Không phải cứ điểm cao chót vót, học trường danh tiếng là thành công

Người ta mải miết rượt đuổi những đỉnh cao thành tích mà quên mất rằng: Không phải cứ điểm cao chót vót, học trường danh tiếng là thành công tuyệt đối trong cuộc sống tương lai.

1 Khong Phai Cu Diem Cao Chot Vot Hoc Truong Danh Tieng La Thanh Cong

Đọc bài viết "Trượt lớp 10: Cần lắm sự thay đổi tư duy, bắt đầu từ cha mẹ" của tác giả Mỹ Hà trên báo Dân trí, tôi đồng tình với nhận định: "Cánh cửa" tương lai không vì thế mà khép lại. Ngoài các trường tư thục, ngoài công lập, các em có thể tham khảo phương án cho việc học nghề, học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên…

Lời tư vấn của chuyên gia, lời khuyên của mọi người xung quanh đã rộn vang từ rất lâu về những ngả rẽ tuổi 15 mà bố mẹ có thể định hướng và đồng hành cùng con trẻ tiến về phía trước.

Hơn 35% thí sinh ở Hà Nội sẽ trượt trường công, đồng nghĩa với khoảng 52.000 học sinh không vào lớp 10 công lập - Dù vậy, lối rẽ vào đời của các bạn trẻ rộng vẫn mở với vô số lựa chọn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng sẵn lòng cho con rời bỏ ước mơ học tập ở trường THPT công lập để đăng ký vào trường tư, trường nghề hoặc hệ giáo dục thường xuyên. Không phải bố mẹ nào cũng dễ dàng chấp nhận năng lực thực tế của con để thôi chất vấn, dằn vặt, phủ nhận con trẻ khi trượt trường công. Không phải phụ huynh nào cũng rộng và thoáng trong tư duy khi giới thiệu với mọi người về ngôi trường không danh giá mà con đang theo học…

Từ đây, áp lực học hành bị dồn ép thành vô số hệ lụy đáng buồn: Tuổi thơ của trẻ bị cắt xén để dành thời gian cho việc học nối dài từ trường đến lớp học thêm; thi cử và điểm số trở thành gánh nặng buộc trẻ phải luôn nỗ lực đứng tốp đầu, phải vào trường chuyên, lớp chọn; trầm cảm và liên tiếp những vụ tự sát khiến dư luận bàng hoàng, sững sờ tột độ bởi suy nghĩ nông nổi, hành động dại khờ của bọn trẻ…

Nên, cần lắm sự đổi mới trong tư duy của bố mẹ về việc chọn trường, chọn ngành cho con. Những đổi thay về chất lượng giáo dục, hiệu quả đào tạo của hệ thống trường tư thục, trường nghề cần được quảng bá rộng khắp để tạo hiệu ứng tích cực thu hút ánh nhìn và sự lựa chọn của phụ huynh trong việc chọn trường. Công tác hướng nghiệp và phân luồng giáo dục trong nhà trường THCS cần phát huy hơn nữa hiệu quả định hướng ngả rẽ ở tuổi 15.

Quan trọng nhất trong đó vẫn là thay đổi tư duy sính bằng cấp đã ăn sâu trong tiềm thức của người Việt suốt bao năm qua. Một tấm bằng tốt nghiệp đại học danh giá vẫn luôn là khát khao cháy bỏng của nhiều gia đình. Và trong tiềm thức người Việt, chỉ có trường THPT công lập chất lượng cao mới tạo nền tảng vững chắc cho con tiến thẳng vào đại học.

Vì vậy, nhiều gia đình không tiếc tiền bạc, thời gian, công sức đưa đón để chăm lo tối đa cho việc học ngoài chương trình của trẻ. Và mỗi kỳ thi thật sự là một cuộc chiến của cả gia đình với yêu cầu cao về điểm số, thành tích, danh hiệu buộc trẻ phải phấn đấu…

Bởi thành quả mai sau cần được vun đắp bằng nỗ lực của hiện tại và cả sự cố gắng không ngừng nghỉ trong công việc, nỗ lực khắc phục khó khăn để vươn lên!

Người ta cặm cụi chinh phục những đích đến ngày càng cao mà quên mất rằng: Mỗi đứa trẻ sinh ra đều mang trong mình một sứ mệnh riêng. Nhà bác học cần một người giỏi văn hóa. Người thợ lành nghề cần vốn sống và tay nghề năng động. Công dân có ích cho xã hội có thể thành tích học tập không nổi bật nhưng để lại ấn tượng mạnh mẽ về tình yêu thương, sự chia sẻ, tính kiên nhẫn…

Hãy nhìn nhận năng lực thực tế của con, trân trọng nỗ lực phấn đấu của con, thấu hiểu nỗi buồn thi trượt của con mà chấp nhận hiện thực, tìm tòi vạch lối đi về phía trước, vững chắc và an yên!

Nguồn: Báo điện tử Dân trí


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày