Trong căn phòng rộng chưa đầy 10 m2 chỉ đủ kê một chiếc giường và một dãy bàn học ở thôn Phú Hạng, xã Tân Phú, huyện Quốc Oai, 3 con lớn của vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng ngồi học online.
Ba chiếc điện thoại kết nối Internet lúc nào cũng mở âm lượng to hết cỡ, tiếng thầy cô ở máy này át tiếng của máy kia. Ba đứa trẻ lớp 7, lớp 9 và lớp 10 cố ghé sát tai lắng nghe và ghi chép bài học.
Ở ngôi nhà ba gian kế bên, chị Hồng, 33 tuổi, ngồi trông đứa út 4 tuổi, thi thoảng chạy xuống xem 3 con gái có đang học hoặc bị rớt mạng hay không.
Cậu con trai lớp 3 của chị Hồng chỉ có thể tranh thủ học online khi các chị nghỉ giải lao. Ảnh: Phạm Chiểu
Hai bé lớp 2 và 4 may mắn có bạn cạnh nhà nên qua ngồi học online cùng. Còn con trai duy nhất đang học lớp 3 gần như phải bỏ học. Lúc nào 3 chị lớn nghỉ giải lao, bé mới ngồi vào bàn học, chưa đầy 10 phút là phải trả máy. Không thấy trò, thầy cô sốt ruột gọi điện cho phụ huynh, chị Hồng chỉ biết nói thông cảm.
Thiếu máy, cậu bé lớp 3 chỉ còn cách ngồi xem tivi. Với trình độ học hết THCS, chị Hồng thừa nhận việc dạy con học là không thể, phải trông chờ chị em dạy cho nhau. "Thấy các con không có thiết bị học, phải đi học nhờ, phận làm mẹ tôi cũng tủi thân lắm, nhưng chẳng có cách nào khác", chị Hồng tâm sự.
Mọi năm vào đầu năm học, chị Hồng chỉ có thể đóng trước cho mỗi con một nửa tiền học phí, còn lại sẽ xin nhà trường trả sau. Nhưng thường khi gần hết năm học, anh chị mới có thể hoàn tất. Nhiều trường hiểu cho hoàn cảnh còn chiếu cố, nhưng có nơi thi thoảng gọi điện giục anh chị đóng tiền.
Năm nay, ngoài chuyện học phí, mua sắm sách vở, quần áo cho các con, chị Hồng đối mặt với nỗi lo khác - 6 đứa con lớn cùng học online. Hôm 2/9, khi Hà Nội thông báo việc học online vào 6/9, chị Hồng mất ngủ, không biết xoay đâu cho đủ điện thoại.
Vợ chồng chị có 2 chiếc điện thoại kết nối Internet và vẫn còn thiếu 4 chiếc. "Dịch thế này vợ chồng đều nghỉ làm, đến tiền ăn còn phải lo thì lấy đâu ra tiền mua máy cho con học", chị Hồng nói.
Chị Hồng không biết xoay sở ra sao để có đủ máy cho 6 đứa con cùng học online. Ảnh: Phạm Chiểu
Những ngày đầu học online, không lo đủ thiết bị nên có đứa phải bỏ dở việc học. Chị Hồng phải gọi điện nhờ cô giáo gửi bài tập để các con làm. Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, thầy hiệu trưởng trường THCS, nơi con chị Hồng theo học, cho mượn một điện thoại. Gom được 3 cái, chị Hồng để cho 3 con lớn sử dụng.
Chị Hồng kết hôn với anh Trường khi mới 18 tuổi. Cả hai sau đó có với nhau 8 đứa con, một trong số này mất lúc 22 ngày tuổi. Giải thích lý do đẻ nhiều, chị cười ngượng nghịu: "Cơ thể không thích nghi với vòng tránh thai nên dễ dính bầu và có là đẻ".
Để trang trải cuộc sống hàng ngày, vợ chồng chị Hồng trải qua nhiều nghề, từ chạy chợ, phụ hồ và gần đây chuyển sang sơn nhà cửa. Cách đây vài năm, khi các con còn nhỏ, chị phải nhờ bà nội trông giúp để đi làm.
Nhà đông con, làm tới đâu tiêu hết tới đó, nhưng chị Hồng nói vẫn muốn lo cho các con học hành tử tế. "Ít nhất các con cũng phải có bằng THPT. Có bằng cấp, sau nay các con đi xin làm việc ở công ty cũng dễ hơn", chị Hồng tính toán.
Mong muốn của chị Hồng lúc này là dịch bệnh được kiểm soát, các con được đến trường, gia đình không phải xoay xở thiết bị học online. Vợ chồng chị cũng được đi làm để có tiền lo cho các con.
Căn nhà của vợ chồng chị Hồng ở thôn Phú Hạng, xã Tân Phú, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Ảnh: Phạm Chiểu
Ông Nguyễn Công Thanh, Chủ tịch UBND xã Tân Phú, cho biết tại địa phương, gia đình chị Hồng thuộc diện hộ cận nghèo. Trong năm vừa rồi, gia đình được hưởng các chính sách hỗ trợ đối với người thất nghiệp vì Covid-19.
"Các con của vợ chồng Hồng đi học cũng được nhà trường, giáo viên giúp đỡ. Mỗi khi chính quyền, các nhà hảo tâm có chính sách giúp đỡ người dân trong xã, gia đình chị Hồng đều được ưu tiên", Chủ tịch UBND xã Tân Phú cho hay.
Phạm Chiểu
Nguồn: vnexpress.net
© 2024 | Thời báo ĐỨC