Bạn nào đã làm việc cho công ty nước ngoài mà có tác phong hời hợt, vật vờ, vô trách nhiệm thì bị sa thải ngay, mà khả năng cao là trượt ngay ở vòng phỏng vấn.
Ở các công ty tư nhân cũng vậy, tác phong làm việc chậm chạp, hời hợt, làm cho có cũng không tồn tại được lâu, bởi một sự chậm chạp, hay hời hợt chính là sự thâm hụt tiền bạc.
Sự việc cậu giáo viên 24 tuổi làm chết một cháu nhỏ lớp 9 đáng để chúng ta nhìn sự việc ở một góc độ nghiêm túc để sửa chữa. Đừng nói là cậu ấy trẻ.
Người không có được thái độ làm việc nhiệt tình, năng nổ, không có khát vọng vươn lên về chuyên môn thì sẽ tiếp tục như vậy sau 10, 30 năm nữa, trừ khi có một sự kiện trong cuộc đời khiến họ bị sốc.
Tôi có nhiều cơ hội làm việc với người nước ngoài, đặc biệt là các phóng viên, một điểm chung là vô cùng nhanh nhẹn, vô cùng ráo riết, tận tâm, tận lực trong công việc. Người trẻ hay có tuổi đều như vậy, tuổi tác không bao giờ là yếu tố liên quan tới chất lượng công việc.
Người trong hệ thống có thể đọc và tự ái khi tôi dùng từ vật vờ. Nói từ ấy là còn nhẹ. Nếu tự ái thì cho tôi hỏi là những vụ tham nhũng kinh hoàng xảy ra ở đâu? Không ở hệ thống thì ở đâu?
Người trong hệ thống đa phần làm vì miếng ăn, chỗ đứng trong xã hội chứ không có một lý tưởng phục sự nhân dân, phụng sự đất nước.
Làm chỉ để thoả mãn cái khát vọng tiền bạc và địa vị của riêng mình, để "đánh quả" như kiểu Việt Á, hay Chuyến Bay Giải Cứu. Tất nhiên cũng có những con người trong hệ thống có tâm, có tầm nhưng họ quá ít ỏi nên không thể át đi được số đông "xôi thịt" kia.
Chính bởi không có lý tưởng nên khi được giao công việc, họ làm một cách tác trách, vật vờ, hời hợt như cậu giáo viên dạy bơi kia.
Nếu vào một con người có ngọn lửa bên trọng, họ sẽ coi thời gian với mấy chục đứa trẻ là một cơ hội để kết nối, để truyền cảm hứng, nhiệt tình sống và tình yêu với nước, với bơi lội.
Người thầy đứng trên bục giảng, nếu yêu nghề sẽ yêu phấn, bảng, yêu không khí lớp học, yêu khuôn mặt học trò, người thực sự yêu bơi lội, sẽ yêu cái cảm giác nước đập vào mặt, ve vuốt toàn thân, cảm giác trườn người trên nước để lao đi.
Người thầy dạy bơi lội, nếu có được tình yêu ấy sẽ biết truyền cảm hứng cho trò, sẽ chăm chú mà truyền dạy. Đằng này, cậu giáo viên 24 tuổi kia còn không biết một điều sơ đẳng về sự nguy hiểm của nước.
Nam sinh lớp 9 đơn giản là đi từ chỗ nông ra chỗ sâu hơn, bị ngợp nước, chới với rồi chìm. Khi cho trẻ nhỏ tắm ở ao hồ, nước đục còn nguy hiểm hơn, rồi ra biển thì nguy hiểm gấp nhiều lần hơn nữa. Nhưng phụ huynh ít trải nghiệm cuộc sống thì không hiểu được điều này.
Có bao nhiêu ông bố, bà mẹ ngồi trên bờ, sau một con sóng là không thấy con đâu? Có những điều tưởng là ai cũng biết nhưng không phải vậy. Năm nào chẳng có biết bao trẻ nhỏ chết đuối ở sông hồ, ở biển.
Không phải tôi nhân một sự việc để tranh thủ nói xấu hệ thống, nói xấu con người trong hệ thống hay ngành giáo dục. Tôi nói ở đây là về những gì tôi cảm nhận chân thực về con người Việt Nam hiện tại. Làm cái gì cũng phải chú tâm, đấy là một thói quen sống dẫn tới thành công.
Mà không hứng thú thì bỏ hẳn, nhất định tìm được thứ có thể thu hút 100% năng lượng và cảm hứng trong mình. Chỉ khi có được điều ấy thì một người mới có cảm giác hạnh phúc và có thể làm tốt việc của mình.
THÓI HỜI HỢT ĐÃ LÀM THIỆT MẠNG MỘT ĐỨA TRẺ!
Điều cần nói về vụ nam sinh lớp 9 tử vong tại bể bơi của Trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam. Tiết bơi này do thầy giáo Trần Lâm Thắng, 24 tuổi dạy buổi đầu tiên ngày 22.8.
Dạy bơi cho trẻ mà cứ cắm mặt vào điện thoại, để trò tự bơi dưới nước, đến khi hết tiết vẫn không biết trò nằm dưới bể bơi. Đến khi lao công phát hiện mới biết.
Với tôi, đây là thói hời hợt của đa phần con người Việt Nam nói chung, làm chỉ để có việc làm, chỉ để có được đồng lương. Nếu không yêu thích công việc mình làm thì không làm, tìm bằng được việc mình yêu thích, say mê. Khi đã tìm được thì làm với đầy đủ con tim, khối óc, tinh thần trách nhiệm của mình.
Tiết học đầu tiên mà đã vô trách nhiệm, thờ ơ như thế thì sau 10, 20, 30 năm sau thì sẽ đến đâu?
Có người bảo tôi, sự việc đã xảy ra rồi, không nên nói. Vậy nếu cháu bé kia là con, là cháu của bạn thì bạn có nói như vậy nữa không?
Thương cho cháu bé và gia đình cháu!
Nhà văn Đoàn Bảo Châu
© 2024 | Thời báo ĐỨC