Tôi cũng đã nhiều lần phát biểu quan điểm rằng, giáo dục VN bây giờ không phải là khó, là "nặng đô", là "hàn lâm", mà là sai, là rối, là nhiễu và nhất là vô bổ. Học mà không biết để làm gì, thi xong là vứt đi.
Đọc đề thi của VNCH trước đây hay đề của Pháp, Mỹ bây giờ mới thấy nó đòi hỏi một lượng kiến thức cũng như khả năng tư duy rất lớn.
Trong khi đó, ở ta thì "muôn thủa vợ chồng A Phủ". Có một nhúm kiến thức trong sách giáo khoa nhưng chỉ nội cái việc lo học thuộc để trả bài cũng không xong. Vì sao vậy? Vì nó nhàm chán, không ích lợi, vì lối dạy và học nhồi nhét, không còn không gian cho tư duy và tìm kiếm, sáng tạo.
Cho nên, dù chỉ "một nhúm kiến thức" nhưng vì quá xơ cứng, lại học theo kiểu ghi nhớ ép buộc chứ không kích thích tư duy và không đáp ứng nhu cầu hiểu biết tự thân, nên lâu dần học sinh đâm ra ngán học, sợ học. Việc học đáng ra là niềm vui thú đẹp đẽ nhất trong đời người thì lại bị biến thành một nỗi thống khổ, đày ải. Vật vã đến trường, vật vã trở về...
Giáo dục phải thay đổi theo hướng đáp ứng sở thích cá nhân và thủ đắc cái có ích (thực dụng) để thỏa mãn đòi hỏi tự thân của người học và nhu cầu của xã hội, chứ không phải học để thi; học để phát triển con người chứ không phải học để lấy điểm. Chỉ khi đó, sự học mới thật hữu ích và mang tới niềm vui chân thật. Bằng không, thay vì vun trồng, giáo dục chỉ đang tàn phá.
Nhà giáo Thái Hạo
© 2024 | Thời báo ĐỨC