Giáo dục Việt Nam sẽ đi về đâu?…

Nhìn vào bức tranh tổng thể thì vẫn chưa tìm thấy lối ra nào cho ngành giáo dục hiện tại. Nó là một mớ loạn xì ngầu. Nó quá lộn xộn để mà có thể thu xếp cho ngon lành trong ngày một ngày hai.

Phải nói các thầy rất lắm trò.

Lẽ ra sách giáo khoa là thứ căn bản, mang tính nền tảng của một hệ thống giáo dục. Nhưng mà nay thì nó loạn cào cào cả lên, khiến cho cả học sinh, phụ huynh và giáo viên đều khổ sở.

Việc mỗi năm ra một bộ mới là một trò làm tiền thô thiển. Sách của anh, chị để lại, em út trong nhà không thể dùng. Dưới chiêu trò “đổi mới giáo dục”, người ta cứ bắt dân è cổ ra mua mỗi năm một bộ hoàn toàn mới. Họ còn bán kiểu “bia kèm lạc”. Mua là phải trọn bộ, lẻ không bán. Dù trong đó có những cuốn không cần dùng đến.

Đối với những bộ sách giáo khoa có nội dung ổn định như trước kia, giáo viên gần như thuộc nằm lòng vì năm nào cũng đem ra dạy. Bây giờ sách mới ra lò, thầy cô cũng tiếp cận từ đầu như học sinh. Mà thầy cô chưa chắc đã nhanh nhạy như bọn trẻ, lắm cái cũng ú ớ. Thế thì họ dạy kiểu gì? Phải chăng mỗi tiết học là một cuộc dò dẫm cố cùng nhau nhồi nhét ba thứ nhăng cuội do tụi não phẳng ngồi phòng máy lạnh biên soạn ra?

Ngoài gánh nặng sách vở, văn phòng phẩm linh tinh, phụ huynh còn đối diện với hàng loạt dạng phí do các nhà trường bày ra. Trong đó, phí cơ sở vật chất là một trò đã rất xưa cũ nhưng vẫn luôn hiệu nghiệm. Hạ tầng ngành giáo dục, y tế và giao thông là những thứ mang lại lý do thuyết phục nhất để một chính phủ đứng ra thu thuế. Thế mà nhà nước đầu tư cứ đầu tư, phí dân vẫn đóng liên tù tì.

1 Giao Duc Viet Nam Se Di Ve Dau

Năm nay chuyện giáo viên bỏ việc trở thành đề tài thời sự.

Theo báo chí thì nó đã trở thành “làn sóng”. Thiếu giáo viên đứng lớp được cho là đã vào tình trạng “trầm trọng”. Nếu xác định giáo dục là “quốc sách hàng đầu”, tại sao người ta lại trả thu nhập quá bèo bọt cho thầy cô giáo?

Nếu là “quốc sách hàng đầu” thì làm sao giáo viên lại đầu hàng trước mức lương “cơ bản”? Suốt một ngày cô trò vật lộn trên lớp học đã mệt nhoài rồi, cuối ngày lại còn phải kéo nhau tới chỗ “học thêm” để tăng thu nhập cho cô!

Sẽ không có nhiều hy vọng vào chất lượng, trình độ giáo viên, khi mà thu nhập của họ suốt cả năm chỉ bằng cậu thanh niên mặc quần đùi đi đá bóng một tháng. Cuộc sống nhiều áp lực quá khiến họ cũng thường xuyên nổi cáu.

Bạo lực học đường không chỉ là việc học sinh tẩn nhau mà còn ở cách ứng xử của người dạy trước học trò của mình. Bất cứ những ai qua tuổi học trò đều ám ảnh với những cây thước của người đứng lớp. Nó vừa là giáo cụ, vừa là vũ khí trấn áp, sẵn sàn đe dọa bọn nhỏ để giữ trật tự lớp học.

Tệ hơn nữa, là qua một chặng dài với bao vất vả, cực nhọc, tốn kém như thế, mà cái chứng nhận đầu ra lại chả mang đến bất kỳ một sự tin tưởng nào. Ra trường đi làm kể như mới bắt đầu học hành. Bảng điểm vô nghĩa, bằng cấp vô nghĩa. Chúng chẳng thể chứng thực năng lực trước nhà tuyển dụng.

Mỗi ngày đến trường để mà làm gì thì tôi cũng không biết nữa. Đám đông cứ đi, cứ đi, cứ đi… Tôi không biết là họ đi đâu. Mà chính họ có lẽ cũng chả biết mình đang đi đâu!

ĐOÀN QUÝ LÂM


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày