Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu như vừa nêu khi trả lời báo chí nhà nước hôm 6/6/2022.
Đương kim Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bị khai trừ ra khỏi đảng bởi Hội nghị bất thường của Ban chấp hành Trung ương đảng cộng sản Việt Nam được Bộ Chính trị triệu tập vào chiều ngày 6/6/2022. Trước đó, cựu thứ trưởng Bộ Khoa học- Công nghệ Phạm Công Tạc cũng bị nhận kỷ luật đảng với cùng lý do có vi phạm liên quan đến Công ty Cổ phần Việt Á và Bộ Y tế.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ tài nguyên - Môi trường, khi trả lời RFA hôm 7/6, nhận định:
“Tôi cho rằng với tình hình hiện nay thì tính răn đe là có. Sự thật mà nói hiện nay có rất nhiều cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh khi ký một quyết định nào đó rất ngại liệu mình ký có vi phạm gì không? Mà hệ thống pháp luật của Việt Nam khá phức tạp, có khi một vấn đề mà điều chỉnh luật này một tí, luật khác một tí, vì vậy phải có tư vấn luật pháp, nên cũng đủ sức răn đe.”
Nhưng theo ông Võ, vi phạm ở Việt Nam nếu tìm cho hết thì chắc cũng còn nhiều người có sai phạm, mà chỉ một số người bị phát hiện, còn một số vẫn vi phạm nhưng chưa lật ra hết được. Do đó ông Võ cho rằng, có thể là chưa thật sự bình đẳng trong việc rà soát các khuyết điểm của cán bộ, nên có thể lọt lưới khá nhiều người.
Có những việc khác họ cũng có thể bị khai trừ nhưng họ vẫn vơ vét, kiếm được một mớ cho vợ con, cho người thân dòng tộc ở biệt phủ, đi xe siêu siêu sang, có quốc tịch nước ngoài… thì tội gì họ không làm nếu họ không phải ở tù, mà thậm chí kể cả phải ở tù họ cũng làm.
-Võ Minh Đức
Còn Cựu Đại úy quân đội Võ Minh Đức khi nói với RFA hôm 7/6 về nhận định của ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, hình thức khai trừ đảng không đủ sức răn đe:
“Cái đó không ăn thua đâu, hình thức khai trừ mang tính chất nội bộ của một tổ chức đảng phái chính trị, của một nhóm người. Do Việt Nam khác với các nước, chỉ có một đảng nên họ nghĩ đó là hình thức kỷ luật nặng. Nhưng với thời buổi nền kinh tế thị trường thì bản chất con người còn tư tưởng tư hữu, người ta cứ vơ vào cho mình của cải vật chất. Ai cũng muốn làm giàu, nhưng vấn đề là làm giàu bằng cách nào? Người có chức có quyền thì họ làm giàu bằng cách dùng chức quyền của họ để làm giàu.”
Theo ông Võ Minh Đức, chuyện khai trừ đảng hay cảnh cáo, khiển trách là lỗi thời. Ông nói tiếp:
“Theo tôi suy nghĩ đó là lỗi thời, họ không sợ đâu, mức kỷ luật như thế chẳng thấm thía gì. Những việc tày trời thì khác, nhưng có những việc khác họ cũng có thể bị khai trừ nhưng họ vẫn vơ vét, kiếm được một mớ cho vợ con, cho người thân dòng tộc ở biệt phủ, đi xe siêu siêu sang, có quốc tịch nước ngoài… thì tội gì họ không làm nếu họ không phải ở tù, mà thậm chí kể cả phải ở tù họ cũng làm. Người Việt Nam có một câu, đặc biệt là một số người ở khu vực phía Bắc hay nói ‘hy sinh đời bố, củng cố đời con’… là như thế thôi, họ chấp nhận hết.”
Cho đến tối ngày 7/6/2022, Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã có quyết định bổ sung, khởi tố và bắt tạm giam đối với cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh và cựu thứ trưởng Bộ Khoa học- Công nghệ Phạm Công Tạc với cáo buộc có vi phạm liên quan đến Công ty Cổ phần Việt Á và Bộ Y tế.
Ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch Hà Nội (trái) và ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế (phải). RFA edited.
Giáo sư Đặng Hùng Võ giải thích thêm về quản lý cán bộ ở Việt Nam:
“Việt Nam có quy định về cấp quản lý con người, ví dụ có những người Bộ Chính trị quản lý trực tiếp, có nhóm người thì Ban Bí thư quản lý hoặc cấp bộ quản lý… Tức là tùy theo cấp bậc trong chính quyền, trong đảng của người đó, thì có quy định tương ứng là cấp quản lý là cấp nào. Ví dụ cao nhất là Bộ Chính trị quản lý, tiếp theo là Ban Bí thư quản lý. Thế còn khi kỷ luật thì cũng là cấp quản lý, nếu Bộ Chính trị quản lý mà muốn đưa ra kỷ luật ở mức độ nặng, thì phải thông qua Ban Chấp hành Trung ương…”
Trong quá khứ, đã có nhiều thành viên Bộ chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam bị kỷ luật, có trường bị khai trừ đảng… Tuy nhiên không phải ai cũng bị khởi tố, bắt giam.
Đơn cử như trường hợp ông Trương Tấn Sang tại Hội nghị Trung ương 7 năm 2003, ông bị kỷ luật ‘bằng hình thức khiển trách’ vì trong thời kỳ làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chưa làm tròn trách nhiệm. Tuy vậy, đến Đại hội Đảng X năm 2006, ông tiếp tục được bầu vào Bộ Chính trị, và sau đó vào năm 2011 trở thành Chủ tịch nước.
Dù lãnh đạo đảng cho rằng hình thức kỷ luật khai trừ đảng đủ sức ‘răn đe’, nhưng nhiều năm qua vẫn có rất nhiều cán bộ cấp cao vướng vòng lao lý như ông Đinh La Thăng, Hoàng Trung Hải, Lê Thanh Hải, Nguyễn Văn Bình…
Ở cấp thấp hơn tại nhiều địa phương như ở Bình Thuận hay Khánh Hòa, Bình Dương... nhiều vị bí thư, chủ tịch, người đứng đầu Đảng bộ, chính quyền cũng mắc sai phạm bị xử lý Đảng, chính quyền, kể cả hình sự… Như Bí thư tỉnh Quảng Ngãi, ông Lê Viết Chữ, bị Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2020 quyết định kỷ luật vì những sai phạm liên quan đất đai.
Hay vào năm 2021, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đề nghị kỷ luật ông Trần Văn Nam, Bí thư tỉnh uỷ Bình Dương, do vi phạm qui định pháp luật về đất đai, gây thất thoát lớn cho ngân sách Nhà nước.
Mới nhất là vào tháng 4 năm 2022, hai cựu Bí thư, Chủ tịch tỉnh Bình Thuận bị kỷ luật Đảng vì những sai phạm trong quản lý đất đai.
Người ta không sợ vì người ta nghĩ phạm có thể trốn tránh, được bao che… nhưng bây giờ lại bị phát hiện ra. Nhưng có những người họ không sợ khai trừ đảng, đấy là những người giữ được phẩm chất, nhưng bị gọi là tự diễn biến tự chuyển hóa.
-Giáo sư Nguyễn Đình Cống
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một đảng viên đã từ bỏ đảng khi trao đổi với RFA hôm 7/6, thì cho rằng:
“Họ nói như thế ý là kỷ luật để răn đe, nhưng rồi cũng là để trừng phạt, đấy là mục đích của kỷ luật.
Trong đảng thì họ kỷ luật, nhưng nếu ra dân sự thì phải thi hành những hình phạt. Tất nhiên đứng sau sự trừng phạt ấy cũng có tính răn đe đối với những người chưa vi phạm.
Tôi không biết đối với những nước tư bản, các đoàn thể trong đảng Dân chủ, đảng Cộng hòa của Mỹ chẳng hạn, có hình thức kỷ luật đối với đảng viên hay không? Chứ ở những nước Xã hội Chủ nghĩa ví dụ như trong Công đoàn, Thanh niên, Mặt trận… tổ chức nào cũng có hình thức kỷ luật, còn trong Đảng kỷ luật cao nhất là khai trừ ra khỏi Đảng.”
Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, trên thực tế cũng có người sợ bị khai trừ đảng và cũng có người không sợ. Ông nói tiếp:
“Người ta không sợ vì người ta nghĩ phạm có thể trốn tránh, được bao che… nhưng bây giờ lại bị phát hiện ra.
Nhưng có những người họ không sợ khai trừ đảng, đấy là những người giữ được phẩm chất, nhưng bị gọi là tự diễn biến tự chuyển hóa.
Những người này chống lại Mác-Lênin nên người ta không sợ khai trừ đảng, thậm chí người ta tuyên bố từ bỏ đảng.
Nhưng có một số khác vì tham nhũng, nên muốn có được chức quyền cho to, cho cao thì lại sợ bị khai trừ. Ở trong hình thức đảng thì rất đông đảng viên sợ bị khai trừ, vì người ta cho rằng bị đảng khai trừ là một sự xấu xa bỉ ổi.”
Cựu Trung tá quân đội Vũ Minh Trí khi trả lời RFA trước đây cho rằng, nếu cứ duy trì trạng thái độc đảng và chỉ có một đảng lãnh đạo, thì đương nhiên không thể khắc phục tình trạng cán bộ tham nhũng.
RFA
© 2024 | Thời báo ĐỨC