Hậu quả từ bệnh cuồng Nga của một số người Việt

Sự kiện Ukraina một lần nữa cho thấy sự chia rẽ trong dư luận Việt Nam. Rất đông người dân lên tiếng ủng hộ Ukraina, nhưng cũng có nhiều người, đặc biệt là những “chuyên gia quân sự” lại ủng hộ quyết liệt cho nước Nga và Tổng thống Putin.

1 Hau Qua Tu Benh Cuong Nga Cua Mot So Nguoi Viet

Đại tá Lê Thế Mẫu

Các “chuyên gia quân sự” ủng hộ Nga và Putin

2 Hau Qua Tu Benh Cuong Nga Cua Mot So Nguoi Viet

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một họp báo ở điện Kremlin, Moscow hôm 18/2/2022

Cuộc chiến tranh xâm lược của Nga đối với Ukraina đã sang tuần thứ ba liên tiếp nhưng dường như chiến sự vẫn chưa hề giảm bớt. Những tin tức về người chết, thương vong, các cơ sở bị tàn phá, vẫn liên tiếp xuất hiện trên truyền thông, khiến người ta không khỏi đau lòng.

Trong số những người ủng hộ “vô điều kiện” đó, phải kể đến ba “chuyên gia quân sự” nổi đình nổi đám ở Việt Nam, đó là Thiếu tướng Lê Văn Cương, Đại tá Lê Thế Mẫu và Lê Ngọc Thống - một cựu sĩ quan Hải quân, một chuyên gia bình luận quân sự.

3 Hau Qua Tu Benh Cuong Nga Cua Mot So Nguoi Viet

Tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Chiến lược Bộ Công An, là một người nhiệt thành ủng hộ nước Nga và ông Putin. Trong cuộc xâm lược này của Nga, không hiểu ông tướng này hiểu biết thế nào mà nhất định khăng khăng đây chỉ là “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga chứ không phải xâm lược vì “ông Putin đã nói vậy” (1).

Lê Ngọc Thống thường xuyên xuất hiện trên YouTube để phân tích tình hình Nga - Ukraina. Ngoài ra ông ta còn có một trang blog cũng cập nhật tình hình thế giới (2). Ông ta cũng tích cực đưa các bài viết ngắn về quan điểm của mình trên FB cá nhân (3).

Bài viết mới nhất của ông ta trên FB cá nhân đã hớn hở và hồ hởi” khi tường thuật về việc Nga dùng tên lửa tấn công các tình nguyện viên đến tham chiến để bảo vệ Ukraina. Dường như ông ta rất khoái các cảnh giết chóc, nhưng miễn là Nga thắng là ông ta “mát lòng”.

Đại tá Lê Thế Mẫu - nguyên Trưởng Phòng thông tin KHQS, Viện Chiến lược Quốc phòng, thì còn kinh khủng hơn. Ông này mang danh đã từng làm việc tại Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc Phòng Việt Nam, thế nhưng tư duy lại mang đậm dấu ấn của một người “cuồng Nga” và “cuồng Putin”. Có nghĩa là bất kể như thế nào, trong mắt ông Lê Thế Mẫu, thì nước Nga và ông Putin luôn luôn đúng.

Nếu như ông Lê Văn Cương gần đây khi bị chỉ trích của nhiều người, đã ít xuất hiện trên báo chí truyền thông, ông Lê Ngọc Thống chỉ xuất hiện trên những tài khoản cá nhân của ông ở các mạng xã hội, thì ông Lê Thế Mẫu vẫn “chễm chệ” trên báo chính thống.

Ai là “cường quyền”?

Trong bài trả lời phỏng vấn trên tờ Viettimes mới đây (4), ông Mẫu khiến nhiều người phải “bàng hoàng” khi một người có uy tín, trình độ, ảnh hưởng đến công chúng, nhưng lại bộc lộ một kiểu lập luận trí trá, đổi trắng thay đen.

4 Hau Qua Tu Benh Cuong Nga Cua Mot So Nguoi Viet

Khi phóng viên hỏi về “học thuyết chính trị cường quyền” mà Đại sứ Việt Nam tại LHQ Đặng Hoàng Giang có phát biểu ngày 2/3 trong cuộc họp lên án Nga tại Đại hội đồng LHQ thì ông Mẫu khẳng định: “…trong cuộc xung đột Nga-Ukraina hiện nay, chính Mỹ và NATO toan tính sử dụng sức mạnh quân sự để thực thi một học thuyết địa-chính trị đã hoàn toàn lỗi thời, còn Nga buộc phải đáp trả không chỉ để bảo đảm an ninh cho chính mình mà còn là để hóa giải hiểm họa một cuộc chiến tranh lớn giữa Nga và NATO ở châu Âu.” (5)

Khi nghe hay đọc toàn bài phát biểu của Đại sứ Đặng Hoàng Giang, chúng ta đều hiểu rõ Đại sứ đã ám chỉ đến hành động của nước Nga trong trường hợp này chính là “học thuyết chính trị cường quyền đã lỗi thời”, khi ông ta phát biểu:

“Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc. Mọi tranh chấp quốc tế cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, bao gồm các nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.

Tất cả các quốc gia lớn hay nhỏ đều phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản này. Do đó, Việt Nam hết sức lo ngại về tình hình xung đột vũ trang hiện nay ở Ukraine, một quốc gia thành viên có chủ quyền của Liên Hợp Quốc.”

Ai cũng đều hiểu, việc Nga tấn công một quốc gia có chủ quyền như Ukraina là một hành động vi phạm nghiêm trọng đến Hiến chương LHQ, nhưng chỉ có ông Lê Thế Mẫu đã “đổi trắng thay đen” khi đổ lỗi đó cho Mỹ và NATO (6).

Singapore - một quốc gia nhỏ mà không nhỏ đã nêu rõ vấn đề này:

“Singapore là một quốc gia ủng hộ nhất quán và trung thành đối với luật pháp quốc tế và các nguyên tắc được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ). Chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ đều phải được tôn trọng. Singapore coi trọng bất kỳ hành vi vi phạm nào đối với những nguyên tắc cốt lõi này, vì chúng là nền tảng cho sự tồn tại của Singapore, một quốc gia nhỏ bé…Các biện pháp trừng phạt và hạn chế này nhằm hạn chế năng lực của Nga trong việc tiến hành chiến tranh chống lại Ukraine và làm suy yếu chủ quyền của nước này.” (7)

Giải thích rõ hơn về quan điểm chính thức của Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã chỉ rõ:

“Theo tôi, với nước Nga, một người bạn truyền thống, từng giúp đỡ nghĩa tình cho Việt Nam, chúng ta ủng hộ Nga là một cường quốc trên thế giới, ủng hộ bảo đảm an ninh của nước Nga trong nội địa và không bị uy hiếp ngoài biên giới, không đồng tình với các lệnh trừng phạt kinh tế, bao vây, cấm vận áp đặt lên nước Nga.

Nhưng đồng thời cũng góp ý với bạn, trước hết không đồng tình khi chủ quyền, lãnh thổ các nước không được tôn trọng theo luật pháp quốc tế, bất luận là hình thức nào. Việc dùng chiến tranh hoặc sức mạnh để giải quyết tranh chấp là không thể chấp nhận, chúng ta cũng không đồng tình khi cuộc chiến này sẽ tạo ra các tiền lệ xấu trong quan hệ quốc tế. Với Ukraine, chúng ta ủng hộ người bạn của mình bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ danh dự quốc gia. Chúng ta chân thành mong muốn Ukraine hòa bình, không bị áp đặt bởi chính trị cường quyền, không phải chịu đựng chính sách "ngoại giao pháo hạm" của nước lớn.” (8)

Như vậy, với phát biểu của tướng Vịnh, đã chỉ rõ ai là “cường quyền” “vi phạm luật pháp quốc tế” ở đây, đó chính là Nga.

5 Hau Qua Tu Benh Cuong Nga Cua Mot So Nguoi VietMột khu dân cư bị tàn phá do chiến tranh ở Kyiv hôm 15/3/2022. AFP

Thế nào là “cường quyền”?

Để hiểu về “chính trị cường quyền”, chúng ta có thể tham khảo một nghiên cứu của hai tác giả PGS, TS Nguyễn Viết Thảo,Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và TS Ngô Chí Nguyện, Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Các tác giả này đã đưa ra phân tích khách quan về mối quan hệ giữa nước lớn và nước nhỏ:

“Xuất phát từ sự chênh lệch vượt trội về tầm vóc và sức mạnh, các nước lớn thường mang tâm lý “đại quốc” và do đó thường có hành vi coi thường, lấn lướt và bắt nạt “tiểu quốc”.

Ngược lại, các nước nhỏ thường phải kiềm chế, nhẫn nhịn, tôn trọng vị thế nước lớn, có khi, buộc phải “tuân theo” các nước lớn để được yên ổn.

Sự bất đối xứng càng lớn cộng với sự gần gũi về mặt địa lý và những va chạm lịch sử sẽ càng làm gia tăng tâm lý và hành vi nước lớn - nước nhỏ.

Trong mối quan hệ nước nhỏ với nước lớn, nước lớn thường làm chủ và có ảnh hưởng chi phối. Thông qua những đòn bẩy đa dạng, các nước lớn có thể ràng buộc, tác động tới việc định hình chính sách và hành vi, khiến các nước nhỏ hơn phải quan tâm tới lập trường, ý kiến và lợi ích của họ.

Trong mối quan hệ lợi ích, các nước lớn thường bỏ qua hoặc xem nhẹ lợi ích của các nước nhỏ. Khi mâu thuẫn, xung đột, tranh chấp xảy ra thì các nước lớn thường gây sức ép, buộc nước nhỏ phải thuận theo mình, bất chấp luật pháp quốc tế cũng như lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nước nhỏ…

Dù lựa chọn nào thì trong quan hệ với nước lớn, “nhẫn nhịn”, “kiềm chế”, giữ được “hòa hiếu” là lựa chọn của hầu hết các nước nhỏ. Nhưng nhẫn nhịn và kiếm chế đến đâu là hợp lý, là giới hạn vừa đủ là vấn đề không dễ xác định trên thực tế, đặc biệt là khi nước lớn và nước nhỏ có mâu thuẫn, tranh chấp về lợi ích quốc gia cơ bản.

Trong quan hệ với nước lớn, đôi khi chỉ một sự thiếu kiềm chế của nước nhỏ có thể dẫn tới những hệ quả tai hại. Tuy nhiên, bất cứ sự nhẫn nhịn hay nhượng bộ nào cũng đều có nguyên tắc và giới hạn nhất định.

Trên thực tế, ranh giới giữa nhẫn nhịn, kiềm chế với nhịn nhục, cúi mình, cầu hòa, sợ hãi là rất mong manh và khó xác định.

Nó phụ thuộc vào tầm nhìn, bản lĩnh, kinh nghiệm, sự nhạy cảm và nghệ thuật của người lãnh đạo. Hơn nữa, lịch sử đã chỉ ra rằng, đối mặt với tham vọng của nước lớn, các nước nhỏ nếu thiếu bản lĩnh, không giữ vững lập trường chiến lược, thậm chí nhịn nhục hay nhượng bộ một cách thiếu nguyên tắc sẽ khiến nước lớn tiếp tục lấn tới và nước nhỏ sẽ phải tiếp tục nhượng bộ, có nguy cơ bị nước lớn chèn ép…” (9)

Toan tính của Putin là gì?

PGS, TS Nguyễn Anh Tuấn, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ukraine kiêm nhiệm tại Moldova (2017 - 2020) đã đưa ra lý giải về toan tính của ông Putin như sau:

“Tổng thống Nga V. Putin đã triển khai được năm bước đi lớn:

1- Gia tăng sự hiện diện quân sự tại Ukraine và gây ảnh hưởng lên các nước vùng Baltic;

2- Phô trương được sức mạnh quân sự cùng một lúc trên tất cả các mặt trận; 3- Cộng hưởng với Trung Quốc trong cuộc đua với Mỹ tiến tới vị trí trung tâm của vũ đài quốc tế;

4- Gửi tới Mỹ và NATO bản đề nghị an ninh gồm tám điểm với các điều kiện tiên quyết, trong đó nêu rõ những quan ngại về an ninh của Nga; 5- Đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao con thoi để trao đổi với các nước. Những động thái này góp phần bảo vệ và củng cố thể chế của nước Nga, nhất là vị thế, uy tín của Tổng thống Nga V. Putin.” (10)

TS Phan Thị Thu Dung cũng chỉ rõ mục đích của ông Putin khi tiến hành tấn công Ukraina, đó là:

“Mục tiêu sâu xa hơn của quyết định đó là đưa Ukraine trở lại phạm vi ảnh hưởng nhằm tạo sức mạnh đối trọng với NATO, tái thiết lập vùng đệm an ninh giữa Nga và phương Tây, như chiến lược trước đây Liên Xô từng theo đuổi, thiết kế lại bản đồ an ninh châu Âu và đưa Nga trở lại “bàn cờ” dành cho những siêu cường.” (11)

GS, TS Phạm Quang Minh còn đưa ra thêm một lý giải cho động cơ của ông Putin khi thực hiện hành động tấn công Ukraina:

“Ngoài ra, còn một yếu tố liên quan đến cá nhân Tổng thống Putin mà tôi thấy người ta cũng ít nhiều nói đến.Tính đến nay đã là năm thứ 22 ông liên tục cầm quyền, lúc ở ghế tổng thống, lúc ở ghế thủ tướng.

Chúng ta nhớ là khi chính thức cầm quyền năm 2000, ông ấy mới 48 tuổi, bây giờ đã trở thành một ông già 70 tuổi. Có lẽ, thời gian cũng không còn chờ đợi ông nhiều nữa và đây là lúc ông muốn để lại một dấu ấn, một di sản nào đó chăng?” (12)

Vì sao Việt Nam có nhiều người cuồng Nga?

Sự kiện Ukraina đã cho thấy một sự thật là có rất nhiều người Việt Nam “cuồng Nga”.

Nhưng vì sao như vậy? Các nguyên nhân có thể là

  • 1) Nhiều người đã từng học tập và làm việc ở Liên Xô nên có tình cảm sâu đậm với Liên Xô;
  • 2) Tâm lý chịu ơn một cách mù quáng;
  • 3) Sùng bái kẻ mạnh một cách mù quáng, cho dù kẻ mạnh đó là kẻ ác;
  • 4) Luôn nuôi dưỡng sự căm thù Mỹ và Phương Tây.

Thạc sĩ Lê Duy Ninh - Một người đã từng học tập tại Nga, đã cho biết trên FB cá nhân của mình:

“Bạn học thời CCCP (Liên Xô) của mình đăng status, trong đó có đoạn thể hiện sự phản đối với việc Putin phát động cuộc chiến tranh chống người hàng xóm, đồng thời cũng từng là người anh em Ucraina (Ukraine).

Một bạn (cũng từng học bên bển) ngay lập tức comment: mày là thằng ăn cháo đái bát, đồ phản bội! Mày phải nhớ là mày từng ăn cơm Nga, mặc áo Nga, thở khí trời Nga, học chữ của thầy Nga. Mày không ủng hộ Nga thì hãy im cái mồm thối mày lại và chấm dứt ngay các trò chọc ngoáy nhé !!!

Rồi bla, bla, bla với thứ ngôn từ rất chợ búa…!!!

Sai lầm Một: Bạn đã đồng nhất CCCP với nước Nga!?.

Xin Bạn nhớ cho: CCCP là Liên bang ngoài Nga còn 14 quốc gia, trong đó có Ukraina.

Vậy, một cách hiển nhiên và công bằng, trong những hạt cơm ta ăn, trong những tấm áo ta mặc, trong từng lít không khí ta thở, trong hàng triệu triệu con chữ mà ta thu nhận được… có cả công sức và tình yêu thương của nhân dân Uk mới phải chứ, sao Bạn chỉ ghi nhận cho người Nga !!!???.(xin nói rõ: mình học ở Leningrat-cố đô Nga, cùng ngôi trường nơi mà Putin và Metvedep cũng đã từng học!!!)

Sai lầm Hai: Bạn coi cá nhân Pu là nhân dân Nga!? (Thưa, Pu phát động cuộc chiến tranh này không hề thông qua QH và bất kỳ định chế dân chủ nào của nước Nga).

Quyết định tấn công Uk là của cá nhân ông ta-một người bị nhiều người gọi là kẻ độc tài của thế kỷ 21, là Sa hoàng mới (và một số người thân cận), do vậy, nếu sai, thì ông ta phải hứng chịu sự chỉ trích, lên án và việc trả giá (bi tuyên tội phạm chiến tranh chẳng hạn) phải thuộc về ông ấy chứ không thể là của nhân dân Nga.

Sai lầm Ba: Giả sử, nếu thật sự ta đã và chỉ từng ăn cơm Nga, mặc áo Nga, thở khí trời Nga, học chữ của thầy Nga; cũng vậy, giả sử có sai lầm và sai lầm này là của tuyệt đại đa số người Nga thì không có nghĩa chúng ta phải im lặng, phải không được quyền lên tiếng vì, và chỉ vì, đã lỡ mang ơn họ!.

Hình như tư duy lý tính của Bạn đang bị con tim tội nghiệp dẫn dắt hoặc chính nó đã hư hỏng do nhận thức sai lầm hoặc bị nhồi sọ.” (13)

Tâm sự của ông Lê Duy Ninh cũng chính là câu trả lời cho những người cuồng Nga này.

Tâm lý “Ghét Mỹ, cuồng Nga”

Những người ủng hộ Nga và ông Putin trong việc xâm lược Ukraina cũng thể hiện một điều “thâm căn cố đế” trong tư duy của giới quân sự Việt Nam. Đó là họ luôn căm ghét Mỹ và phương Tây, và ủng hộ Nga và Trung Quốc. Chúng ta còn nhớ nhà thơ Việt Phương đã từng ghi nhận lại trong bài thơ của ông: “Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ. Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thuỵ Sĩ”. Người Việt Nam thấy trăng Trung Quốc tròn hơn nước Mỹ vì Trung Quốc là anh em còn Mỹ là kẻ thù.

Ngay mới đây, một bài viết đăng trên báo Quân đội nhân dân vẫn thể hiện quan điểm bênh Nga: “Nga chắc chắn là quốc gia không muốn gây xung đột với Ukraine. Bởi điều đó gây bất ổn cho chính nội tại nước Nga…Mỹ, với chiêu bài kích động xung đột leo thang, một mặt liên tục tố cáo Nga có thể xâm lược Ukraine “vào bất kể lúc nào”…Xét từ nhiều phương diện, dù xung đột Nga-Ukraine có leo thang thành chiến tranh hay không, thì Mỹ vẫn có thể “ngư ông đắc lợi”.” (14)

Thực tế đã chứng minh ngược lại với luận điểm này. Thế nhưng tâm lý “ghét Mỹ” ấy vẫn còn đang “ngự trị” trong giới quân sự Việt Nam khi các học thuyết quốc phòng của quân đội Việt Nam hiện nay vẫn coi Mỹ là “kẻ thù chính yếu”, trong khi Trung Quốc mới là kẻ thù nguy hiểm luôn rình rập biển đảo của Việt Nam, còn Mỹ đang cùng Việt Nam chống lại các hành động hung hăng, bất chấp luật pháp quốc tế trên Biển Đông.

Hậu quả

Chính phủ Việt Nam mặc dù tuyên bố trung lập, không thiên vị bên nào trong cuộc xung đột Nga - Ukraina (15), nhưng lại để cho “đám cuồng Nga” mặc sức kêu gào và cổ vũ cho một hành động vi phạm Hiến chương LHQ.

Luận điệu cổ suý bạo lực chiến tranh bất hợp pháp này lại được một số báo chí chính thống đăng tải công khai, như trường hợp tờ Viettimes với bài phỏng vấn “chuyên gia” Lê Thế Mẫu.

Điều này sẽ khiến Việt Nam gặp phải thế bất lợi một khi Trung Quốc tấn công các cứ điểm của Việt Nam trên Biển Đông. Một mặt, các kiểu thông tin “tung hoả mù” như của các chuyên gia Lê Văn Cương, Lê Ngọc Thống và Lê Thế Mẫu sẽ khiến dư luận Việt Nam ngộ nhận không biết đâu là đúng sai?

Đâu là sức mạnh của lẽ phải và chính nghĩa? Mặt khác, dư luận quốc tế sẽ thờ ơ như đã từng làm khi Trung Quốc thực hiện thảm sát Gạc Ma ngày 14/3/1988.

Các chuyên gia và báo chí Việt Nam cần phải “nhìn từ góc độ lợi ích Việt Nam” khi bình luận về vấn đề này, như tướng Vịnh đã nhắc nhở.

_______________

Tham khảo:

1. https://baonghean.vn/tuong-cuong-nga-se-khong-sa-lay-o-ukraine-303077.html

2. https://ngocthongqb.blogspot.com

3. https://www.facebook.com/ngocthong.le.524

4. https://viettimes.vn/khung-hoang-ukraine-ben-nao-dang-theo-duoi-hoc-thuyet-loi-thoi-ve-chinh-tri-cuong-quyen-ly-giai-cua-dai-ta-le-the-mau-post155184.html

5. https://viettimes.vn/khung-hoang-ukraine-ben-nao-dang-theo-duoi-hoc-thuyet-loi-thoi-ve-chinh-tri-cuong-quyen-ly-giai-cua-dai-ta-le-the-mau-post155184.html

6. https://vov.vn/chinh-tri/toan-van-tuyen-bo-cua-viet-nam-tai-dai-hoi-dong-lhq-ve-tinh-hinh-ukraine-post927707.vov

7. https://www.mfa.gov.sg/Newsroom/Press-Statements-Transcripts-and-Photos/2022/03/20220305-sanctions

8. https://tuoitre.vn/xung-dot-nga-ukraine-khong-ben-nao-thang-20220304223912692.htm

9. https://hcma.vn/tintuc/Pages/dien-dan-chinh-tri-tu-tuong.aspx?CateID=201&ItemID=28399

10. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/825068/cang-thang-nga---ukraine--ban-chat%2C-nguyen-nhan-va-trien-vong.aspx

11. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/825105/mot-so-ly-giai-ve-cuoc-xung-dot-nga---ukraine-hien-nay-va-tinh-toan-chien-luoc-cua-cac-ben.aspx

12. https://cand.com.vn/Tro-chuyen-cuoi-thang/giao-su-tien-si-pham-quang-minh-tu-cuoc-chien-nay-the-gioi-thay-doi-nhu-the-nao--i646483/

13. https://www.facebook.com/profile.php?id=100027338550086

14. https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/ai-huong-loi-trong-cuoc-khung-hoang-nga-ukraine-685864

15. https://cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/luan-dieu-suy-dien-xuyen-tac-quan-diem-cua-viet-nam-ve-xung-dot-nga--ukraine-i646134/

Nguồn: RFA


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày