Kinh nghiệm du lịch dành cho người hay quên

Ngay cả những du khách trẻ tuổi, nhanh nhẹn vẫn có thể quên nhiều việc trên hành trình du lịch. Bỏ túi vài kinh nghiệm hữu ích sẽ giúp bạn tránh các phiền toái không đáng có.

1 Kinh Nghiem Du Lich Danh Cho Nguoi Hay Quen

Lập danh sách đầy đủ, hẹn giờ và ghi chú, kiểm tra mỗi khi rời đi là những điều nhỏ nhưng có thể hỗ trợ du khách hiệu quả.

Lập danh sách chi tiết

Vì tự tin vào trí nhớ của mình, nhiều người không ghi danh sách đồ mang theo với quan niệm "đi chơi thì có gì mà nghiêm trọng". Kết quả là rất nhiều trường hợp mang thiếu đồ, hoặc mang đi rồi để quên ở khách sạn, trên tàu xe, và bị thất lạc.

Để tránh nguy cơ này, bạn chỉ cần bỏ ra chút ít thời gian lập danh sách cần thiết cho chuyến đi: đồ đạc, quà cáp hoặc vật dụng cần mua, các địa điểm sẽ đến (kèm theo giá cả, giờ giấc), các loại vé (vé tàu xe, vé tham quan), các khoản tiền cần tiêu. Bạn có thể lưu danh sách trên điện thoại di động và lưu một bản trên mạng để có thể đọc được trên các thiết bị khác.

Hẹn giờ và ghi chú trên điện thoại

2 Kinh Nghiem Du Lich Danh Cho Nguoi Hay Quen

Tận dụng điện thoại để lưu thông tin và người hỗ trợ khi cần. Ảnh: Trịnh Hằng

Hẹn giờ chỉ là chức năng phụ của điện thoại di động nhưng lại hữu ích khi bạn đi du lịch bởi chuyện quên hoặc nhầm lẫn giờ rất phổ biến. Đôi khi những nhầm lẫn này khiến du khách tốn khá tiền khi phải đổi vé máy bay, mua vé tàu, vé tham quan mới.

Hãy tận dụng chiếc điện thoại bằng cách hẹn giờ tất cả mọi hoạt động quan trọng trong chuyến đi: giờ thức dậy, giờ xuất phát, giờ check in tàu xe, giờ vào cửa điểm tham quan hoặc bắt đầu buổi biểu diễn, giờ quay về. Điều này còn quan trọng hơn khi bạn di chuyển ở những múi giờ khác nhau trên thế giới. Còn những hoạt động mà bạn có thể thoải mái thời gian thì hãy cứ để đồng hồ sinh học chỉ huy.

Chia sẻ lịch trình

Trước mỗi chuyến đi, các du khách giàu kinh nghiệm đều xây dựng lịch trình chi tiết bao gồm các thông tin cần thiết về vé máy bay, tàu xe, phòng nghỉ, giờ đóng mở cửa và giá vé các điểm tham quan, thông tin liên lạc của mọi nơi sẽ đến. Để đảm bảo các thông tin này được ghi nhớ và sử dụng hiệu quả, bạn nên chia sẻ lịch trình cho mọi thành viên trong nhóm, đồng thời gửi cho một số người thân ở nhà, phòng trường hợp cần gia đình hỗ trợ.

Hãy lưu ý không nên công khai lịch trình trên mạng xã hội, tránh việc kẻ gian lợi dụng bạn đi vắng hoặc theo dõi được hoạt động cá nhân của bạn.

Sắp xếp đồ đạc thông minh

3 Kinh Nghiem Du Lich Danh Cho Nguoi Hay Quen

Sắp xếp đồ đặc cẩn thận là một cách để hạn chế những rủi ro khi đi du lịch. Ảnh: Trịnh Hằng

Lên đồ và sắp xếp đồ cho chuyến đi là công việc thú vị và dễ dàng, nếu bạn chịu khó học hỏi vài bí quyết cơ bản. Để tránh phải ghi nhớ quá nhiều, cũng tránh nhầm lẫn và bỏ sót, hãy tối giản hóa hành lý chuyến đi. Khi đóng gói hành lý, hãy chia chúng thành những nhóm khác nhau và bọc vào những bao gói nhỏ hơn trước khi xếp lần lượt vào vali. Ví dụ, tất và khăn một gói riêng, đồ lót một gói, các loại dây sạc, tai nghe, pin dự phòng là một gói, trang sức phụ kiện riêng một gói, toàn bộ đồ vệ sinh cá nhân cũng để túi riêng chống thấm nước.

Đến khách sạn, bạn cần dùng món gì thì chỉ mở gói đó, thay vì dỡ toàn bộ vali và bung hết ra giữa phòng. Đồ đạc chưa dùng đến vẫn ở trong vali, khi di chuyển chặng tiếp theo bạn sẽ không phải lục tung vali để kiểm tra và cố ghi nhớ xem còn sót món gì hay không. Bạn có thể dễ dàng mua trên mạng những bao gói nhỏ chuyên để đóng đồ đi du lịch, chất liệu đa dạng, có khóa kéo, với giá chỉ vài chục nghìn đồng và có thể dùng lại nhiều lần.

Lưu lại ảnh của mọi địa điểm

Khi đến một điểm du lịch mới, dù đã chuẩn bị, nhiều lúc bạn không thể nhớ được đường, vị trí nhà ga, biển hiệu nhà hàng muốn ăn thử trông thế nào. Lúc vào những điểm tham quan rộng, bạn có thể không tìm được cổng ra vào, không nhớ điểm hẹn gặp nhau... Để hỗ trợ trí não của bản thân, hãy tải ảnh những nơi sẽ đến, hoặc chụp lại nơi vừa đi, như thế có thể dễ dàng hỏi đường khi cần, và liên lạc với bạn đồng hành khi không vào được mạng.

Lưu thông tin khách sạn

Đây là thao tác cơ bản mà mọi người nên thực hiện mỗi khi đến khách sạn. Khi lưu lại địa chỉ, số điện thoại, nick chat trên mạng xã hội của họ, và ảnh chụp biển hiệu khách sạn, bạn sẽ dễ dàng nói với tài xế taxi hoặc hỏi đường khi cần tìm về khách sạn. Trong những trường hợp cần nhân viên khách sạn hoặc chủ nhà trọ, bạn có thể gọi điện hoặc gửi tin nhắn để nhận được sự giúp đỡ.

Trước đây, hầu hết khách sạn, nhà nghỉ đều có danh thiếp đưa cho du khách, nay bạn chỉ cần chụp ảnh hoặc lưu lại link fanpage của họ trên điện thoại là có thể dễ dàng liên lạc.

Luôn kiểm tra mỗi khi rời đi

4 Kinh Nghiem Du Lich Danh Cho Nguoi Hay Quen

Kiểm tra vị trí ngồi trên tàu, xe, máy bay thật kỹ trước khi rời đi để tránh quên đồ. Ảnh: Trịnh Hằng

Ai cũng có lúc đãng trí quên đồ khi đi du lịch, mà nếu đó là những món đồ quan trọng như hộ chiếu, căn cước, điện thoại thì du khách có thể gặp rắc rối lớn chỉ vì một khoảnh khắc lơ là. Một mẹo nhỏ để giảm nguy cơ quên đồ, là hãy luôn kiểm tra mỗi khi rời đi.

Trước khi xuống khỏi máy bay, tàu xe, taxi, hãy nhìn toàn bộ ghế ngồi, mặt sàn, các ngăn chứa xung quanh, hộc tủ sát trần. Trước khi ra khỏi phòng khách sạn, hãy lật chăn, gối lên xem còn bỏ sót gì không, kiểm tra gầm giường gầm ghế, xem các ngăn tủ trong phòng, nhà tắm. Ở những nơi công cộng như ghế ngồi công viên, toilet, nhà hàng, quán cà phê cũng tương tự, chỉ vài giây liếc nhìn xung quanh cũng có thể giúp bạn tránh rắc rối do đãng trí. Nếu đi cùng nhiều bạn đồng hành, hãy nhắc nhở cả nhóm kiểm tra đồ đạc cá nhân và đồ chung của nhóm.

Trịnh Hằng


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày