đường sắt, đường bộ, đường cáp, trữ nước, dịch vụ thương mại để giảm chi phí. Ba là tạo thành hệ thống kết nối đồng bộ với hệ thống cấp nước sạch hay trạm bơm ra sông…
Hà Nội không có nhiều tiền và chưa đủ kinh nghiệm. Quy hoạch ngầm chưa hề đề cập làm “ bể ngầm hỗ trợ thoát nước trong nội đô. Lo nhất là Hà Nội lại chống ngập bằng cách “tiêu tiền” chứ không “tiêu thoát nước”.
Nhiều điểm úng ngập rất gần các hồ điều hòa và kênh thoát nhưng nước trong sông hồ vẫn thấp cho thấy khả năng liên thông kém …
Còn để xuất đào thêm nhiều hồ chứa mặt bằng mới để thấm nước lại càng hoang đường vì Hà Nội lấp ruộng, hồ ao để chia lô bán nền tràn lan nhiều năm nay còn đâu đất đào hồ?
Tài liệu do JICA lập so sánh năm 2003 với năm 2021 cho thấy diện tích đô thị đất tăng gấp 10 và dân đô thị Hà Nội tăng gấp đôi. Nhưng tốc độ lấp ao hồ ruộng trũng còn tăng nhiều nhanh, mạnh vì nơi nơi háo hức mở đường lên quận. Ai cũng mong bán đất cho đắt, không ai bàn chuyện giữ lại thảm xanh, mặt nước.
Vậy nên trước cơn khát đất bán, nên chăng tận dụng những không gian có chức năng thoát nước làm nơi trữ nước - đó là sông Tô Lịch.
Sông Tô có chiều dài 17 km từ Nghĩa Đô đến Yên Sở, tổng khối tích khoảng 5 triệu m3 nước tương đương với Hồ Tây và Trúc Bạch.
Trong trận mưa ngập 2008, sông Tô Lịch và tất cả các hồ nước nội thành đầy ắp nước đạt tổng lượng nước phải bơm ra sông Hồng là 23 triệu m3 nước.
Trạm bơm Yên Sở lúc đó chỉ có công suất bằng ½ hiện nay nên gần 10 ngày mới bơm hết nước ra sông Hồng. Nếu sông Tô chứa đầy nước và khả năng kết nối thoát nước liên hồ trôi chảy thì sẽ cải thiện đáng kể thoát nước nội thành ngay, trước khi tìm ra đất để làm hồ mới hay phải chi ra nhiều nghìn tỷ để làm các “bể ngầm trữ nước trong mơ”.
Khai thác sông hồ để thoát nước đô thị là chuyện bình thường của tất cả các thành phố trên thế giới. Cái khác biệt là làm thế nào sông Tô sạch có đầy nước trong sạch thơm tho mà không phải làm trò phù thủy hay hóa chất đặc hiệu? Bằng cách nào bàn sau nhưng nếu sông Tô đẹp như trước năm1990 thì không chỉ thoát nước mà còn hỗ trợ giao thông, du lịch, thương mại. Hà Nội có thêm công viên trong đô thị dài nhất thế giới cũng nên.
Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội
Nguồn: Báo Giao thông
© 2024 | Thời báo ĐỨC