-1-
Cách đây vài năm, bạn tôi được giới thiệu cho một người. Theo lời "quảng cáo", anh ta là một người rất đẹp trai, có công ăn việc làm ổn định, được nhiều người theo đuổi. Nhưng chỉ sau một lần gặp gỡ, bạn tôi quyết định không bao giờ gặp lại anh ta nữa.
Tôi hỏi lí do, bạn tôi trả lời ngắn gọn: "Vô văn hoá". Khi nói chuyện, bạn tôi cảm giác anh ta như đang cố thể hiện mình là người hài hước bằng cách kể những mẩu chuyện tiếu lâm đã quá phổ biến trên mạng. Khi gọi món, vì là nhà hàng tây nên thực đơn có tiếng nước ngoài, anh ta đọc tên mấy món ăn mà phát âm sai hết cả, nhân viên nghe không hiểu, phải nhìn theo hướng ngón tay anh chỉ.
Bạn tôi hỏi về công việc anh đang làm. Khi nhắc đến những thuật ngữ chuyên ngành, anh đều ngớ người không biết.
Sau buổi gặp mặt ấy, bạn tôi thiết lập quan điểm: "Những người thiếu hiểu biết như vậy, cho dù bề ngoài có hào nhoáng đến đâu, tôi cũng không thèm."
Tết năm ngoái, khi nói chuyện với bạn bè, tình cờ tôi nghe được tin về chàng trai bị bạn tôi "từ mặt" năm nào. Xảy ra một biến cố, anh ta bị điều chuyển đến bộ phận anh ta không thích. Mặc dù bất bình, nhưng do thiếu năng lực và thiếu lòng can đảm, anh đành cam chịu, không dám đệ đơn từ chức.
Anh cũng như bao người, ngày miệt mài làm việc nơi công ty, đêm nhâm nhi chén rượu giải sầu.
-2-
Ngày xưa học thạc sĩ, tôi học cùng một người vừa mới được lên làm chủ ở một nhà hàng "tiếng tăm".
Sau khi kết thúc học phần thạc sĩ, giáo viên hướng dẫn bảo tôi, nhà hàng của người này khó có thể duy trì được lâu.
Tôi không hiểu. Giáo viên hướng dẫn giải thích. Nhà hàng bây giờ quả làm ăn phát đạt, nhưng chủ yếu dựa vào tiếng tăm của người chủ trước. Người chủ mới mới hơn 30 tuổi, vẫn còn trẻ, chưa va vấp nhiều, kiến thức về quản lý hạn chế, bây giờ thành công chẳng qua là do có lộc.
Giáo viên hướng dẫn kể, ông đã gặp và nói chuyện với người chủ mới vài lần. Người ấy chỉ thích nói chuyện phiếm. Mỗi lần giáo viên hướng dẫn của tôi nhắc phải chuyên tâm học hành, người ấy đều ậm ừ cho qua.
Hai năm sau, tôi đi ngang qua nhà hàng của người này. Cánh cửa nay đã đóng kín, trên tường chi chít những hàng chữ: "Cho thuê mặt bằng", "Khoan cắt bê tông"…
Một người nhìn bề ngoài cho dù có thành đạt đến đâu, nếu không đọc sách để tích luỹ kiến thức, chỉ cần chờ 2 năm thôi, bạn sẽ thấy cuộc đời người ấy đã thay đổi chóng mặt thế nào.
-3-
Có một cặp sinh đôi, người anh thích đọc sách, người em lười đọc sách. Khi lên 30 tuổi, cuộc sống mỗi người rẽ một ngả.
Cặp sinh đôi này sống trong một gia đình nghèo khổ. Người anh ngay từ khi còn bé đã miệt mài vùi đầu trong những quyển sách, còn người em chỉ mải mê chơi bời lêu lổng. Sau khi học xong phổ thông, người anh tiếp tục lên đại học, còn người em vì kết quả học tập không tốt, đã bỏ học để đi làm thuê.
10 năm sau, người anh làm giảng viên cho một trường đại học danh tiếng. Vì có thành tích tốt, người anh được nhà trường cử đi học ở nước ngoài. Năng lực của người anh được nhiều người công nhận và đánh giá cao.
10 năm sau, người em đã kết hôn, có 1 đứa con nhỏ. Ngày ngày sau khi vất vả đi làm về, người em có sở thích mua vé số, mong sớm có cơ hội đổi đời. Con nhỏ bị làm sao, người em cũng không quan tâm. Những lúc buồn bực, người em lại trút giận lên vợ và con.
Cặp sinh đôi này mới 30 tuổi, nhưng chỉ nhìn đến đây, có thể dự đoán được cả cuộc đời họ sau này thế nào.
30 tuổi, cuộc đời phải chăng đã định hình? Có thể đúng, có thể sai, bởi tuổi 30 đa số chúng ta dành quá ít thời gian cho việc đọc sách, trong khi sách là thứ duy nhất đủ khả năng giúp ta cải biến vận mệnh, thay đổi cuộc sống.
-4-
Tôi không phủ nhận, có những người, dù cả đời không đụng đến một quyển sách nào, nhưng vẫn gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp. Tuy nhiên, khi nói chuyện với những người đọc sách, hay nói cách khác là những người có học, tôi luôn cảm thấy họ có có sức hút lớn hơn. Họ nhìn ra nhiều khía cạnh của cuộc sống, họ sống sâu sắc hơn, và khi họ sau 35 tuổi, họ chắc chắn hiểu và yêu quý cuộc đời hơn những người thành công mà không đọc sách.
Trước đây tôi đọc được câu này: Khi 35 tuổi, gia đình, công việc, cuộc sống về cơ bản đều đã ổn định. Sau 35 tuổi, bạn chỉ có 2 lựa chọn: Một là mãi mãi tuổi 35, hai là bắt đầu một cuộc sống mới.
Những người chịu khó đọc sách, họ sống trong một thế giới mở. Ngược lại, những người lười đọc sách, đa số bị mắc kẹt và có cái nhìn hạn hẹp về cuộc đời.
-5-
Khi nói đến việc đọc sách, tôi không yêu cầu các bạn phải đọc những quyển sách quá cao siêu, quá bác học. Tôi chỉ mong các bạn hãy rèn luyện cho mình thói quen không ngừng học hỏi, làm theo lời dạy của Lê-nin: Học, học nữa, học mãi.
Sẽ có người phản bác: "Mài đũng quần trên ghế nhà trường bao nhiêu năm, đọc và học qua bao nhiêu đầu sách, cuối cùng vẫn phải làm một công việc bình thường, vẫn phải cưới một ai đó, rồi lên làm cha làm mẹ, tiếp tục gồng mình làm việc vì miếng cơm manh áo. Quanh đi quẩn lại, đời người chỉ có thế, đọc hay không đọc thì cũng vẫn khổ thế thôi."
Đúng, đời là bể khổ. Nhưng đọc sách có thể làm ta bớt khổ.
Bởi chỉ khi không ngừng học tập, không ngừng đọc sách, chúng ta mới có tác phong đĩnh đạc, nói năng lưu loát, làm việc gì cũng chắc chắn, tự tin.
Bởi chỉ khi không ngừng học tập, không ngừng đọc sách, chúng ta mới có thể nhận thức được sâu hơn bề nổi của tảng băng chìm.
Bởi chỉ khi không ngừng học tập, không ngừng đọc sách, chúng ta mới có thể nhận ra: "Sau tất cả, mọi nỗ lực cố gắng chúng ta bỏ ra chỉ để thuyết phục bản thân chúng ta làm những việc cần phải làm."
Và cuối cùng, chỉ khi đọc sách, thế giới quan của bạn mới được mở rộng, và bạn không lo phải "chết" ở tuổi 35.
© 2024 | Thời báo ĐỨC