Giáo dục của ta có lắm chuyện bi hài!

Bỏ hàng mấy tỉ đồng mỗi năm để kiếm giải thì nhẹ như lông hồng nhưng đố trường chuyên nào dám chi khoảng 100 triệu để mua sách bỏ thư viện cho học sinh đọc đấy. GD của ta như thế đó, chuyện dài lắm.

1 Giao Duc Cua Ta Co Lam Chuyen Bi Hai

Ông hiệu trưởng trường này nói: "Trường THPT Chuyên Hưng Yên cũng như các trường THPT chuyên khác trên toàn quốc sẽ có 2 nhiệm vụ song song, thứ nhất hoạt động như các trường THPT bình thường, thứ hai là đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi.

Việc đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi muốn làm được cần có một chương trình riêng. Nếu nhìn vào số tiền đó mà không hiểu, cứ nghĩ là chỉ mỗi chi phí thi, nhưng thực tế là thêm một chương trình khác”.

Tôi mới ở trong chăn chui ra, xin hỏi ông hiệu trưởng, chương trình khác đó là chương trình gì vậy?

Trường chuyên cũng chỉ học sách giáo khoa như mọi trường phổ thông bình thường, cái khác duy nhất là nó có thêm một số chuyên đề (dao động trên dưới 10 chuyên đề) cho mỗi môn chuyên trong cả năm học. Hết.

Còn dạy luyện thi học sinh giỏi? Hầu như trường nào trên cả nước, từ Tiểu học, THCS, THPT đến DTNT đều dạy và tham gia thi đấu hàng năm. Chỉ khác là trường chuyên vì áp lực thành tích mang tính sống còn nên nó học nhiều hơn, khốc liệt hơn.

Dạy luyện thi học sinh giỏi có được trả tiền không?

Có. Được trả bao nhiêu?

Tiền lương 1 giờ nhân với số giờ dạy luyện thi (sau khi đã trừ cho đủ định mức theo quy định).

Tôi tính trung bình 1 giờ là được 150k, dạy bao nhiêu thì nhân với bấy nhiêu, nhưng không quá 180 tiết. Tức là anh có dạy lên 300 tiết cũng kệ anh, tôi chỉ nhân với 180 thôi.

Trung bình mỗi năm giáo viên dạy học sinh giỏi vượt 180 tiết thì được trả khoảng trên 20 triệu đồng (mỗi tháng khoảng 2 triệu). Nếu trường ông hiệu trưởng chuyên Hưng Yên có khoảng 30 giáo viên tham gia dạy luyện thi học sinh giỏi thì tổng chi cho món này cũng chỉ trên 600 triệu.

Vậy chi gì mà tới 7 tỉ đồng?

Điều này tôi đã viết nhiều: mời giáo sư về dạy, tổ chức đưa học sinh đi đến những lò nổi tiếng, lên đường “tầm sư học đạo”, v.v.. Khoản này sẽ ngồn tiền tỉ. Nhưng cũng không thể hết 7 tỉ được!

Họ làm gì để hết được số tiền ấy thì tôi không biết.

Câu chuyện này một lần nữa phơi bày một điều vốn đã phơi bày lâu nay rồi: nạn thành tích trong giáo dục, đặc biệt là ở các trường chuyên.

Trong cuộc chiến này ai khổ nhất?

Giáo viên, giáo viên phải bò ra mà dạy ngày dạy đêm, tiền bạc thì gần như chỉ mang tính tượng trưng. Có giải thì chớ, không giải chỉ có chết!

Người khổ thứ hai là học sinh. Học bạc mặt. Có giải thì mang kiệu rước, không giải thì thành tội đồ. Tự ti, mặc cảm, xấu hổ... Chung cục tất cả cũng chỉ là quả chanh đã vắt xong.

Cái đáng nói hơn nữa là thi học sinh giỏi, có danh hiệu học sinh giỏi rồi, thì nền giáo dục có vì thế mà tốt hơn, học sinh có giỏi hơn thật không? Không ai chắc được, chỉ biết rằng rất tốn kém và khổ cực. Tất cả sáng trưng trong một ngày tuyên dương, và sau đó lại một cuộc chiến mới. Tít mù nó lại vòng quanh.

Giáo dục của ta có lắm chuyện bi hài như thế đó, nhưng không phải vì thế mà nó sẽ được giải quyết.

Câu chuyện thành tích của trường chuyên sẽ còn tồn tại rất lâu nữa, vì nếu không có nó trường chuyên mất tính chính danh, nên dù biết là oái oăm đấy, nhưng không thể bỏ!

 Nhà giáo Thái Hạo

Tôi tin chắc, hiệu trưởng bất cứ trường nào trên lãnh thổ VN, chỉ cần sĩ số học sinh trường từ 900 - 1000 học sinh, là mỗi tháng họ bỏ túi vài trăm triệu, (sau khi chia phần cho tay em & đã làm xong nghĩa vụ với quan trên).

Nếu là trường điểm ở các thành phố lớn, mà sĩ số học sinh 1500 trở lên thì mỗi tháng, họ kiếm được tiền tỉ.

Họ kiếm tiền từ đâu để đút túi riêng ?

Hễ có thu được là có tiền bỏ túi. Đó là các nguồn thu :

1 là, tiền ngân sách nhà nước rót về mỗi năm.

Họ ăn nguồn tiền này ăn qua các khoản mục chi thường xuyên, như chi mua sắm, xây dựng sửa chữa, ... & mục chi khác.

Tất cả các khoản chi đều có % lại quả, hóa đơn đều kê giá mua lên nhiều lần, có nhiều loại họ dám kê giá tăng lên thêm 100% hoặc hơn. Thậm chí nhiều tay hiệu trưởng dám kê khống chủng loại, số lượng mua sắm.

2 là, nguồn thu cho thuê mặt bằng, đấu thầu căn tin, giữ xe ...

3 là, các khoản thu được unnd tỉnh cho phép thu.

4 là, các khoản thu dạy thêm, dạy năng khiếu, kỹ năng, trải nghiệm ...

5 là, các khoản thu qua hội phụ huynh (nhiều không kể xiết).

6 là, thu vặt vãnh như bán đồng phục học sinh, bán bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, tiền điện sử dụng máy lạnh, tiền photo giấy kiểm tra ...

7 là, tiền ăn, tiền quản lý bán trú...

Nếu trường có 1000 học sinh, thì riêng ăn suất ăn, chỉ cần họ ăn 5000 đồng / suất ăn/ngày của học sinh, thì 25 ngày × 5000 đ = 125 triệu đồng, kiếm nhẹ nhàng.

Như vậy, chỉ riêng tiền bữa ăn của học sinh, họ bỏ túi cả trăm triệu tháng. Nếu trường có 2000, 3000 học sinh, thì riêng tiền bữa ăn, họ cũng bỏ túi vài trăm triệu.

Nói chung, ăn của học sinh ở cấp tiểu học & trung học cơ sở là dễ ăn nhất.

Vì thế, hiệu trưởng trường điểm, trường loại 1, trường có từ 1500, 2000 ... học sinh, thì mỗi tháng hiệu trưởng kiếm tiền tỉ nhẹ nhàng.

Bé tẹo như đi tham quan, du lịch, hiệu trưởng cũng không để sót.

Hàng năm công đoàn tổ chức cho cán bộ giáo viên & công nhân viên nghỉ dưỡng, tham quan, du lịch, mặc dù do công đoàn tổ chức, nhưng thực tế thì hiệu trưởng quyết định hết, nên cũng kiếm miếng 15% , 20%.

Nguyễn Văn Tuân


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày